“Cú sốc 6 tháng” và những nhọc nhằn “không như tưởng tượng” qua lời kể của du học sinh Úc
(Dân trí) - Người Úc dễ chịu và tử tế, cà phê Melbourne thì rất ngon. Tuy nhiên, đằng sau tất cả là những áp lực, nhọc nhằn mà nếu chưa từng trải qua bạn sẽ khó tưởng tượng nổi…
“Bước ra khỏi cổng trường, sau khi vừa vượt qua kỳ bảo vệ, tôi thở phào một hơi thật dài và đó cũng là lần đầu tiên tôi biết được rằng con đường về nhà đẹp và mộng mơ đến thế. Melbourne đẹp hệt như bức tranh “Mùa thu vàng” của Levitan. Vậy mà suốt 2 tuần - không - thậm chí là gần 3 tuần tôi đã đi qua đây mà không nhận ra điều đó. Tôi không phải kẻ khô khan, mà bởi việc học áp lực tới mức tôi chỉ ngủ 2 tiếng một ngày. Ngay cả quãng đường đi bộ 15 phút ít ỏi, cũng tranh thủ nhẩm lại những kiến thức từ đêm hôm trước.
Tôi từng nghĩ - là đàn ông thì không được yếu lòng - thế nhưng, khi đi du học, sống nơi xứ người, tôi đã từng suýt rơi nước mắt vì… mùi trứng rán. Chính xác là mùi trứng rán phi hành! Bởi, những giây phút mệt mỏi, áp lực cả về tinh thần và vật chất… thì chỉ một “mùi quê hương” thôi cũng đủ để mình muốn òa lên nức nở rồi. Bạn hỏi tôi du học có thích không? Có, thậm chí là nhiều điều tuyệt vời. Thế nhưng, cũng không thiếu những nhọc nhằn. Có những người vững vàng vượt qua, bước tiếp và rồi “nếm trái ngọt”, nhưng cũng có những người vì không chịu được mà trầm cảm, thậm chí bỏ cuộc…”, đó là những lời tâm sự của anh Lê Tiến Đạt về quá trình 4 năm làm luận án Tiến sĩ ngành Quản trị Doanh nghiệp tại Đại học Swinburne (Úc).
"Cuộc sống du học đòi hỏi bạn phải chuẩn bị nhiều hơn những gì bạn tưởng tượng"
Khi nhận được học bổng toàn phần để làm luận án Tiến sĩ, tôi không mất quá nhiều thời gian để lựa chọn Đại học Swinburne (Úc). Đây là trường đại học danh tiếng nằm trong Top 400 trường đại học tốt nhất thế giới, Top 10 trường đại học hàng đầu Úc với bề dày lịch sử hơn 100 năm.
Và quả thật, trong những năm học tập tại đây, với tôi, Swinburne là môi trường đỉnh cao về sự chuyên nghiệp trong công việc và văn minh trong cách mọi người tương tác với nhau hằng ngày. Tuy nhiên, đằng sau tất cả là rất nhiều áp lực, nhọc nhằn mà nếu chưa từng trải qua bạn sẽ khó tưởng tượng nổi.
Gs. Christopher - người vừa là thầy, vừa là sếp trong công việc, vừa là người cha giúp đỡ tôi suốt 4 năm ở Úc. Ông đã nói với tôi một điều mà cả quãng đường du học tôi thấm thía: "Nếu 1 nghiên cứu sinh Úc cố gắng 1, thì em phải cố gắng 10".
Tôi dần thực tế hơn về những “ảo tưởng” rằng cuộc sống du học chỉ toàn màu hồng, như sống trong 1 ngôi nhà thật đẹp, thường xuyên diện vest đi hội thảo, gặp gỡ bạn bè, những buổi party với thật nhiều món ăn ngon và âm nhạc xuyên đêm.. mà thay vào đó là những nỗi lo lắng làm sao để kì này vẫn giữ trọn được “học bổng”, làm sao để không chùn bước trước khó khăn, nhọc nhằn mà hầu như du học sinh nào cũng phải trải qua.
"Cú sốc 6 tháng" để thử độ gan của mỗi du học sinh
“Cú sốc sau 6 tháng” là cú sốc mà hầu như du học sinh nào cũng phải trải qua. Du học là bạn phải chuẩn bị tâm lý tự chăm lo cho bản thân, từ bữa ăn giấc ngủ, tự tính toán chi tiêu, cân đối cuộc sống giữa áp lực học và đi làm. Dù cho có học bổng toàn phần và có lương khi làm trợ lý cho giáo sư nhưng có những lúc tôi vẫn gặp cảnh “dở khóc dở cười” vì thiếu thốn.
