Cuộc đua vào lớp 10 và những ngả đường không mang tên “trường công lập”

(Dân trí) - Học sinh Hà Nội đang “nín thở” chờ công bố điểm thi lớp 10 THPT. Hơn 40 nghìn em không có "vé" vào lớp 10 công lập sẽ phải lựa chọn những con đường khác.

Hẹp cửa trường công

Năm học này Hà Nội có khoảng 107.246 học sinh xét tốt nghiệp THCS, trong khi đó các trường công lập tuyển 66.492 em.

Như vậy, còn hơn 40 nghìn học sinh không có "vé" vào lớp 10 công lập.

Mới đây, Sở GD&ĐT Hà Nội đã công bố số lượng đăng ký dự tuyển vào lớp 10 của hơn 100 trường THPT công lập.

Một số trường top đầu như THPT Kim Liên có tỉ lệ chọi 1/2,7. Trường THPT Phan Đình Phùng, THPT Lê Quý Đôn- Hà Đông đều có tỷ lệ chọi 1/2,2. Trường THPT Yên Hòa có tỉ lệ chọi là 1/2,5.

Nhiều trường thuộc tốp 2 (căn cứ vào điểm chuẩn các năm, so sánh trên từng khu vực tuyển sinh) năm nay có tổng số đăng ký tăng vọt, nhưng đa số đăng ký nguyện vọng 2.

Ví dụ Trường THPT Đoàn kết - Hai Bà Trưng có 3.842 học sinh đăng ký, trong đó nguyện vọng 2 là 3.058 thí sinh.

Trường THPT Thạch Bàn có tổng đăng ký là 3.056, trong đó riêng nguyện vọng 2 có trên 2.000.

Cuộc đua vào lớp 10 và những ngả đường không mang tên “trường công lập” - 1

Học sinh Hà Nội đang “nín thở” chờ công bố điểm thi lớp 10 THPT.

Trường THPT Quang Trung - Đống Đa có tổng đăng ký là 3.263, trong đó riêng nguyện vọng 2 là 3.058 học sinh...

Qua những con số trên, có thể dễ dàng thấy, cơ hội đỗ vào vào các trường THPT công lập năm nay sẽ khó hơn năm ngoái, đặc biệt với các học sinh trung bình và trung bình khá.

Trượt công lập: Cuộc đời chưa vào “ngõ cụt”

Muốn con được vào trường công lập luôn là tâm lý của phần đông phụ huynh, trước khi suy xét xem con mình thực sự muốn gì và đang ở trình độ nào. 

“Tôi nghĩ trượt công lập chưa hẳn đi vào ngõ cụt. Con tôi từng phải học cật lực ở trường công lập trong suốt 9 năm qua.

Năm nay, tôi vẫn cho con thi vào lớp 10 THPT nhưng chỉ để đánh giá xem lực học của con ở đâu.

Tôi và con đã hướng vào một trường ngoài công lập gần nhà”, chị Hoàng Phương- một phụ huynh học sinh ở Hà Nội cho biết.

Thực tế cho thấy, không ít trường THPT ngoài công lập top đầu có tỷ lệ học sinh lớp 12 đỗ vào các trường đại học công lập thậm chí còn cao hơn cả mặt bằng chung.

Vì vậy, cha mẹ thông minh cần thẳng thắn xác định thực tế năng lực của con, thay vì chỉ dựa vào mong muốn của mình là yếu tố quan trọng hàng đầu để mở ra một tương lai tốt nhất cho mình.

Cuộc đua vào lớp 10 và những ngả đường không mang tên “trường công lập” - 2

Chọn trường không phải là chọn ngôi trường tốt nhất mà là chọn trường phù hợp nhất!

Chọn trường không phải là chọn ngôi trường tốt nhất mà là chọn trường phù hợp nhất!

Học sinh không được học vì đam mê, vì ước mơ của mình mà học vì mong muốn của cha mẹ tức là đã vô hình bị “bẻ gãy đôi cánh”.

Thông thường tại các trường công lập, học sinh được xếp lớp đồng đều và học như nhau tất cả các môn.

Còn ở một số trường THPT dân lập, học sinh được chọn lớp theo các môn sở trường và theo trình độ.

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh khi chọn trường cho con đã xem xét đến việc mở rộng cơ hội đầu ra cho các con.

Cụ thể, họ chọn lựa những trường dân lập có chương trình đào tạo chất lượng cao, đáp ứng sự lựa chọn đa dạng của phụ huynh và học sinh.

Trước dấu mốc quan trọng của cuộc đời, cha mẹ hãy nhìn vào thực tế mà định hướng con mình bước tiếp những chặng đường phía trước dù lúc này có thể sẽ đối mặt với những thử thách không hề nhỏ.

Phía trước các em không đậu tuyển sinh 10 công lập vẫn có rất nhiều hướng mở ra.

Nếu phụ huynh muốn cho con học tiếp văn hóa, có thể cho các em vào học các trường dân lập, các trung tâm giáo dục thường xuyên hoặc dạy nghề trên địa bàn.

Đào Tuấn Đạt

(Chủ tịch Hội đồng Trường THPT Anhxtanh, Hà Nội)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm