Đại dịch Covid-19 mở ra sự công bằng giáo dục cho người dân
(Dân trí) - Đại dịch Covid-19 cũng đã mở ra cơ hội giúp giáo dục là: "Thu hẹp khoảng cách số giúp đảm bảo công bằng và chất lượng giáo dục cho mọi người dân".
Đó là điểm nhấn quan trọng mà Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu tại tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2020 - 2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021 - 2022 đối với giáo dục thường xuyên với khoảng 900 điểm cầu vào ngày 19/8.
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, năm học 2020-2021 quy mô và mạng lưới cơ sở GDTX tại các địa phương về cơ bản được duy trì ổn định.
Cả nước hiện có 18.239 cơ sở giáo dục thường xuyên (GDTX), tăng 782 cơ sở so với năm học trước. Trong đó, Trung tâm GDTX, Trung tâm GDNN - GDTX là 625 trung tâm (giảm 56 trung tâm so với năm học 2019-2020). Trung tâm ngoại ngữ - tin học (trung tâm NNTH) là 6.188 trung tâm (tăng 606 trung tâm so với năm học 2019-2020).
Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) có 10.555 trung tâm (giảm 02 trung tâm so với năm học 2019-2020), đạt tỷ lệ 99,53% xã/phường/thị trấn có TTHTCĐ. Cơ sở, trung tâm thực hiện giáo dục kỹ năng sống (Trung tâm GDKNS) là 871 trung tâm (tăng 240 trung tâm so với năm học 2019-2020).
Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tại các trung tâm GDTX, trung tâm GDNN-GDTX cơ bản ổn định về số lượng so với năm học trước, với 18.705 cán bộ, nhà giáo.
Trong đó, giáo viên biên chế, giáo viên dạy văn hóa đều tăng lên với 8.743 thầy cô thuộc biên chế (tăng 639), 9.769 giáo viên dạy văn hóa (tăng gần 1.300). Dù vậy, số lượng giáo viên biên chế của các cơ sở GDTX vẫn ít (chiếm gần 64%), chưa đủ về số lượng và cơ cấu các môn học nên khó khăn trong bố trí giáo viên và ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng dạy học.
Năm học 2020-2021, trong điều kiện dịch Covid-19 phức tạp, các Trung tâm đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, dạy học để đảm bảo hoàn thành chương trình đúng tiến độ và chất lượng. 90,32% học viên GDTX đã tốt nghiệp THPT (theo báo cáo sơ bộ kết quả thi đợt 1); kết quả tốt nghiệp THCS đạt tỷ lệ 99,7%.
Đánh giá kết quả sau một năm của GDTX, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ ghi nhận nỗ lực của các địa phương, cơ sở GDTX trong điều kiện dịch bệnh đã chủ động, linh hoạt thực hiện nhiệm vụ và hoàn thành chương trình, đảm bảo chất lượng. Kết quả hơn 90% học viên GDTX tốt nghiệp THPT năm 2021 đã khẳng định nỗ lực của thầy và trò thuộc ngành học vô cùng khó khăn khi không được chọn đầu vào nhưng phải đảm bảo cùng chuẩn đầu ra với giáo dục phổ thông hệ chính quy.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu đã gây ra những ảnh hưởng to lớn đối với tất cả các mặt của đời sống, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục. Đại dịch đã ảnh hưởng đến mỗi người trong chúng ta - đặc biệt là trẻ em, học sinh. Tuy nhiên đại dịch Covid-19 cũng đã mở ra cơ hội giúp chúng ta "Thu hẹp khoảng cách số giúp đảm bảo công bằng và chất lượng giáo dục cho mọi người dân".
