Đà Nẵng: Bàn cách giáo dục về quần đảo Hoàng Sa

(Dân trí) - Ngày 12/1, tại Đà Nẵng, nhiều nhà nghiên cứu khoa học, chuyên gia cùng đại diện các đơn vị chức năng liên quan đã tham dự hội thảo khoa học Nghiên cứu và truyền thông giáo dục về quần đảo Hoàng Sa, TP. Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay.

Hội thảo do UBND huyện Hoàng Sa, TP Đà Nẵng tổ chức. TS. Trần Công Trục - nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ; ông Võ Ngọc Đồng - Giám đốc Sở Nội vụ TP kiêm Chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa, Đà Nẵng; Th.S Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng chủ trì hội thảo.

Đà Nẵng: Bàn cách giáo dục về quần đảo Hoàng Sa - Ảnh 1.

Hội thảo nghiên cứu và tuyên truyền GD về quần đảo Hoàng Sa, Đà Nẵng vừa diễn ra trong ngày 12/1

Hội thảo đã ghi nhận nhiều ý kiến góp ý, thảo luận, đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả truyền thông giáo dục về quần đảo Hoàng Sa và chủ quyền biển, đảo, nhất là trong nhà trường.

Theo Th.S  Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng, xác định tuyên truyền, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa là sứ mệnh thiêng liêng của mọi người Việt Nam.

Học sinh, sinh viên được tuyên truyền, giáo dục về quần đảo Hoàng Sa không chỉ để biết mà chủ yếu là để khi trưởng thành có thể tự giác và tích cực đóng góp vào quá trình đấu tranh khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.

Đà Nẵng: Bàn cách giáo dục về quần đảo Hoàng Sa - Ảnh 2.

Th.S Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử TP Đà Nẵng phát biểu tại hội thảo.

Đồng thời, với hiểu biết về quần đảo Hoàng Sa, HS-SV sẽ có những hành động khẳng định chủ quyền biển, đảo như biết phản ứng khi nhìn thấy tấm bản đồ Tổ quốc ở đâu đó vẽ thiếu các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Đà Nẵng: Bàn cách giáo dục về quần đảo Hoàng Sa - Ảnh 3.

Nhiều ý kiến tại hội thảo đề xuất Bộ GD-ĐT cần thay đổi, bổ sung nội dung chuyên đề GD chủ quyền biển, đảo trong SGK.

Nghiên cứu về thực trạng giáo dục chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa ở các trường THPT tại Đà Nẵng, TS. Nguyễn Duy Phương và ThS. Đặng Thị Thùy Dương (Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng) đưa ra kết quả khảo sát cho thấy: Cả giáo viên, học sinh đều nhận thức được tầm quan trọng của việc tuyên truyền giáo dục về quần đảo Hoàng Sa ở học đường. Tuy nhiên, việc chuyển hóa nhận thức đó thành những hành động cụ thể vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều học sinh còn mơ hồ khi được hỏi về những kiến thức liên quan đến quần đảo Hoàng Sa.

Các giảng viên của Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng đề xuất trong chuyên đề về “Biển đông: lịch sử và hiện tại” mà Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng và đưa vào nội dung SGK mới, các tác giả cần chú trọng hơn đến việc làm rõ những dấu ấn của văn hóa biển đảo trong cấu trúc văn hóa và tiềm thức của người dân Việt Nam; cập nhật các thành tựu nghiên cứu mới nhất về vấn đề chủ quyền biển đảo như các bản đồ lịch sử do người Việt và người nước ngoài xưa kia vẽ về các đảo, quần đảo của Việt Nam trên biển Đông, điển hình là bản đồ của công ty Đông Ấn (Pháp), bản đồ An Nam từ thế kỷ XV trong Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư do Đỗ Bá, Tự Công Đạo soạn, An Nam đại quốc họa đồ… vào trong nội dung của chuyên đề.

Bên cạnh giáo dục về quần đảo Hoàng Sa trong các giờ học chính khoá, mà ở đây là trong các giờ học lịch sử địa phương ở các trường THCS và THPT ở Đà Nẵng, cần lồng ghép linh hoạt trong giờ học các bộ môn liên quan; đặc biệt cần các giờ học ngoại khoá.

Một tín hiệu vui là Nhà Trưng bày Hoàng Sa ở Đà Nẵng không chỉ là một điểm đến thu hút du khách đến tìm hiểu lịch sử, văn hóa địa phương, mà còn là một địa chỉ được rất nhiều HS-SV tìm đến theo các chương trình ngoại khóa giáo dục lịch sử địa phương, giáo dục nhận thức về chủ quyền biển, đảo Tổ quốc của các trường học.

Để kênh tuyên truyền giáo dục về quần đảo Hoàng Sa ở Nhà Trưng bày hiệu quả hơn, TS. Trần Công Trục - nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ đề nghị cần xây dựng một đề cương trưng bày hiện vật, tư liệu về quần đảo Hoàng Sa ở Nhà Trưng bày.

Đà Nẵng: Bàn cách giáo dục về quần đảo Hoàng Sa - Ảnh 4.

TS. Trần Công Trục: Cần xây dựng đề cương trưng bày hiện vật, tư liệu ở Nhà Trưng bày Hoàng Sa - điểm đến tuyên truyền giáo dục về quần đảo Hoàng Sa được đông đảo HS-SV tìm đến.

TS. Hoàng Phương Mai - Viện Nghiên cứu Hán Nôm góp ý khi sưu tầm được các tư liệu, tài liệu Hán Nôm liên quan đến quần đảo Hoàng Sa cần xác minh, thẩm định kỹ nội dung và tính chính xác, ví dụ tài liệu này có đúng là liên quan đến quần đảo Hoàng Sa hay một bãi cát vàng nào đó, trước khi đưa ra trưng bày.

Đà Nẵng: Bàn cách giáo dục về quần đảo Hoàng Sa - Ảnh 5.

TS. Hoàng Phương Mai - Viện nghiên cứu Hán Nôm: Cần xác minh, thẩm định kỹ nội dung, tính chính xác của tư liệu trước khi trưng bày, giới thiệu

PGS.TS. Lê Hải Đăng, Viện Thông tin Khoa học xã hội góp thêm một khuyến cáo: “Cần cẩn thận với các tài liệu trôi nổi trên mạng, nhiều tư liệu cá nhân chưa được kiểm chứng tính xác thực, hoặc không loại trừ những thông tin, tài liệu được tung ra với ý đồ xấu”.

Một sáng kiến của đại diện Hiệp hội Du lịch Đà Năng đưa ra tại hội thảo là xây dựng một bào thuyết minh chuẩn để giới thiệu về các hiện vật, tư liệu, tài liệu về quần đảo Hoàng Sa để khách tham quan có thể tự tìm hiểu qua tai nghe thuyết minh trang bị tại Nhà Trưng bày. Thêm nữa, có thể làm một con dấu kỷ niệm chứng nhận khách tham quan đã đến Nhà Trưng bày Hoàng Sa cũng là một cách lan tỏa, quảng bá điểm đến tuyên truyền giáo dục về quần đảo Hoàng Sa ở Đà Nẵng.

Các đại biểu tham dự hội thảo đồng ý với phát biểu tổng kết hội thảo của TS. Trần Công Trục rằng Nhà Trưng bày Hoàng Sa là nơi tốt nhất để trở thành một trung tâm nghiên cứu khoa học và tuyên truyền giáo dục về quần đảo Hoàng Sa.

Khánh Hiền


Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm