Cuộc phản biện với căn bệnh nghiệt ngã

Chúng tôi tìm đến bệnh viện Ung bướu thăm GS Phạm Phụ vào chiều muộn ngày 18/10, sau khi có tin báo từ một người bạn cho biết ông vừa trải qua phẫu thuật, “tình hình coi bộ căng”.

Cứ hình dung một con người thẳng thắn, mạnh mẽ và quyết liệt đến thế lại có thể bị đe doạ bởi căn bệnh quái ác: ung thư lưỡi.
 

Vai diễn lạc quan của người vợ

 
Phòng bệnh đang trong thời gian bác sĩ khám và chích thuốc, toàn bộ người nhà phải ra ngồi chờ ở hành lang. Vợ ông cũng ngồi ở đây. Bà cố tiết chế cảm xúc khi được hỏi về tình hình sức khoẻ chồng mình. Ông nhập viện hôm 15/10, bà sửa soạn ít đồ đạc cá nhân của hai người rồi quày quả vào đây.
 
Người phụ nữ quê gốc Thừa Thiên - Huế, dáng người nhỏ thó bảo “con chăm cha không bằng bà chăm ông”, mấy chục năm nay hiểu tính nết ông có lẽ không ai bằng bà. Câu chuyện dần cởi mở hơn, và giúp chúng tôi hình dung điểm tựa để chống chọi tật bệnh của ông lâu nay chính là bà. Năm ngoái, ông bị té gãy cổ xương đùi. Điều trị đông y theo yêu cầu của ông một thời gian nhưng bệnh tình không thuyên giảm, bà kiên quyết bắt ông phải vô bệnh viện Chấn thương chỉnh hình phẫu thuật. Bà bảo tính ông tự lập cao, chỉ có bà “ra tay” thì ông mới chịu. Cứ thế, bà giành quyền chăm cha của mấy người con, từ miếng ăn đến giấc ngủ. Bệnh đỡ hơn chút nhưng không đi lại được, ông phải ngồi trên ghế đẩy, muốn di chuyển trong nhà thì kêu bà. Tới giờ bà vẫn còn áy náy, không hiểu sao đợt đó lại để ông bị té. Quan tâm như vậy nên có đợt ông bảo cai càphê vì thấy cứ đau ở họng, bà lo lắm. Càng lo hơn khi đi khám mấy nơi người ta bảo ông bị viêm họng cấp, viêm họng mãn tính… Bà bắt ông đi xét nghiệm kỹ hơn. Xe ôm chở ông đi nhận kết quả xét nghiệm về, nhìn vào đó bà chưng hửng khi biết ông bị ung thư. Bà bảo: “Tui và ổng già cả rồi, ổng bệnh tình vậy, tui mà ngã thì gay go”. Bà sắm cho mình vai diễn với khuôn mặt vui và những lời thoại lạc quan, khuyến khích ông vào bệnh viện Ung bướu điều trị. Phẫu thuật xong, thấy ông khoẻ hơn nên bà bớt lo phần nào. Dù con gái và cháu chắt, đồng nghiệp ở khoa quản lý công nghiệp, đại học Bách khoa TP.HCM thay nhau vào săn sóc ông nhưng bà bảo có bà ở đây ông sẽ an tâm hơn…
 
GS Phạm Phụ đang được vợ, bà Bích Hà, chăm sóc ở bệnh viện Ung bướu. (
GS Phạm Phụ đang được vợ, bà Bích Hà, chăm sóc ở bệnh viện Ung bướu. (Ảnh: Khoa Nin)
 
Không nói được vẫn cười
 
Chúng tôi được phép vào gặp ông khi bác sĩ và điều dưỡng đã xong công việc. Có lẽ không bệnh nhân nào trong phòng 308, khoa ngoại 3 này biết ông là người danh tiếng trong ngành giáo dục.
 
