Cựu du học sinh Mỹ và câu chuyện không hồi kết "về Việt Nam làm gì"

(Dân trí) - Tốt nghiệp các trường đại học danh giá Mỹ, có những cơ hội rộng mở ở lại trời Tây phát triển nhưng tại sao các cựu du học sinh lại lựa chọn trở về “dù ở khổ hơn” và hướng phát triển sự nghiệp của họ thế nào?

Những chia sẻ chân thật đến từ các diễn giả tại tọa đàm “Con đường sự nghiệp của các cựu du học sinh Mỹ” do Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội tổ chức mới đây đã giải đáp phần nào những câu hỏi đó.

Diễn giả Hà Bạch Liên – tốt nghiệp chương trình MBA tại Đại học Georgetown, Hoa Kỳ theo diện học bổng nhấn mạnh: "Các bạn trẻ được du học được học kiến thức ở cả Việt Nam và Mỹ, khi ra trường thì có nhiều cơ hội làm việc: ở Mỹ, nước thứ 3 hoặc trở trở về Việt Nam".


Diễn giả Nguyễn Thu Thảo (người đầu tiên bên phải) – tốt nghiệp thạc sĩ tại American University Washington D.C.

Diễn giả Nguyễn Thu Thảo (người đầu tiên bên phải) – tốt nghiệp thạc sĩ tại American University Washington D.C.

Diễn giả Nguyễn Thu Thảo – tốt nghiệp thạc sĩ tại American University Washington D.C theo diện học bổng, từng là cố vấn chính sách tại VCCI tâm sự: “Bản thân mình học xong chỉ có mong mỏi về Việt Nam với con nhỏ. Dù từng đi 60 nước trên thế giới cả làm việc, học tập và du lịch nhưng nơi mình muốn ở nhất là Việt Nam dù… khổ hơn.

Tuy nhiên, lý do lớn nhất khiến mình trở về là bởi mình biết, những việc mình làm ít nhiều có giá trị đóng góp và lan tỏa. Nếu như mình ở Mỹ thì tốt cho bản thân, nhiều cơ hội phát triển nhưng "có cô thì chợ vẫn đông, cô đi lấy chồng thì chợ vẫn vui".

Nói về hướng phát triển sự nghiệp sau khi trở về, chị Hà Bạch Liên cho biết khi về Việt Nam chị được nhận vào Ngân hàng thế giới trong chương trình phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam.

“Tôi làm ở bộ phận tư vấn doanh nghiệp giúp xây dựng ý tưởng kinh doanh, thẩm định để vay vốn, qua đó, giúp đỡ các doanh nghiệp tư nhân tăng lợi nhuận kinh doanh của họ”, nữ diễn giả chia sẻ. Chị Liên kể vui, vì học ở Mỹ về nên ở vòng phỏng vấn, hội đồng tuyển dụng không hỏi nhiều mà chỉ trò chuyện cởi mở ngắn.

Hết chương trình ở Ngân hàng thế giới, chị Liên chuyển sang làm việc cho các ngân hàng thương mại cổ phần, cụ thể tham gia vào các dự án tái cấu trúc ngân hàng. Và hiện tại, khi đã về hưu chị tham gia đi dạy, tư vấn tại các ngân hàng về nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp.


Diễn giả Trần Lương Sơn (người cầm mic) – Tốt nghiệp Học viện công nghệ MIT, Hoa Kỳ theo chương trình học bổng Fulbright.

Diễn giả Trần Lương Sơn (người cầm mic) – Tốt nghiệp Học viện công nghệ MIT, Hoa Kỳ theo chương trình học bổng Fulbright.

Còn diễn giả Trần Lương Sơn – tốt nghiệp Học viện công nghệ MIT, Hoa Kỳ theo chương trình học bổng Fulbright cho biết, sau khi về Việt Nam thời gian đầu anh cũng phải loay hoay tìm đường phát triển. Làm khởi nghiệp ở Việt Nam, anh Sơn nhận ra thực trạng khởi nghiệp tự phát, mang tính tranh giành nhiều mà ít sáng tạo.

