Cuộc đua xét tuyển NV2: Liệu có còn sự công bằng?
(Dân trí) - Khác với mùa tuyển sinh trước là thí sinh chỉ có thể nộp hồ sơ xét tuyển qua đường bưu điện, năm nay Bộ GD-ĐT cho phép các trường nhận trực tiếp. Tuy nhiên phương thức đổi mới này sẽ dẫn đến nguy cơ làm mất đi sự công bằng trong xét tuyển.
Cơ hội trúng tuyển nguyện vọng (NV) 2 phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố như số lượng thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển, mặt bằng điểm thi của thí sinh và chỉ tiêu của ngành xét tuyển. Nếu như trước kia việc nộp hồ sơ xét qua đường bưu điện thì gần như tất các thí sinh đều không biết thông tin này. Tuy nhiên với phương thức đổi mới năm nay thì những thí sinh có điều kiện đến trực tiếp tại trường sẽ là một lợi thế rất lớn.
Thiếu thông tin cộng thêm nôn nóng nên thí sinh Lê Thị Hoa (Thanh Hóa) đã quyết định nộp hồ sơ xét tuyển NV2 vào một trường ĐH ở Hà Nội. Để tránh việc bị thất lạc hay có sai sót gì nên Thoa nộp qua đường bưu điện ngay khi các trường bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển NV2.
Chia sẻ với Dân trí, Thoa cho biết: “Điểm thi em cũng kha khá nên bản thân cũng tự tin phần nào. Em nộp sớm để lỡ có sai sót gì còn có thời gian điều chỉnh”.
Trước câu hỏi "Sao em không từ từ tìm hiểu rồi mới nộp hồ sơ có phải là chắc ăn hơn không?", Thoa cho biết: “Thật ra đối với thí sinh tỉnh xa như bọn em thì việc nộp trước hay sau thì cũng như vậy cả. Gọi điện đến trường để hỏi thông tin về số lượng hồ sơ, mặt bằng điểm thi… thì không ai nhấc máy, mà nếu có nhấc máy thì cũng không nhận được câu trả lời. Còn nếu mà đi ra trực tiếp trường thì lại tốn kém. Chính vì thế đành ngoài việc tự tin với điểm thi thì còn phải trông chờ vào sự may mắn”.
Cũng chung quan điểm với Thoa, thí sinh Lê Thanh Hải đến từ Sơn La cũng rầu rĩ không kém: “Mặc dù biết đến trường nộp trực tiếp sẽ có lợi thế hơn nhưng đường xá đi lại khó khăn nên đành phải chịu thiệt thòi so với các bạn có điều kiện. Em vẫn hi vọng là có sự công bằng trong xét tuyển, nhưng với phương thức mới này thì quả thật là thí sinh tỉnh lẻ sẽ chịu quá nhiều thiệt thòi”.
Khác với các thí sinh ở tỉnh xa, những sĩ tử có điều kiện ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM.. khá an nhàn trong việc nộp hồ sơ xét tuyển NV2. Các em vẫn âm thầm chờ đợi và sẽ “tung đòn” quyết định vào phút chót.
Nguyễn Văn Hưng (quê Nghệ An, dự thi ĐH được 14,5 điểm), hiện sống cùng một người anh họ đang học tập ở Hà Nội, tâm sự: “Cứ thỉnh thoảng em lại “ghé thăm” trường mình định đăng ký xét tuyển để coi tình hình nộp hồ sơ xét tuyển ra sao. Do trường thành lập các khâu thu và tiếp nhận hồ sơ nên khi hỏi thông tin các thầy cũng nhiệt tình lắm”.
Đó là ở phía Bắc, còn ở phía Nam các trường còn “ưu ái” thí sinh hơn rất nhiều lần. Thí sinh tên Hoàng đến từ TPHCM chia sẻ: “Trong này nhiều trường còn thống kê số lượng hồ sơ từng ngành, mặt bằng điểm thi ra sao… Sau khi xem xét điểm thi của thí sinh, nhà trường còn tư vấn nên đăng ký vào ngành nào. Nói chung năm nay thí sinh được hỗ trợ rất nhiều thông tin”.
Theo đánh giá của các chuyên gia tuyển sinh thì với việc cho phép thí sinh nộp hồ sơ trực tiếp tại các trường sẽ dẫn đến tình trạng quá tải vào những ngày cuối bởi vào thời điểm này bức tranh hồ sơ xét tuyển nộp về trường đã cơ bản rõ nét. Bên cạnh đó cũng có nhiều trường nhập dữ liệu tuyển sinh hàng ngày nên cũng cơ bản đã biết điểm chuẩn ngành đó ra sao. Lúc này những thí sinh có điều kiện đến trường nộp chỉ cần chọn những ngành ít thí sinh đăng ký phù hợp với điểm thi của mình để đầu đơn.
Đăng ký xét tuyển khống? Gần đây một số thông tin cho hay là có xuất hiện tình trạng thí sinh đăng ký xét tuyển khống. Cụ thể thí sinh đủ điều kiện về điểm xét tuyển của các trường gửi hồ sơ xét tuyển bằng đường bưu điện về nhiều trường khác nhau, trong thư là tờ giấy trắng, không ghi bất kỳ thông tin nào. Đến khi các trường công bố điểm chuẩn, danh sách trúng tuyển sẽ không có thí sinh này vì hồ sơ không hợp lệ. Lúc này thí sinh mới đi kiện trường tại sao không xét trúng tuyển bởi điểm thi đủ điểm chuẩn. Thí sinh trưng ra biên nhận của bưu điện là đã gửi hồ sơ về trường và đổ cho trường làm mất hồ sơ. “Biết thí sinh gian lận nhưng phải xét trúng tuyển bởi trường cũng không muốn làm ầm ĩ”, một tờ báo trích dẫn lời của lãnh đạo một trường ĐH. Về vấn đề này ông Nguyễn Quốc Cường, cán bộ tuyển sinh của Bộ GD-ĐT ở TPHCM cho rằng: “Việc này khó có thể xảy ra. Bản thân tôi cũng là người từng nộp hồ sơ xét tuyển NV2 cho người thân thì thấy Bưu điện làm các khâu này rất cẩn thận. Trước khi tiếp nhận hồ sơ nhân viên bưu điện sẽ kiểm tra giấy tờ cần thiết sau đó tự tay dán hồ sơ chứ không phải thí sinh làm điều này. Do đó việc đăng ký xét tuyển khống khó có thể tồn tại” Tuy nhiên đó là trong trường hợp các bưu điện làm đúng quy trình. Còn những bưu cục làm sai quy trình thì hiện tượng trên hoàn toàn có thể xảy ra. Để giải quyết những hiện tượng gian lận mới này, các chuyên gia tuyển sinh cho rằng cần có sự đồng bộ dữ liệu trong tuyển sinh hoặc quy tránh nhiệm cho những bưu cục không làm đúng trách nhiệm. |