Bên cạnh những nhiệm vụ mà GDTX đặt ra để triển khai trong năm học mới 2021-2021, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh một số yêu cầu mà ngành học này cần đặc biệt lưu ý. Theo đó, nhiệm vụ đầu tiên là phải nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của GDTX trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Thứ trưởng cho biết, Luật Giáo dục 2019 đã quy định: GDTX là một trong hai thành phần của hệ thống giáo dục quốc dân. Mục tiêu của GDTX là đáp ứng nhu cầu học tập của mọi người dân, để nâng cao trình độ, chất lượng cuộc sống và hướng tới xã hội học tập suốt đời. Nếu giáo dục chính quy chỉ gói gọn trong vài năm của bậc phổ thông, đại học, sau đại học; thì GDTX là lâu dài, mãi mãi và đa dạng các nhiệm vụ cần triển khai để đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân.
GDTX cũng không phải như trước đây là bổ túc văn hóa với bằng cấp cho người học khác với bằng tốt nghiệp THPT chính quy. Hiện nay, chương trình GDTX tuy có giảm một phần khối lượng kiến thức so với THPT nhưng chuẩn đầu ra khi tốt nghiệp là như nhau và được cấp cùng một bằng tốt nghiệp THPT. Nhiệm vụ của GDTX là vô cùng lớn, đa dạng và khó làm. Do đó, từng thành viên trong ngành học này cũng như cộng đồng và chính quyền cần nhận thức đầy đủ, quan tâm mạnh mẽ hơn nữa, để giải quyết các hạn chế, phát huy điểm tích cực, cùng đưa chất lượng GDTX nâng lên.
Bộ GDĐT sẽ cùng các địa phương và cơ sở GDTX hoàn thiện cơ chế chính sách để hỗ trợ việc triển khai các nhiệm vụ của GDTX được thuận lợi. Song song với đó, địa phương cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng hoạt động cho trung tâm GDTX, trung tâm học tập cộng đồng… Công tác xóa mù chữ, thực hiện các đề án như xây dựng xã hội học tập trong giai đoạn mới theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cần được chú trọng thực hiện.
Từng cơ sở GDTX phải đổi mới công tác quản trị, tạo môi trường làm việc dân chủ, văn minh để các cá nhân được phát huy năng lực, sáng tạo, từ đó nâng cao hiệu quả, chất lượng giáo dục.
Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên
Trong công tác xây dựng đội ngũ giáo viên, Thứ trưởng yêu cầu khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, để đảm bảo đủ cả về số lượng và cơ cấu theo môn học. Theo đó, trung tâm GDTX, GDNN-GDTX cần xây dựng đội ngũ nòng cốt dạy các môn văn hóa, để sau đó liên kết, phối hợp với các cơ sở GDPT khác thực hiện nhiệm vụ dạy học cho học viên.
Việc xây dựng đội ngũ cần chú trọng bồi dưỡng để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên; đặc biệt là bồi dưỡng để triển khai CT GDPT 2018. Đội ngũ này cùng với các điều kiện về cơ sở vật chất cần được chuẩn bị thật tốt để đảm bảo thực hiện có hiệu quả chương trình GDTX cấp THCS và cấp THPT (mới) theo chương trình GDPT 2018.
Hiện công tác hoàn thiện để ban hành chương trình GDTX mới đang được Bộ GDĐT tích cực triển khai với tinh thần phấn đấu thực hiện đồng tốc chương trình GDPT 2018 ở cả hệ GDPT và GDTX.
"Năm học 2021-2022 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp trên các tỉnh thành. Vì vậy, cơ sở GDTX cần chủ động xây dựng kịch bản tổ chức thực hiện chương trình. Ở cấp THCS, THPT, chúng ta dạy kiến thức cho học sinh nhưng đồng thời cũng giáo dục để hình thành nhân cách cho các em, nên cần phối hợp hài hòa giữa dạy trực tiếp và trực tuyến", Thứ trưởng nói, đồng thời yêu cầu lãnh đạo các trung tâm GDTX, GDNN-GDTX căn cứ thực tế diễn biến dịch ở địa phương để xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp, đảm bảo an toàn và chất lượng.