Từng được đào tạo ở MIT – một ngôi trường danh tiếng mạnh hàng đầu về khởi nghiệp tại Hoa Kỳ, cựu du học sinh này đã tìm hướng khởi nghiệp. Anh chọn làm về phần mềm và vài năm sau đó, bắt tay hỗ trợ các công ty khởi nghiệp. MITFive của 8X Việt đã tổ chức các khóa đào tạo khởi nghiệp trong 4 tuần, thay đổi tư duy khởi nghiệp nhiều người Việt.

Trở về quê hương, chị Nguyễn Thu Thảo với kinh nghiệm du học (tấm bằng quan hệ quốc tế ở Mỹ) của mình đã công tác tại nhiều tổ chức quốc tế. Về Việt Nam, bước đầu tiên chị Thảo trở lại làm việc cho cơ quan cũ và cơ hội thăng tiến nghề nghiệp đến.

Tuy nhiên, bản thân nữ diễn giả nhận thấy mình cần ra ngoài để đa dạng hóa kinh nghiệm nên đã đầu quân cho Microsoft 2 năm, chị được trả mức lương hấp dẫn và tiếp xúc môi trường mới. Lúc này, cơ quan cũ tiếp tục gọi chị làm trưởng phòng đại diện và chị về công tác trong 9 năm.

Đến năm 2016, nghĩ rằng mình cần thay đổi và học hỏi trước tuổi 40, chị Thảo tiếp tục sang Thụy Sĩ làm về chính sách an ninh quốc tế, vừa học vừa làm và có thêm bằng thạc sĩ. Năm 2017, Thảo về Việt Nam tham gia vào một dự án hỗ trợ APEC…

Nói về những sự thay đổi công việc của mình, chị Thảo nhấn mạnh “sự thay đổi không làm mình bất định”. Gần đây nhất, chị Thảo tham gia vào công việc tư vấn cho Bộ Quốc phòng Việt Nam – một trong những vị trí rất hiếm đối với nữ giới.

Dù có những công việc rất tốt khi trở về Việt Nam nhưng cả ba diễn giả đều không ngại ngần chia sẻ, họ không ít lần cảm thấy thất bại, hoang mang trong việc ứng dụng kiến thức, kỹ năng học ở Mỹ về Việt Nam.


Diễn giả Hà Bạch Liên (thứ 2 từ trái sang) - Học bổng MBA Georgetown, cố vấn quản trị doanh nghiệp.

Diễn giả Hà Bạch Liên (thứ 2 từ trái sang) - Học bổng MBA Georgetown, cố vấn quản trị doanh nghiệp.

Nói về vấn đề này, diễn giả Hà Bạch Liên khẳng định: “Khó khăn là phải kiểm soát xây dựng mức trông đợi của mình đúng đắn. Nếu mong đợi của bạn không đúng thì trở về sẽ thất vọng. Phải đọc, tìm hiểu, khả năng thích ứng mọi sự thay đổi để không hoang mang, bơ vơ”.

Còn diễn giả Nguyễn Thu Thảo cho biết, việc tái hòa nhập lại môi trường trong nước cực kỳ khó khăn. Bản thân chị đi Mỹ chưa đầy 2 năm mà mất hơn 2 năm để tái hòa nhập. Tuy vậy, vì đã tìm được “hệ giá trị” nên chị Thảo cuối cùng đã có thể dễ dàng nhắm thẳng vào mục tiêu của mình, giảm đi những điều tiêu cực.

“Đi làm thì quan trọng giá trị đóng góp xã hội chứ không phải mình làm việc gì”. Chị Thảo nhắn nhủ các bạn trẻ, xây dựng hệ giá trị rõ ràng vì đó là kim chỉ nam suốt cuộc đời giúp chúng ta tập trung vào cái đích cần đến. Tích cực tận hưởng điều tốt đẹp của 2 thế giới. Tất cả phụ thuộc cách tiếp cận vấn đề của mình, dù ở Mỹ hay Việt Nam, bạn yêu đời thì vẫn yêu đời”.

Diễn giả Trần Lương Sơn chia sẻ, anh luôn giữ tâm thế đón nhận những điều tuyệt vời nhất dù bất cứ nơi nào. Bởi lẽ, ngay cả ở Harvard hay MIT thì không phải cái gì cũng tuyệt vời. “Mình thất bại hay không nằm ở chỗ mình nên lựa chọn làm cái gì mình có thể đóng góp được cho cộng đồng”, anh Sơn nhấn mạnh.

Lệ Thu