Cuộc gặp gỡ nghĩa tình 13 năm trước với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu

Cách đây gần 13 năm (10.2007), nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Phạm Huy Hoàn - nguyên Tổng Biên tập báo điện tử Dân trí kiêm Giám đốc Quỹ Khuyến học Việt Nam về việc thành lập Quỹ "Vòng tay đồng đội".

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu có lẽ là một nhân vật độc đáo bởi ông là quân nhân chuyên nghiệp duy nhất trong lịch sử cách mạng Việt Nam trong bước đường trưởng thành đã là một nhà lãnh đạo cao nhất của Đảng.

Con đường từ một chiến sĩ trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản - một nhà lý luận cách mạng, không thể không kể đến nỗ lực phi thường trong học tập. Ông học ở nhà trường, ở cuộc sống thường nhật và ở chiến trường.

Khi làm tướng lĩnh cao cấp trong quân đội cũng như thời kỳ giữ chức Tổng Bí thư, ông luôn quan tâm đến sự nghiệp khuyến học - khuyến tài cho đất nước.

Cuộc gặp gỡ nghĩa tình 13 năm trước với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu - 1


Cách đây gần 13 năm (10.2007), Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Phạm Huy Hoàn - nguyên Tổng Biên tập báo điện tử Dân trí kiêm Giám đốc Quỹ Khuyến học Việt Nam về những nội dung trên, đặc biệt là chủ trương thành lập Quỹ "Vòng tay đồng đội" thuộc Quỹ Khuyến học Việt Nam mà nhà báo Phạm Huy Hoàn là một trong số những người đề xuất ý tưởng.

Cuộc gặp gỡ "lịch sử” đã mở ra một hướng đi mới cho Quỹ “Vòng tay Đồng đội”.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu khẳng định: "Đó là một chủ trương hợp đạo lý, hợp lẽ sống và việc làm nghĩa tình này khiến tôi thật sự xúc động. Nó có ý nghĩa chính trị rất lớn nên chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân, đặc biệt là những doanh nhân đã từng tham gia quân ngũ."
 

Tôi rất đau lòng khi thấy con em thất học
Được biết Nguyên Tổng Bí thư vừa có chuyến thị sát một số tỉnh miền Trung. Ông có thể cho biết cảm nhận của mình về chuyến đi này?

Tôi vừa thực hiện một chuyến công tác dài ngày về một số địa phương vùng sâu, vùng xa ở Hà Tĩnh, Quảng Bình và một số địa phương khác.

Công bằng mà nói, mặc dù thành tựu về kinh tế của chúng ta nhiều năm qua đang phát triển nhanh, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng ở vùng sâu, vùng xa, vùng bị bão lũ vừa qua đời sống nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn.

Phải nói khả năng tư duy, năng lực tiếp nhận tri thức cũng như tinh thần ham học hỏi của bà con ta ở các vùng này rất cao, nhưng với thu nhập thấp như hiện nay thì phần nhiều là lực bất tòng tâm. Người nông dân, dù đã dốc hết sức cho sự học hành của con em mình nhưng nhiều khi vẫn đành bất lực.


Từng là một người lính, chắc chắn ông rất buồn khi tận mắt chứng kiến cảnh con em đồng chí, đồng đội mình thất học...?

Tôi rất đau lòng trước tình cảnh này và càng buồn hơn khi thấy con cái các cựu chiến binh, thương binh và gia đình liệt sĩ lại thuộc diện có hoàn cảnh khó khăn hơn.

Có một cháu bé tâm sự với tôi rằng cháu muốn đi học lắm nhưng vì nhà cháu nghèo, bố mẹ lại bệnh tật nên cháu phải đi làm để giúp đỡ gia đình. "Nhớ trường, nhớ lớp nhưng đành chịu thôi, ông ạ!".


Nếu không nhanh chóng có những chính sách hỗ trợ thì chắc chắn sẽ có thêm nhiều cháu phải bỏ học, thất học và cả mù chữ vì không được đi học. Là một người cộng sản, phải suy nghĩ như thế nào về hiện tượng này? Phải làm gì để những gia đình này thoát khỏi đói nghèo, con cái họ được học hành?

Cuộc gặp gỡ nghĩa tình 13 năm trước với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu - 2

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và nhà báo Phạm Huy Hoàn - nguyên Tổng Biên tập báo điện tử Dân trí kiêm Giám đốc Quỹ Khuyến học Việt Nam trong cuộc trò chuyện 13 năm trước về xây dựng Quỹ "Vòng tay đồng đội".

Một chủ trương hợp đạo lý


Thưa Nguyên Tổng Bí thư, Hội Khuyến học Việt Nam cũng đã nhận thấy thực tế này nên đang có chủ trương thành lập Quỹ Khuyến học "Vòng tay đồng đội" nhằm giúp đỡ con em các cựu chiến binh vượt khó vươn lên trong học tập...?