Ông bắt tay kèm theo nụ cười lạc quan. Có lẽ đây là lần trò chuyện đặc biệt nhất với ông bởi phải viết vào một cuốn sổ và chuyền qua chuyền lại. Ông kể rằng ngoài nhiều đồng nghiệp của chúng tôi vừa mới vào thăm ông, có những tin nhắn thăm hỏi qua điện thoại và ông vui vì điều đó.
GS Phạm Phụ đang được vợ, bà Bích Hà, chăm sóc ở bệnh viện Ung bướu. (
GS.TS Phạm Phụ sinh năm 1937 tại Quảng Ngãi, thành viên hội đồng Giáo dục quốc gia, giảng dạy tại khoa quản lý công nghiệp đại học Bách khoa TP.HCM. Ngoài những công trình về chuyên ngành thuỷ điện, ông có nhiều bài viết rất đáng chú ý về chất lượng giáo dục đại học, đến mức có nhà báo từng nhận định: “Nếu phản biện giáo dục được xem là một “nghề” tại Việt Nam, GS Phạm Phụ phải là một trong những người được xếp vào đội ngũ tiên phong”.
 
Đang trong thời gian hậu phẫu, nằm trên giường bệnh vậy mà ông vẫn theo dõi những vấn đề giáo dục qua báo chí. Vợ ông bảo ổng tham công tiếc việc, cách đây không lâu dù đi lại khó khăn nhưng đều đặn từ thứ hai đến thứ sáu ông vẫn vào trường. Biết cứ khơi chuyện ông sẽ còn trao đổi sôi nổi, nên chúng tôi chủ động cắt ngang cảm hứng của ông. Ông viết: “Tôi bị K lưỡi, phải cắt một phần lưỡi, chưa nói được nhưng không sao”. Rồi ông dừng viết, nhìn chúng tôi cười lạc quan và quả quyết: “Lần sau tới sẽ nói chuyện nhiều, tôi sẽ biếu em cuốn Về khuôn mặt mới của giáo dục đại học Việt Nam - tập 2. Ok?” Trong lúc ông coi tin nhắn điện thoại, chúng tôi lén lật lại những trang trước đó và thấy sự lạc quan hiện ra trong những trao đổi của ông với mọi người. Tưởng vào để thăm, động viên ông, hoá ra chính ông lại xua đi những mường tượng bi quan của chúng tôi về ông trước đó. Con người với những phát ngôn giàu phản biện ấy đang phản biện với căn bệnh không may mắc phải…
 
Niềm tin cho người đáng được sống
 
Sáng 16/10, ca phẫu thuật của ông bắt đầu từ lúc 6 giờ tới hơn 13 giờ. Tham gia êkíp phẫu thuật, bác sĩ Trần Thị Anh Tường, khoa ngoại 3, bệnh viện Ung bướu cho biết ông bị ung thư lưỡi mức T3N0M0, bướu lớn, hạch chưa di căn xa. Các bác sĩ đã tiến hành mổ, cắt nửa lưỡi trái và nạo hạch cổ. Dự kiến sau phẫu thuật sẽ tiến hành xạ trị. Bác sĩ Anh Tường cho biết: “Trong giai đoạn hậu phẫu, cần chăm sóc cho vết thương lành. Việc nuôi ăn phải tiến hành qua ống thông mũi dạ dày và chờ kết quả giải phẫu bệnh sau mổ. Giai đoạn này bác sĩ và điều dưỡng chỉ thăm khám, còn việc săn sóc của người nhà giữ vai trò rất quan trọng. Tinh thần tích cực sẽ giúp ăn uống tốt, phục hồi nhanh sau phẫu thuật”. Đó cũng là lý do bà luôn túc trực ở đây. Hai ngày nay, cuốn “sổ giao tiếp” của bà và ông đã kín chữ. Sau những câu chữ xiêu vẹo bắt đầu bằng hai từ “bà ơi”, “ông ơi”, bà lại quày quả thực hiện “mệnh lệnh”. Cưới nhau từ năm 1967, đầu giờ đã bạc, khuôn mặt đã xuất hiện bao nếp nhăn bởi những thăng trầm của cuộc sống, cảnh bà chăm ông khiến căn phòng vốn u ám vì căn bệnh quái ác trở nên ấm áp.
 
Lúc anh Tiến, người xe ôm lâu nay vẫn đưa đón ông tới thăm, chúng tôi xin phép ra về. Bà bảo thấy các chú phóng viên tới ông mừng lắm. Ông vốn lạc quan, lại có điểm tựa tinh thần là vợ, có sự động viên của con cháu, sự săn sóc của các bác sĩ giỏi nhất... điều đó giúp chúng tôi tin rằng sẽ sớm gặp lại ông để “đòi” những cuốn sách ký tên: “GS Phạm Phụ”.
 
Theo Trọng Văn
SGTT