Cựu binh Mỹ xây trường tại nơi thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
(Dân trí) - Những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, học sinh trường Tiểu học Tam Kim tràn ngập niềm vui khi các em được học trong ngôi trường mới do Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam và gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp phối hợp xây dựng.
Học sinh trường Tiểu học Tam Kim (xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) đa phần là người dân tộc Tày, Dao, Ngái, nhà ở xa trường. Hằng ngày, không kể nắng mưa, các em thường phải đi bộ đi học từ rất sớm để kịp vào lớp lúc 7 giờ. Ngôi trường vốn chỉ có 6 phòng học được xây dựng ở khu trung tâm từ những năm 1999, 2001, còn lại là học ở các xóm lẻ. Khó khăn là vậy nhưng thầy và trò nơi đây vẫn nỗ lực vươn lên để xứng danh vùng đất anh hùng cách mạng.
Đến nay, ước mơ về một ngôi trường khang trang, thoáng mát của thầy trò nhà trường đã trở thành hiện thực khi gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Công ty Boeing quyên góp xây tặng. Dự án xây trường do Quỹ Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam cùng phối hợp với gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp và UBND huyện Nguyên Bình cùng triển khai. Sáng nay 21/1, lễ khánh thành nhà học 6 phòng Trường Tiểu học Tam Kim đã chính thức diễn ra.
Trong sâu thẳm tâm hồn những người dân Tam Kim, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã trở thành một người con của quê hương. Mảnh đất anh hùng vẫn còn lưu giữ biết bao hồi ức lịch sử. Nơi đây, Đại tướng được người dân nuôi giấu hoạt động cách mạng và là nơi Đại tướng hoàn thành nhiệm vụ mà Bác Hồ giao, thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân năm - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay vào ngày 22/12/1944.
Ngôi trường mới là món quà cuối cùng mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp dành tặng người dân Tam Kim trước khi qua đời. Các phòng học được khởi công xây dựng vào năm 2013 khi Đại tướng còn sống và ở tuổi 102.
Ngôi trường bao gồm một toà nhà hai tầng xây mới, ba phòng học được nâng cấp, một phòng máy tính, khu sân chơi với tường rào bảo vệ xung quanh khuôn viên và hệ thống nước sạch. Các khu nhà đều được thiết kế đường dành cho xe lăn, tạo điều kiện cho học sinh khuyết tật có thể sử dụng. Người dân nơi đây vẫn thường gọi ngôi trường bằng cái tên thân thương: Trường "Đại tướng".
Phát biểu tại lễ khánh thành, ông Võ Hồng Nam, con trai của Đại tướng Võ Nguyên Giáp chia sẻ: “Khi còn sống ba tôi luôn mong muốn các em học sinh ở các vùng nông thôn, miền núi, ở các vùng căn cứ cách mạng được học như các em học sinh ở miền xuôi, các giáo viên được hưởng điều kiện công tác tốt hơn để có thể dạy tốt hơn. Đời sống đồng bào các vùng căn cứ cách mạng ngày càng cải thiện. Tôi tin rằng bây giờ khi đã ở nơi xa ba tôi vẫn luôn mong muốn như vậy. Hôm nay rất nhiều người giúp đỡ các em để có ngôi trường đẹp, có phòng máy tính kết nối internet. Mong rằng các ngôi trường khác ở Nguyên Bình, ở Cao Bằng ngày càng xây dựng khang trang hơn”.
Ông Jim Polmanteer - đại diện Công ty Boeing tại Việt Nam gửi gắm: “Trong thực tế, chúng tôi đã tổ chức cuộc thi thiết kế máy bay thế hệ mới nhất của chúng tôi lấy tên là Boeing 787 Dreamliner bởi vì đó là ước mơ được bay. Một giới hạn duy nhất chính là khả năng dám ước mơ và dám khát khao học tập. Chúng tôi thật sự muốn các em học tập và phát triển từ chính ngôi trường này vì các em là thế hệ tương lai của chúng tôi”.
Cũng tại buổi lễ, gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Công ty Boeing và Quỹ Cựu Chiến binh Mỹ tại Việt Nam đã trao tặng tập thể giáo viên, học sinh trường Tiểu học Tam Kim những tấm chăn ấm, áo ấm. Bên cạnh đó, 30 suất học bổng, 200 cuốn sách, truyện, 300 đôi tất ấm cũng đã được trao đến tận tay các em học sinh Tam Kim.
Ông Nông Văn Tuấn - con trai ông Nông Văn Xương - người liên lạc viên đầu tiên của đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân năm xưa chính là Giám đốc đơn vị thi công công trình nhà học 6 tầng. Ông cho biết: "Việc chuyên chở khối lượng lớn các nguyên vật liệu xây trường, chủ yếu nhờ những đôi vai của bà con và tời kéo. Bà con không quản mưa, nắng góp sức xây trường. Công trình thành công, bên cạnh sự quyên góp của các nhà tài trợ thì công lao đóng góp của bà con là rất đáng quý".
Cũng tại buổi lễ, khoảnh khắc xúc động nhất là khi ông Võ Hồng Nam được gặp lại bà Bàn Thị Chử (dân tộc Dao) là người đã nấu cơm cho Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân năm xưa. Đại diện gia đình, ông cũng trao tặng bà món quà Tết.
Phương Nhung