Không phải ai cũng may mắn như tôi. Cũng bởi áp lực “cơm áo gạo tiền” mà tôi biết nhiều du học sinh phải đi hái nấm, làm ở trang trại cực nhọc vất vả. Những câu chuyện không hồi kết về việc trốn đi làm “chui", bị kì thị trên đất khách, bị tai nạn lao động gãy chân, gãy tay…không phải là những câu chuyện xa lạ. Nhìn các em bị ảnh hưởng cả về sức khỏe và tinh thần, cá nhân tôi luôn thấy rất xót. Có không ít em thời gian làm việc thêm chiếm quá nửa một ngày, mải mê kiếm tiền mà lơ là việc học, không kiểm soát được cuộc sống... Có người không vượt qua được để rồi trầm cảm, thậm chí trở về nước khi mọi thứ còn đang dang dở... Cảm giác bất lực và quả thực, rất “đáng thương”.
Đó là chưa kể đến nỗi nhớ gia đình mỗi khi vấp phải khó khăn, đặc biệt khi ốm đau hay stress. Thực sự khi chưa xa nhà, thì ai cũng nghĩ rất đơn giản. Ví dụ như, ừ thì xa rồi sẽ nhớ đấy, nhớ bố nhớ mẹ, nhớ bạn bè, nhớ nơi mình sống, nhưng rồi nhiều niềm vui mới, công việc mới, háo hức mới sẽ lấp đầy khoảng trống ấy. Thế nhưng, xa nhà rồi mới thấy mình đã nhầm! Tôi từng có giai đoạn, không dám mở ảnh Hà Nội ra xem vì nhớ Hà Nội tới cồn cào. Từng rưng rưng khi đang đi trên đường, chợt thấy mùi trứng rán… phi hành, cảm giác như bao nhiêu dồn nén chỉ chực òa lên nức nở.
Như đại dịch Covid-19 xảy ra, việc hàng loạt du học sinh trở về Việt Nam, theo tôi cũng xuất phát từ lý do như thế! Khi con người ta yếu lòng, lo lắng, sợ hãi, hoang mang, thì quê hương, gia đình là nơi mà họ cảm thấy vững tin và an toàn nhất.
“Đi là để trở về”
Sau 4 năm miệt mài, nhận tấm bằng tiến sĩ từ Đại học Swinburne danh giá, tôi có khá nhiều cơ hội việc làm tại nước ngoài, nhưng cuối cùng sau khi cân nhắc, tôi chọn trở về Việt Nam sống và làm việc. Đối với tôi, 4 năm trải nghiệm là đủ, khi cầm tấm bằng xuất sắc trên tay, tôi nghĩ tới lúc “đi là để trở về”. Lĩnh vực tôi chọn lựa là giáo dục vì mong muốn có thể đóng góp được cho quê hương mình và cho sự phát triển của thế hệ sau mình.
Qua 4 năm công tác trong lĩnh vực giáo dục Đại học, tôi thực sự khá bất ngờ vì tốc độ phát triển của giáo dục Việt Nam. Nền giáo dục Việt Nam hiện tại hiện đại, chuyên nghiệp và chuẩn quốc tế hơn rất nhiều.
Đặc biệt là các trường quốc tế tại Việt Nam, chương trình học và môi trường thậm chí không thua kém với Đại học Swinburne (Úc) của tôi. Tôi tin rằng, được rèn rũa trong những môi trường như vậy, khi ra trường, các em hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu của các công ty, thậm chí tập đoàn lớn trong và ngoài nước.
Anh Lê Tiến Đạt (Hà Nội)
- Có được bằng Tiến sĩ tại Úc, có 4 năm làm trợ lý cho Giáo sư.
- Về Việt Nam, đóng góp cho sự phát triển giáo dục nước nhà; Tích cực tham gia các hoạt động thúc đẩy hợp tác quan hệ về giáo dục giữa Việt Nam và Úc.
- Lead & tham gia các hoạt động phát triển giới trẻ, với slogan "Mọi người trẻ, dù nghèo cũng có cơ hội để phát triển, để trở nên chuyên nghiệp và hội nhập quốc tế".
Trường Thịnh