Covid-19 khiến không ít giáo viên trường nghề nghỉ việc, chuyển nghề
(Dân trí) - Đại dịch Covid-19 khiến hoạt động giáo dục nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn: Học sinh, sinh viên không có tiền trả học phí, bỏ học đi làm; giáo viên nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động, chuyển nghề…
Phân tích tác động của đại dịch Covid-19, ông Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết, đến ngày 30/6/2021, cả nước có 1.909 cơ sở GDNN: 409 trường cao đẳng, 442 trường trung cấp; 1.058 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (GDNN).
"Tuy nhiên, hoạt động GDNN gặp phải nhiều khó khăn tại các địa phương như: học sinh, sinh viên khó khăn trong chi trả chi phí học tập hoặc bỏ học đi làm; giáo viên nghỉ việc, chấm dứt hợp đồng lao động, chuyển nghề; nhiều cơ sở GDNN tư thục có nguy cơ phá sản.
Đồng thời, hình thức tuyển sinh trực tuyến rất tốt nhưng đối với vùng sâu, vùng xa, các khu vực có hạ tầng kỹ thuật Internet kém thì còn hạn chế. Khó khăn trong ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và đào tạo trực tuyến, đào tạo từ xa trong GDNN tại Việt Nam", ông Bình chia sẻ.
Tham khảo kinh nghiệm ứng phó "khủng hoảng Covid-19" của các trường nghề quốc tế
Đại dịch Covid-19 "phủ bóng đen" lên hoạt động giáo dục nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng toàn thế giới.
Bà Ewa Filipiak, Trưởng ban Hợp tác quốc tế, Hiệp hội các Trường cao đẳng công lập Australia nhấn mạnh, Australia cũng không nằm ngoại lệ dưới tác động tiêu cực của đại dịch.
Trong bối cảnh đó, bà Ewa Filipiak cho biết, nâng cao năng lực cho giảng viên về giảng dạy trực tuyến/kết hợp là một trong những phản hồi quan trọng của các nhà cung cấp giáo dục dạy nghề ở Australia để đối phó với khủng hoảng Covid-19.
"Giảng dạy trực tuyến sẽ trở thành một phần không thể thiếu của hệ thống GDNN trong tương lai. Kinh nghiệm để đạt được hiệu quả là thành lập các nhóm phụ trách tại chỗ để giúp giáo viên chuyển sang giảng dạy trực tuyến, tổ chức các khóa học ngắn trực tuyến về cách sử dụng Zoom, Teams, Moodle...
Việc lập kế hoạch và thực hiện có chủ trương rất cần thiết để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các trường cao đẳng nghề trên toàn thế giới", bà Ewa Filipiak nhấn mạnh.
Còn ông Ingo Imhoff, Giám đốc dự án Recotvet cho rằng, để các trường nghề có khả năng chống chịu tốt hơn thì cần cho họ có quyền tự chủ hơn theo nhu cầu hiện tại và địa phương, đào tạo giáo viên có kỹ năng sử dụng phương tiện số/dạy học từ xa…
Là một trong những đơn vị kịp thời "chuyển mình" khi đại dịch Covid-19 ập đến, trường Cao đẳng kỹ thuật Công nghệ Nha Trang đã thực hiện thành công những giải pháp ứng phó hiệu quả và đạt được những kết quả quan trọng. Năm học 2020-2021 tuyển sinh 1.614 học sinh - sinh viên/1.400 chỉ tiêu, đạt 115,3%; năm học 2021-2022 trong tình hình dịch bệnh, giãn cách xã hội kéo dài đến nay đã tuyển sinh được 1.384 học sinh - sinh viên/1.400 chỉ tiêu, đạt 98,9% và tiếp tục tuyển sinh.
Ông Nguyễn Văn Lực, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, bí quyết để thành công là cần có sự quyết đoán, linh hoạt khi xử lý những tình huống mới, chưa có tiền lệ trong hoạt động của nhà trường.
"Chúng tôi tận dụng, khai thác triệt để các nguồn lực công nghệ thông tin sẵn có trong trường như thiết bị, phần mềm; Tăng cường sử dụng những hệ thống mã nguồn mở, miễn phí; tranh thủ đăng ký những gói dịch vụ hỗ trợ cho giáo dục đến từ các hệ thống lớn như Google, Microsoft, Moodle, Zoom...:
Trong bối cảnh dịch bệnh còn tiếp tục kéo dài, ông Lực kiến nghị Tổng cục GDNN cần xây dựng các hệ thống dữ liệu dùng chung: giáo trình, bài giảng, tài liệu tham khảo, ngân hàng câu hỏi cho các trường nghiên cứu, mô hình, phần mềm mô phỏng, ảo hóa...
