“Đại gia” Tả Sử Choóng

(Dân trí) - Khoảng 8 năm nay, đời sống người dân và giáo viên xã Tả Sử Choóng huyện Hoàng Su Phì tỉnh Hà Giang được cải thiện phần nào bởi sự táo bạo của chàng trai trẻ Nguyển Đình Hiển. Một số giáo viên nơi đây vẫn thường đùa gọi anh là “đại gia” Tả Sử Choóng.

Đưa thực phẩm, hàng hóa đền gần người dân hơn

Trong chuyến đi công tác đến xã Tả Sử Choóng, một xã heo hút còn rất nhiều khó khăn của huyện Hoàng Su Phì tôi có dịp được gặp gỡ anh Nguyễn Đình Hiển người mà mà một số giáo viên vẫn thường gọi đùa là “đại gia”.

Tiếp tôi trong cửa hàng tạp hóa mà anh đã tâm huyết lập dựng giữa một xã còn rất nhiều khăn anh chỉ cười và trao đổi rất khiêm tốn về những thành công của mình. Vốn là người thuộc một xã của huyện Vũ Thư- Thái Bình, anh Hiển đã quyết định đến gắn bó với giáo viên và người dân xã Tả Sử Choóng vào đầu những năm 2003.
 
“Đại gia” Tả Sử Choóng - 1
Cửa hàng tạp hóa của "đại gia" Hiển
 
Chia sẻ với tôi anh bộc bạch: “ Hồi đó cũng do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên mình quyết định lên đây làm ăn. Khi vào đến xã Tả Sử Choóng thuê đất làm được căn nhà để ở thì cũng vừa vặn hết tiền. Cũng may là mình có người em kinh doanh buôn bán ở Hà Giang này giúp chuyển cho một chuyến hàng vào trong này nên từ đó hai vợ chồng cứ túc tắc làm ăn”
“Đại gia” Tả Sử Choóng - 2

"Đại gia" Tả Sử Choóng Nguyễn Đình Hiển

Khi hỏi anh xuất phát từ đâu mà anh quyết định đầu tư mở cửa hàng buôn bán để phục vụ cho giáo viên và bà con ở đây? Anh Hiển vui vẻ chia sẻ: “Thật ra cũng là do nhu cầu thực tế mà mình bắt tay vào làm. Ngày trước đường sá giao thông của Tả Sử Choóng khó khăn lắm, việc ra huyện mua đồ tươi hoặc các thực phẩm thiết yếu gần như là rất khó. Lúc đó mình cũng nghĩ là thôi thì chịu khó đi ra ngoài huyện mua về hàng về tập kết ở đây để tạo điều kiện cho bà con và nhất là giáo viên nơi đây khỏi phải vất vả đi lại”.

Tâm sự của anh Hiển làm tôi cảm phục anh nhiều hơn. Chỉ có ai đặt chân lên vùng đất Hoàng Su Phì này và đi đến xã Tả Sử Choóng thì mới thấu hiểu sự khó khăn đi lại của giáo viên và người dân nơi đây.

Để vào Tả Sử Choóng cần phải vượt qua quãng đường đầy nguy hiểm có độ dài khoảng gần 16km. Đặc điểm nổi bật ở Hoàng Su Phì là vùng núi đất nên việc sạt lỡ thường xuyên xảy ra. Chỉ có vào những mùa khô như thế này thì đường đến Tả Sử Choóng có phần dễ dàng hơn đó là có thể dùng phương tiện xe máy để đi lại, còn về mùa mưa thì điều này là không thể.
 
“Đại gia” Tả Sử Choóng - 3

Mặc dù là mùa khô nhưng con đường đến với Tả Sử Choóng
 vẫn gian nan và nguy hiểm như thế này

Tuy nhiên, vào mùa khô thì cũng là lúc mà các dự án, công trình được khởi công bởi lúc này mới có thể vận chuyển được vật liệu xây dựng từ ngoài vào. Trớ trêu thay, Hoàng Su Phì là là đất pha cát nên rất yếu. Chính vì vậy kể cả về mùa khô thì con đường cũng bị cày nát, tàn phá bởi các phương tiện có tải trọng lớn.
 
“Đại gia” Tả Sử Choóng - 4

Mùa khô là thời điểm anh Hiển "dốc" hết vốn để tích trữ hàng hóa

Với tình hình thực tế như vậy nên anh Hiển thường tận dụng mùa khô để tích trữ một lượng hàng hóa tương đối lớn để phục vụ cho mùa mưa sau này. Mặc dù vất vả khó khăn như vậy nhưng so với mặt bằng giá cả ngoài huyện thì hầu như các mặt hàng của anh không cao hơn là bao nhiêu, thậm chí còn có mặt hàng thấp hơn nhiều.

“Thật ra mình kinh doanh làm ăn thì cũng cần có lãi. Nhưng trên thực tế mình không thể bán giá cao hơn ngoài huyện được bởi lương tâm mình không cho phép. Giáo viên và người dân ở đây còn khó khăn lắm, không giúp đỡ tạo điều kiện lẫn nhau thì thôi chứ nỡ lòng nào làm khó nhau”, anh Hiển bộc bạch.

