Dã ngoại cho học sinh: Tốn tiền, ít hiệu quả

Nếu trước đây, học sinh rất thích được đi dã ngoại thì hiện nay, nhiều trường phải đưa hoạt động này vào đánh giá thi đua lớp để thúc giục học sinh tham gia.


Hoạt động dã ngoại hiện còn nặng tính hình thức, thiếu hấp dẫn học sinh (Ảnh minh họa)

Hoạt động dã ngoại hiện còn nặng tính hình thức, thiếu hấp dẫn học sinh (Ảnh minh họa)

Tham quan một chỗ tới 3, 4 lần

“Con tôi thường xuyên đi chơi ở một trung tâm thương mại. Học kỳ này, nhà trường lựa chọn điểm dã ngoại ở đây với mức giá 200.000 đồng/học sinh. Chương trình có nêu mục đích cho các cháu tham quan, làm quen với một số ngành nghề qua các trò chơi ở khu vui chơi giải trí. Do thấy điểm tham quan này con đã đi nhiều lần và quen thuộc với các trò chơi ở đây nên tôi không đăng ký cho con. Tuy nhiên, con về thông báo cô chủ nhiệm yêu cầu học sinh trong lớp phải tham gia 100% để thể hiện tinh thần tập thể, hòa nhập và còn là căn cứ để đánh giá thi đua của lớp nên dù không muốn, tôi vẫn phải cho con tham gia” - chị Nguyễn Lan Anh, phụ huynh học sinh một trường tiểu học quận Đống Đa cho biết. Cũng theo chị Lan Anh, mức phí đưa ra khá cao cho một chuyến đi chơi nội thành, trong khi đó tính giáo dục, hướng nghiệp cho học sinh tiểu học không thực sự nổi bật.

Dã ngoại cho học sinh: Tốn tiền, ít hiệu quả - 2

Với học sinh, việc lựa chọn điểm tham quan không dễ. Các em thường ưa thích các điểm tham quan có nhiều địa hình phức tạp như đồi núi, sông suối để được chạy nhảy, bơi lội…, nhưng với nhà trường những nơi đó lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn. Để tránh phát sinh tình huống mất an toàn, nhiều trường thường chọn các bảo tàng, di tích lịch sử, trang trại… Mặc dù đây là các điểm tương đối an toàn nhưng với lứa tuổi đang thích tìm tòi, khám phá thì các điểm này khó có thể tạo hứng thú cho học sinh nếu không đầu tư tổ chức xen kẽ các hoạt động tập thể, vui chơi, thi đấu, hỏi đáp… Điều này sẽ dẫn tới các chuyến đi chỉ mang tính hình thức, phụ huynh tốn tiền nhưng hiệu quả giáo dục không cao.

Muốn hiệu quả phải vất vả

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội khẳng định, tổ chức tham quan, dã ngoại là một nhiệm vụ giáo dục của nhà trường. “Việc các trường bắt tay với các công ty du lịch thì giáo viên đỡ vất vả nhưng rõ ràng chi phí sẽ tăng thêm. Trong khi đó, nhiệm vụ này là của nhà trường, các giáo viên phải thực hiện và hơn nữa phải phát huy tính tự chủ của học sinh chứ không thể dã ngoại theo kiểu thả học sinh lang thang, vất vưởng chờ đến giờ về. Như vậy là thiếu trách nhiệm, hoạt động không có hiệu quả, không đảm bảo ý nghĩa giáo dục” - TS Nguyễn Tùng Lâm đánh giá.

Trường THPT Đinh Tiên Hoàng thường lên kế hoạch một năm học tổ chức 2 lần dã ngoại vào dịp 26-3 và cuối năm học. Các em sẽ được cắm trại qua đêm kết hợp biểu diễn thời trang, thi thể thao, bơi lội…

“Rất vất vả khi phải quản lý học sinh 2 ngày liền. Kế hoạch tổ chức phải rất cụ thể, phân công rõ ràng. Tuy nhiên, việc tổ chức ra sao, ý tưởng thực hiện thế nào hoàn toàn là do học sinh các em thực hiện. Có như vậy, các em mới phát huy được năng lực, sở trường, đồng thời gắn bó với nhau bằng hoạt động tập thể” - TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết. Còn ở trường THPT Phan Huy Chú, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Nhiếp cho biết, hoạt động ngoại khóa được ưa thích nhất ở trường là các chương trình lễ hội ở trường hoặc các địa điểm bên ngoài do học sinh cùng thầy cô lên ý tưởng.

Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cũng cho rằng, các chuyến dã ngoại, tham quan của nhà trường đều phải đặt an toàn lên hàng đầu, đồng thời phải góp phần rèn luyện các kỹ năng mềm cho học sinh.

“Trước khi đưa học sinh đi dã ngoại, các trường cần lên phương án bảo đảm an toàn giao thông, tổ chức sơ cứu, cấp cứu, mua bảo hiểm đầy đủ cho học sinh. Bên cạnh đó, cần rèn kỹ năng cho học sinh như tuân thủ quy định tập thể, tự phục vụ, có các kiến thức cơ bản về tai nạn thường gặp như tai nạn giao thông, đuối nước, ngộ độc thực phẩm... Còn việc phối hợp với công ty lữ hành Sở GD-ĐT không cấm nhưng phải chọn đơn vị có hướng dẫn viên giàu kinh nghiệm trong việc tổ chức các hoạt động tập thể và có kỹ năng cứu hộ, quản lý học sinh” - ông Nguyễn Hiệp Thống cho biết.

Theo Duy Anh

An Ninh Thủ Đô