Hội Khuyến học Việt Nam đã đóng góp một phần rất quan trọng vào sự nghiệp chung của cả nước. Việc Hội nêu cao chủ trương xây dựng "Cả nước trở thành một xã hội học tập" đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của toàn thể nhân dân. Đây là thành quả đánh dấu một bước ngoặt lịch sử trong việc nâng cao dân trí, khuyến học - khuyến tài.

Khuyến học là người mẹ dịu dàng, khuyên nhủ, động viên và thuyết phục. Giáo dục & Đào tạo như người cha nghiêm khắc và nguyên tắc. Một nhu, một cương.

Để tiến tới một xã hội văn minh cả về vật chất lẫn tinh thần, chúng ta nên phối hợp nhuần nhuyễn giữa "cương" với "nhu", giữa chính sách giáo dục & đào tạo với chương trình khuyến học trên tinh thần hợp tác chặt chẽ.

Dựa vào cơ sở nào để hy vọng "đặc biệt" vào sự giúp đỡ của các cựu chiến binh, thưa ông?


Tôi đã tiếp xúc với nhiều Tổng Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị các doanh nghiệp đang làm ăn phát đạt trước đây từng là người lính, có người là thương binh như: Ông Hồ Huy - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Mai Linh, ông Lê Văn Kiểm - Chủ tịch HĐQT Câu lạc bộ Golf Long Thành - Đồng Nai... và nhiều người khác nữa.

Điều dễ dàng nhận thấy là giờ đây tuy đã thành đạt, giàu có nhưng họ vẫn không quên quá khứ gian khổ, quên tình đồng đội năm xưa. Họ đã và đang tiếp tục đóng góp, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong cả nước.


Nhưng cũng có ý kiến cho rằng sự đóng góp nào cũng có mục đích?
Tôi nghĩ không hẳn thế. Nếu có sự tính toán thì theo tôi đây chính là sự đầu tư phát triển trí tuệ, là lĩnh vực một vốn nhưng lời gấp trăm, gấp ngàn lần, thậm chí là lời vô giá.

Đây chính là đầu tư vào nền tảng trí tuệ của đất nước, để dân tộc ta có thể "sánh vai với các cường quốc năm châu" như lời Bác Hồ đã dạy.

Cuộc gặp gỡ nghĩa tình 13 năm trước với nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu - 3

Kỉ niệm 73 năm ngày thương binh liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2020), ông Phạm Huy Hoàn - Ủy viên Thường vụ BCHTW Hội Khuyến học Việt Nam, Giám đốc Quỹ Vòng tay Đồng đội - Quỹ khuyến học Việt Nam trao tặng 40 suất học bổng đến con các gia đình chính sách tiêu biểu huyện Lý Nhân, Hà Nam.

Học để cảm nhận sâu sắc niềm hạnh phúc


Một thực tế là công tác khuyến học, khuyến tài khó có thể thành công nếu không có những chính sách hợp lý về giáo dục và đào tạo. Theo ông, chúng ta cần những chính sách cụ thể gì để giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn và các vùng có điều kiện khó khăn?

Đúng là không có chính sách phù hợp thì sự nghiệp khuyến học - khuyến tài khó có thể có được thành công như mong đợi. Vì vậy, cần phải có cái nhìn toàn cục để từ đó cụ thể hóa các đối tượng như vùng nghèo, người nghèo thì học phí phải đóng bao nhiêu? Các khoản khác thu như thế nào? Chính sách học bổng ra sao?... Điều này rất cần sự tham mưu của Hội Khuyến học Việt Nam.


Ông đánh giá như thế nào về những hoạt động gần đây của Hội Khuyến học?

Hội Khuyến học hoạt động rất tích cực, hiệu quả và có ý nghĩa, đặc biệt là trong thời gian gần đây. Việc tổ chức Đại hội GĐHH, DHKH này là một minh chứng. Sự phối hợp khá chặt chẽ giữa Hội Khuyến học Việt Nam với Bộ GD&ĐT cũng là một tín hiệu đáng mừng vì sự nghiệp chung của đất nước.


Ông đã từng nói rằng: "Học là để cảm nhận sâu sắc niềm hạnh phúc của những ngày đang sống. Khi hiểu được giá trị của những thành quả mà ta đã đạt được trong lao động thì mỗi sáng thức dậy, ta lại càng thêm yêu cuộc sống này và trân trọng mọi giá trị của nó". Vậy ông thường sắp xếp việc "học" như thế nào?

Tôi có ba cách học cơ bản. Thứ nhất là đọc sách để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm. Thứ hai là yêu cầu một số chuyên gia đến hướng dẫn, ví dụ như về tin học chẳng hạn. Và thứ ba là học từ cuộc đời qua các cuộc tiếp xúc, "la cà" với anh em, đồng chí, đồng đội.


Xin cám ơn Nguyên Tổng Bí thư!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm