“Cửa” nào cho con thi vào 10

Nhất quyết ủng hộ con gái thi trường tư vì muốn con “học thật, thi thật, kiến thức thật” và rèn kỹ năng sống tự lập, chị Hoa đã phải chịu áp lực từ họ hàng lẫn áp lực tâm lý: Nhỡ con thi không đỗ chị “chạy” vào đâu?

Minh Anh con gái chị học không tệ, thường xuyên nằm trong tốp 10 học sinh xuất sắc nhất lớp của một trường điểm tại Hà Nội. Nhưng chị vẫn thường không hài lòng khi thấy con gái tối ngày học thêm để bảo toàn vị trí trong lớp. “Con mà không đi học thêm, các bạn sẽ giỏi hơn con mẹ ạ. Trên lớp có ai hỏi con có giỏi nhạc không đâu, chỉ hỏi con được điểm mấy?”, con gái chị tâm sự khi chị đề nghị con “giảm tải” học thêm mà quay lại với lớp đàn con say mê một thuở. 

Kết thúc 4 năm cấp 2, chị quyết định chọn cho con đích đến là trường cấp 3 nội trú. “Thời cấp 3 nhờ đi sơ tán mà tôi và chồng vẫn vừa học giỏi lại biết thêm nhiều kỹ năng sống. Sau này sang Nga học, nếu không có những kỹ năng được rèn luyện từ phổ thông chúng tôi chẳng biết xoay xở thế nào. Nay nhìn con gái như gà công nghiệp, toàn học thuộc với giải bài theo mẫu. Nhất định phải cho cháu học nội trú. 15 tuổi là học xa mẹ để tự trưởng thành được rồi!”, chị quả quyết cùng chồng. Vừa hay, con gái cũng hào hứng khi được tập trung phát triển năng khiếu và không còn guồng quay ngày học chính chiều học thêm tối học nâng cao. Nhưng tâm lý trường điểm, trường chọn của họ hàng làng xóm là một rào cản lớn. Vợ chồng chị Hoa vừa giải thích vừa bảo vệ quan điểm chọn trường nội trú cho con, vừa đối diện với nỗi lo: “Nhỡ mà con trượt”.

“Ở Hà Nội mới chỉ có 2 trường nhận học sinh nội trú có hộ khẩu Hà Nội. Cứ tưởng công đoạn thi cử sẽ dễ thở hơn, nhưng đúng là tư tưởng phụ huynh hiện đại giờ cũng khá tương đồng nên số thí sinh thi nội trú không hề ít, và trường tốt thì lúc nào cũng tuyển chọn khắt khe” - chị Hoa kể về những áp lực kiểu mới dành cho những phụ huynh muốn chọn trường nội trú cho con.

“Sau khi tìm hiểu thông tin kỹ càng, chúng tôi chọn cấp 3 FPT cho con. Thế là bắt đầu chuỗi ngày tìm hiểu đề thi, cùng con làm bài. Con học ở lớp thì giỏi, nhưng dạng đề mới của trường ra cũng phải chuẩn bị chu đáo. Nhỡ mà con trượt, trường khác may ra còn có “cửa” để xoay xở, chứ trường này không đủ tiêu chuẩn chỉ có bị loại thẳng ra ngoài”.

Một giờ sinh hoạt âm nhạc của học sinh THPT FPT.
Một giờ sinh hoạt âm nhạc của học sinh THPT FPT.

Cùng tâm sự về sự khó khăn tìm cửa “chạy” cho con trai thi chuyển cấp, anh Minh Long (Hoàng Mai, Hà Nội) kể: Cậu con trai anh định hướng muốn học trường quốc tế nên đã văn ôn võ luyện rất kỹ càng, nhất là khoản Tiếng Anh. Dù vậy, “nhỡ mà con trượt thì sao?” vẫn là câu hỏi thường trực trong đầu anh; và như mọi phụ huynh tận tâm với con vẫn hay làm, anh lặn lội “bắt mối” khắp nơi để xem có cửa nào phòng trường hợp con anh sơ xảy: “Học tài thi phận, ai biết đường thi cử thế nào. Mỗi tội xoay được cửa khó quá, tìm mãi không ra mối”. Cuối cùng, anh Long đành nghe lời khuyên của các bậc phụ huynh “bình thường” khác: thi dự phòng thêm một trường “vừa sức” để đảm bảo chỗ học cấp 3.

Có kinh nghiệm chứng kiến 2 con vượt ải thi vào 10, anh Mạnh Tuấn (Láng Hạ, Hà Nội) lại bật mí kinh nghiệm: “Tốt nhất là phụ huynh không chạy vạy gì cho con cả. Sức học của con đến đâu thì để cháu học ở mức đó. Nhờ vả xong, con vào được trường cũng không theo được bạn bè, coi như là uổng phí 3 năm cấp 3. Xác định tinh thần thế với các con, bọn trẻ sẽ biết hướng để phấn đấu.”

Anh Tuấn có hai cậu con trai, cậu cả học chuyên Tự Nhiên, cậu em chọn cấp 3 FPT, mỗi lần nhìn con đi thi vào 10 với anh lại là một trải nghiệm rất khác. “Đứa nào cũng học hành hết mình để vào được trường mình thích. Thằng anh thì ôn luyện cày cuốc ở trung tâm ngày đêm, thằng em học khá hơn hẳn thì lại đòi đi học nội trú vì mê cách dạy kiểu mới “như Tây”. Tôi cho cả 2 con tự chọn trường, miễn là giải trình được lý do thuyết phục với bố mẹ. Cũng thống nhất từ đầu: Sức học đến đâu thì thi đến đấy, bố mẹ không chạy chọt xoay xở gì cả. Nhẹ nhàng cho cả gia đình, và cho con tâm lý trung thực trong thi cử.”

Một giờ sinh hoạt âm nhạc của học sinh THPT FPT.
Nhiều phụ huynh chuyển hướng chọn trường nội trú để con được học thật thi thật đồng thời rèn khả năng sống tự lập.

Anh Tuấn cũng khuyên: Con trẻ bây giờ rất nhạy cảm với việc “ngồi nhầm chỗ”. Bố mẹ quá “quyền lực” có thể dẫn đến ám ảnh thực lực cả 3 năm cấp 3. Cứ để trẻ tự xoay xở, và tốt nhất nên cho các cháu “ra riêng” từ sớm, để vừa học kiến thức vừa rèn luyện bản thân.

Kỳ thi vào 10 của học sinh thành phố Hà Nội sẽ diễn ra vào cuối tuần này, ngay sau đó là kỳ thi vào các trường chuyên, trường điểm, trường nội trú toàn thành phố Hà Nội. Mong các bậc phụ huynh và các con tìm đúng cửa để thi và chọn đúng môi trường phù hợp cho 3 năm cấp 3 bản lề.