Đại diện hơn 100 quốc gia đến Việt Nam dự diễn đàn giáo dục
(Dân trí) - Ngày 2, 3/7/2019, tại Hà Nội, Diễn đàn giáo dục vì Sự Phát triển bền vững và Công dân toàn cầu của UNESCO năm 2019 sẽ diễn ra với sự tham dự của hơn 350 đại biểu là lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia, các nhà giáo dục và các đại diện của các bên liên quan đến từ hơn 100 quốc gia trên thế giới.
Trong đó, có các nước có nền giáo dục phát triển, đặc biệt là giáo dục vì sự phát triển bền vững và công dân toàn cầu như Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước khu vực Châu Mỹ La-tinh.
Diễn đàn lần này hưởng ứng chủ đề “Học tập và giảng dạy vì một xã hội hòa bình và bền vững: từ bậc giáo dục mầm non đến giáo dục tiểu học và trung học”.
Diễn đàn do UNESCO phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Ủy Ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức, với sự đồng hỗ trợ của Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ (MEXT) của Nhật bản thông qua Quỹ tín thác Nhật Bản UNESCO dành cho Chương trình Hành động toàn cầu Giáo dục vì Sự phát triển bền vững và Trung tâm Giáo dục vì Sự hiểu biết quốc tế Châu Á Thái bình dương (APCEIU).
Diễn đàn sẽ trình bày những kết quả nghiên cứu của UNESCO để trả lời cho câu hỏi: làm thế nào để tích hợp ba khía cạnh nhận thức, cảm xúc - xã hội và hành xử trong học tập và giảng dạy vì một xã hội hòa bình, bền vững và giáo dục công dân toàn cầu vào chương trình giáo dục mầm non, tiểu học và trung học.
Cụ thể, Diễn đàn sẽ tìm hiểu sâu về những kết quả chính của nghiên cứu nhằm nắm bắt xu thế, xác định khoảng trống và những thách thức lớn.
Đồng thời, Diễn đàn sẽ chia sẻ những phương thức tiếp cận tiềm năng, đổi mới để lấp đầy những khoảng trống và khai thác triệt để tiềm năng của các khía cạnh học tập này - ở ba bậc giáo dục gồm mầm non, tiểu học và trung học - nhằm hỗ trợ thúc đẩy công dân toàn cầu và phát triển bền vững; củng cố hợp tác và mở rộng các cơ hội kết nối của các đại biểu đang công tác ở những lĩnh vực này.
Trong khuôn khổ của Diễn đàn sẽ diễn ra 7 phiên họp toàn thể; 4 phiên thảo luận nhóm. Các phiên họp toàn thể và thảo luận nhóm sẽ có tính tương tác cao nhằm tăng cường mối quan hệ đối tác và mở rộng các cơ hội kết nối mạng lưới xung quanh các vấn đề nêu trên, đồng thời thảo luận và thúc đẩy đối thoại cũng như chia sẻ thông tin và kiến thức thực tiễn.
Diễn đàn cũng sẽ giành thời gian cho giáo viên và học sinh lên tiếng về nhu cầu của họ, xét về khía cạnh sư phạm hiệu quả cho ESD và GCED, sau đó sẽ là phiên đối thoại toàn thể về nhu cầu nào cần được cải thiện/ thay đổi trong bối cảnh hệ thống giáo dục hiện nay.
Hồng Hạnh