Mô hình khép kín để giảm giá tối đa

Theo lời tâm sự của anh Hiển thì để có thể bán giá hàng hóa ở Tả Sử Choóng ngang với huyện Hoàng Su Phì thì anh phải lấy hàng ở ngã ba thị trấn Bắc Quang. Nơi đây là đầu mối tập kết các hàng hóa từ dưới xuôi lên nên giá bán buôn thường là “mềm” nhất.

Từ thị trấn Bắc Quang đến ngã ba Bản Béo (lối duy nhất để vào Tả Sử Choóng) thì anh thuê xe ô tô vận chuyển. Còn từ Bản Béo vào Tả Sử Choóng thì anh dùng xe máy vận chuyển vào.

“Thật ra hàng hóa mình lấy vào chủ yếu là các loại đồ khô và các vật dụng dùng để sinh hoạt đời sống. Nguồn hàng tươi sống nhất mà mình lấy từ ở ngoài đó vào chủ yếu là rau còn các thứ khác như thịt, cá… thì chăn nuôi tại chỗ sau đó mổ thịt đem bán”, anh Hiển tiết lộ.

Như để minh chứng những điều mình nói anh đưa tôi xuống xem mô hình khép kín của anh. Gia đình anh có một máy xay xát cỡ nhỏ nhằm phục vụ bà con ở đây. Anh nuôi lợn, nuôi gà, nấu rượu, bả rượu được tận dụng nuôi lợn.
 
“Đại gia” Tả Sử Choóng - 5

Trang bị máy xay xát để bà con đỡ tốn công sức hơn

“Đặc thù ở Hoàng Su Phì là rất khó để có mặt bằng. Để có một mảnh đất xây dựng canh tác bắt buộc phải xẻ núi, chính vì thế để kiếm mảnh đất trồng rau ở đây là rất khó”, anh Hiển chia sẻ.

Qua tìm hiểu của tôi thì từ khi anh Hiển làm mô hình khép kín này thì người dân và nhất là giáo viên ở đây được mua thực phẩm với giá thấp hơn rất nhiều so với đi vào thôn bản để mua.

Tâm sự với tôi, cô giáo Lý Thiên Hương, người đã từng công tác ở Tả Sử Choóng cho biết: “Người dân ở đây đa số là dân tộc Mông, Nùng và Dao. Chỉ khi nào họ cần tiền thì mình có thể mua dễ dàng, còn khi mà họ chưa cần tiền thì có thuyết phục đến thế nào cũng không bán. Giá cả người dân bán thường rất là cao so với giá mặt bằng chung”.

Thầy Minh, giáo viên trường tiểu học và THCS Tả Sử Choóng chia sẻ thêm: “Ở trên này giáo viên khổ lắm anh ạ. Đôi lúc cũng muốn nuôi còn gà, con lợn để cải thiện đời sống, khỏi phải vào trong dân mua. Nhưng có cái lạ là người dân nuôi thì không bao giờ bị mất, còn mình nuôi thì lại suốt ngày bị mất. Từ khi anh Hiển mổ thịt lợn, gà…để bán thì đời sống anh em đỡ hơn”.

Trước khi tạm biệt để quay ra Thị trấn Hoàng Su Phì tôi hỏi nhỏ anh Hiển: “Liệu anh có bám trụ ở đây suốt cả cuộc đời của mình hay là sau khi có kinh tế tốt hơn thì sẽ rời về xuôi?”

Mỉm cười một cách hiền hậu anh trả lời: “Bản thân mình đã đăng ký hộ khẩu ở đây. Vợ và con trai đầu của mình cũng đã lên đây thì chắc chắn cả cuộc đời còn lại của mình sẽ gắn bó với Tả Sử Choóng”.
 

“Chủ nợ” của các thầy, cô

Tâm sự với tôi, một giáo viên trường tiểu học và THCS Tả Sử Choóng tiết lộ: “Những ngày chậm lương thì anh Hiển như là một vị “cứu tinh”, từ gói muối đến gói tăm anh em ở đây đều ra mua … “nợ”. Thậm chí có những thầy, cô không có tiền về quê ra vay thì anh cũng niềm nở đồng ý và chưa bao giờ nghĩ đến chuyện tính lãi”

Khi được tôi gọi là “chủ nợ” anh Hiển chỉ cười và nói: “Là con người ai chẳng có lúc khó khăn. Giúp đỡ thầy cô cũng là một niềm hạnh phúc của tôi. Tôi chưa bao giờ có suy nghĩ mình là “chủ nợ” của các thầy, các cô”

Trầm ngâm một lúc anh nói tiếp: “Thật ra các thầy, các cô ở đây cũng chi tiêu tiết kiệm lắm. Thứ hàng mà thầy cô mua nhiều ở cửa hàng của anh chắc có lẽ là mỳ tôm và rau mà thôi. Con thỉnh thoảng có cải thiện đời sống thì mới mua thịt, mua cá”.

Qua tiếp xúc với giáo viên trường tiểu học và THCS Tả Sử Choóng thì tôi được cũng biết, hầu như giáo viên nào cũng “nợ tiền” anh Hiển. Tuy nhiên anh chưa bao giờ đi đòi bất kì giáo viên nào. Khi có lương nhiều thầy, cô khó khăn chưa thanh toán được cho anh thì anh không có phàn nàn hay trách cứ gì.

 
 
Nguyễn Hùng