Cuộc gặp gỡ giàu ý nghĩa của 12 học sinh Điện Biên tại Hà Nội

Hạnh Nguyên

(Dân trí) - Ngày 18/1, 12 học sinh Trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS Ta Ma (Điện Biên) có cuộc gặp gỡ giàu ý nghĩa với học sinh Hà Nội. Đây là lần đầu tiên các em trải nghiệm Tết Nguyên đán tại Thủ đô.

Hôm nay, Trường Lương Thế Vinh, Hà Nội, đón những vị khách đặc biệt, 12 bạn nhỏ từ Trường Phổ thông bán trú THCS Ta Ma, Điện Biên.

Đây là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhưng tràn đầy nghị lực vươn lên trong học tập. Cùng với sự đồng hành của 10 gia đình học sinh ở Hà Nội, 12 học sinh Điện Biên sẽ có 3 ngày sinh hoạt, học tập và trải nghiệm thật ý nghĩa tại Thủ đô.

Các bạn nhỏ vùng cao không chỉ hòa mình vào không khí sôi động ở sự kiện "Tết sẻ chia" của nhà trường mà còn được khám phá vẻ đẹp của Hà Nội, trải nghiệm môi trường học tập tại đây.

Cuộc gặp gỡ giàu ý nghĩa của 12 học sinh Điện Biên tại Hà Nội - 1

Học sinh vùng cao Điện Biên (áo xanh) gặp gỡ học sinh Hà Nội (Ảnh: Th. Dương).

Giàng Thị Nga, lớp 8A1, Trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS Ta Ma, cho biết, điều đầu tiên gây ấn tượng với nữ sinh dân tộc Mông và các bạn khi đặt chân đến Hà Nội là các tòa nhà chọc trời, cao ngất.

Về Hà Nội, Nga được gia đình Quỳnh Chi, học sinh lớp 8A3, Trường Lương Thế Vinh, đón về nhà. "Chúng em đã có cuộc trò chuyện vui vẻ về việc học tập ở Hà Nội và Điện Biên. Gia đình bạn đãi em ăn gà rán, lạp xưởng nướng đá, kem khói - những món em chưa từng được ăn bao giờ", Nga nói.

Nữ sinh cho biết, nhìn trường của các bạn ở Hà Nội em rất thích quá và ước được học ở đây. Không chỉ riêng em, nhiều bạn trong nhóm đều mơ ước một ngày mình đỗ đại học ở Hà Nội.

Đối với Nga, nhiều bạn nữ trong bản em phần lớn đều lấy chồng sớm nhưng em không muốn như vậy. "Lấy chồng sớm khổ lắm, bởi sau đó phải sinh con rồi chỉ biết làm nương. Em mơ ước được làm giáo viên", nữ sinh tâm sự.

Cuộc gặp gỡ giàu ý nghĩa của 12 học sinh Điện Biên tại Hà Nội - 2

Học sinh Điện Biên ngại ngùng khi tiếp xúc nhiều người lạ tại Hà Nội (Ảnh: Th. Dương).

Giàng Thị Hờ, học sinh lớp 9A2, cho hay đây là lần đầu tiên nữ sinh trải nghiệm Tết ở Thủ đô. Em được đi Hồ Tây, Hồ Gươm, Văn Miếu…, rất thích thú, đặc biệt nhiều nhà cao tầng khiến em choáng ngợp.

"Nhà em cách trường 7km, nếu đi bộ nhanh mất gần 2 giờ đồng hồ. Bố mẹ em đều làm nông nên cái Tết đơn giản chỉ có giã bánh giày.

Ở bản em, ngày thường rất ít có bữa ăn "tươi". Ngày Tết, nhà nào có điều kiện mới có chút ít thịt gà, thịt lợn và nhà em cũng vậy", Hờ cho hay.

Được biết, Hờ vừa đoạt giải khuyến khích môn ngữ văn trong kỳ thi học sinh giỏi vừa qua. Trong những ngày ở Hà Nội, Hờ được gia đình Gia Hưng đón về chăm sóc.

"So với bản làng, em thấy các bạn ở Hà Nội thật khác biệt. Nhiều bạn được đi học bằng ô tô, được ăn ngon, quần áo cũng rất đẹp trong khi nhiều bạn trong lớp - ngay cả bản thân em, nhiều khi phải đi bộ vài giờ đồng hồ mới tới lớp", Hờ nói.

Cuộc gặp gỡ giàu ý nghĩa của 12 học sinh Điện Biên tại Hà Nội - 3

Hơn cả một trải nghiệm giao lưu, học hỏi, sau cuộc gặp gỡ này, hy vọng tinh thần nhân văn sẽ khơi dậy (Ảnh: Th. Dương).

Theo bà Văn Thùy Dương, Phó Hiệu trưởng nhà trường, năm nay có khoảng 2.000 học sinh nhà trường trải nghiệm chương trình "Tết sẻ chia 2025". Theo đó, sẽ có khoảng 3.000 chiếc bánh chưng được gói để mang đi vùng cao.

"Nhiều người thắc mắc, liệu mang bánh chưng đi vùng cao có phải "chở củi về rừng" nhưng chúng tôi sẽ mang bánh đến những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, nơi mà nhiều em bé không có điều kiện gói bánh chưng ăn tết", bà Dương cho hay.

Cũng theo lãnh đạo nhà trường, hơn cả một trải nghiệm giao lưu, học hỏi, nhà trường mong sau cuộc gặp gỡ này, tinh thần nhân văn sẽ khơi dậy trong lòng mỗi em học sinh, là động lực thôi thúc các bạn học sinh vùng cao hình thành mục tiêu phấn đấu trong tương lai.

Trả lời phóng viên Dân trí, thầy Giàng A Chinh, giáo viên, tổng phụ trách đội Trường phổ thông Dân tộc bán trú THCS Ta Ma, cho hay không chỉ một mà nhiều em trong nhóm đều tâm sự với thầy về ước mơ được đỗ đại học để về thủ đô.

"Các em không chỉ háo hức, trầm trồ mà khi đến gia đình các bạn học sinh thủ đô trải nghiệm, các em thấy cuộc sống ở đô thị khác cuộc sống ở bản làng. Từ đó, các em sẽ phấn đấu học tốt hơn để quay trở về Hà Nội sau này", thầy Chinh cho biết.