Đại học bạc tỉ

Đại học nào giàu nhất thế giới? Đó là Harvard. Tính đến mùa hè vừa qua, tổng vốn của đại học hàng đầu nước Mỹ này đã lên đến hơn 30 tỉ USD.

Băng qua sông Charles, phía bên kia trường là vào Federal Reserve Building, tòa cao ốc nơi Harvard Management Company (HMC) đặt trụ sở. Tại đây, luôn có hơn 100 nhà kinh doanh, nhà quản trị và các bộ óc tầm cỡ về tài chính bận rộn tính toán, suy nghĩ làm thế nào để kiếm càng lúc càng thật nhiều tiền cho Đại học Harvard yêu quí của họ.

Nhưng họ làm việc rất âm thầm, không muốn bị công chúng chú ý tới.

Về hoạt động của HMC, các nhà báo chỉ biết được các chi tiết rời rạc. Thí dụ, tính đến cuối năm 2005, HMC là chủ sở hữu lớn nhất thế giới về rừng, với hơn 2 tỉ USD đầu tư vào lâm nghiệp. Công ty cũng rất xông xáo trên thị trường các nước mới nổi lên, là cổ đông nước ngoài lớn nhất của Tập đoàn tin học Infosys Ấn Độ. Công ty mới tăng được lên gấp đôi số cổ phần nắm giữ tại đại công ty dầu khí Brazil Petrobas. Rằng HMC nhúng tay vào nhiều hoạt động tài chính - đầu tư, mua bán cổ phần, nợ, địa ốc, ngoại tệ - và thu lãi rất khá: trung bình 15,2%/năm trong 10 năm trở lại đây.

Một trong những bí quyết của các bộ máy làm tiền này là tuyển dụng những nhà quản trị ưu việt hàng đầu. Năm 2004, Jack Meyer - nhà phù thủy của HMC, một trong những người giúp cho tiền của Harvard mỗi ngày một tăng - đã thưởng 78 triệu USD cho sáu người giỏi nhất trong công ty. Tiền thưởng quá lớn đã gây sốc cho một số cựu sinh viên Harvard, bởi đối với họ, Harvard là một cơ sở phi lợi nhuận không thể để cho người ta “ăn” tiền dữ như thế. Kết quả: Meyer và các cộng sự phải ra đi; và họ liền thành lập công ty ở chỗ khác.

Tuy nhiên, HMC vẫn tiếp tục thu hút được các siêu sao ngành tài chính. Bắt đầu bằng sếp mới (thay thế cho Meyer): Mohamed el-Erian, một người Pháp lai Ai Cập, cựu sinh viên Cambridge, Oxford, từng suýt trở thành tổng giám đốc Quĩ Tiền tệ quốc tế.

Các cuộc họp mặt cựu sinh viên là những lúc tốt nhất để thu hút các đóng góp.

Tiền nhiều, nhưng Harvard không giảm học phí: trung bình vẫn là 42.000 USD/năm; cũng không ngừng quyên góp. Trường Kinh doanh Harvard, chẳng hạn, vừa chấm dứt một đợt quyên góp rất thành công: thu được gần 600 triệu USD. Dự kiến toàn Đại học Harvard sẽ tung ra một chiến dịch quyên góp mới, mục tiêu: 5 tỉ USD! 

Theo Thụy Anh
Vnexpress/Le Nouvel Observateur