Điều chỉnh kế hoạch, tiến độ, hình thức đào tạo nghề
Theo ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, trong năm qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ giáo viên, học sinh, cơ sở giáo dục, đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để có thể thích ứng, chuyển đổi nghề nghiệp trong bối cảnh thế giới việc làm đang thay đổi cũng như hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động, doanh nghiệp, người sử dụng lao động gặp khó khăn, phải thay đổi cơ cấu, công nghệ sản xuất.
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn các Sở LĐ-TB&XH, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tổ chức các hoạt động; giải quyết các khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong quá trình triển khai hoạt động đào tạo theo hình thức trực tuyến.
Công tác tuyển sinh được thực hiện trực tuyến thông qua các ứng dụng công nghệ thông tin và mạng xã hội như: facebook, zalo,… hoặc website của trường; xây dựng các ấn phẩm truyền thông số về tư vấn, hướng nghiệp; đăng tải thông tin trên các chuyên trang tuyển sinh, phương tiện thông tin đại chúng.
Các trường cũng điều chỉnh kế hoạch, tiến độ đào tạo; đẩy mạnh đào tạo trực tuyến qua các phần mềm như: Zoom Cloud Meeting, Hangouts Meet, Microsoft Team, Skype, Google Classroom...; ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng bài giảng điện tử, xây dựng hệ thống liên lạc điện tử, trực tuyến với học sinh, sinh viên.
Tuy nhiên, công tác này cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức. Hình thức tuyển sinh không thực sự hiệu quả đối với vùng sâu, vùng xa, các khu vực có hạ tầng kỹ thuật internet còn hạn chế.
Nguồn lực tập trung cho công tác tuyển sinh của một số trường bị ảnh hưởng bị trưng dụng làm khu cách ly tập trung, cán bộ, giáo viên phải tham gia vào công tác phòng chống dịch. Kết quả tuyển sinh từ đầu năm đến nay còn khá thấp so với kế hoạch; trong đó trình độ cao đẳng, trung cấp tuyển sinh được hơn 75.000 người; trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên là khoảng 800.000 người...
Chưa nhận thức đầy đủ về tác động của chuyển đổi số đến thị trường lao động
Từ 5 - 19/3/2021, Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam phối hợp Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã thực hiện khảo sát tại 11 trường, cơ sở giáo dục ở Hà Nội, Bắc Ninh, Hà Tĩnh, Huế, Nha Trang, Ninh Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Long An, An Giang để tìm hiểu, đánh giá nhận thức về chuyển đổi số, hiện trạng ứng dụng công nghệ thông tin.
Khảo sát cho thấy, không ít trường chưa nhận thức đầy đủ cũng như có mục tiêu, tầm nhìn chiến lược về tác động của chuyển đổi số đến thị trường lao động. Tỷ trọng kiến thức, kỹ năng liên quan đến công nghệ số trong các ngành nghề để đáp ứng nhân lực cho chuyển đổi số chưa cao. Nhiều cơ sở vẫn áp dụng cách thức truyền thống, chưa áp dụng các phương pháp dạy/học tập mới phù hợp môi trường số. Hạ tầng công nghệ thông tin phần lớn chưa đáp ứng đủ nhu cầu dạy - học hiện tại cũng như yêu cầu chuyển đổi số...
Do đó, Tổng Cục trưởng Tổng Cục GDNN nhấn mạnh, việc ứng dụng phương pháp dạy học trực tuyến vào trong quá trình đào tạo đạt hiệu quả, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất đáp ứng được nhu cầu của người dạy, người học; thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn trên diện rộng cho cả người dạy, người học về kỹ năng khai thác, sử dụng công nghệ thông tin; chú trọng việc khắc phục những hạn chế của công nghệ; lưu trữ lại bài giảng để người học xem khi cần.
Và người học cũng cần xác định mục tiêu của việc học tập trực tuyến một cách rõ ràng, từ đó, có sự chuẩn bị chu đáo về mặt tâm lý, thời gian, tâm thế một cách phù hợp. Bên cạnh đó, các cơ sở cần lựa chọn hệ thống phần mềm phù hợp phục vụ cho quá trình dạy học trực tuyến.