Quảng Nam:

Cột mốc chủ quyền Trường Sa trong trường học giữa Trường Sơn

(Dân trí) - Với tâm nguyện giúp học sinh đồng bào vùng cao có một không gian giáo dục tình yêu biển đảo, trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tây Giang, huyện miền núi Tây Giang (Quảng Nam) đã vận động giáo viên và phụ huynh học sinh đóng góp sức người, sức của để xây dựng mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa ngay trong khuôn viên trường học.

Từ ngày có mô hình này, các hoạt động giáo dục kiến thức chủ quyền biển đảo cho học sinh ở vùng rừng núi giữa Trường Sơn này diễn ra hết sức sinh động, bổ ích, làm giàu thêm tình yêu, niềm tự hào đối với biển đảo quê hương.

Cột mốc chủ quyền Trường Sa tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tây Giang
Cột mốc chủ quyền Trường Sa tại trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tây Giang

Cứ mỗi sáng thứ 2 hàng tuần, các em học sinh trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Tây Giang trong sắc phục Cơtu truyền thống có mặt đông đủ để làm lễ chào cờ đầu tuần ngay dưới cột mốc chủ quyền Trường Sa mới xây dựng.

Đúng 7 giờ sáng, trong không khi nghiêm trang, toàn thể giáo viên, học sinh hướng về lá cờ Tổ quốc cất lên bài Quốc ca hùng tráng. Trong tâm trí của mỗi người, tự nhắc nhở mình về lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu Tổ quốc, bản thân tự phấn đấu, thi đua dạy tốt, học tốt.

Mỗi sáng thứ 2, các em hát Quốc ca dưới cột mốc chủ quyền
Mỗi sáng thứ 2, các em hát Quốc ca dưới cột mốc chủ quyền

Em Pơloong Thì Ngờ (học sinh lớp 9/2) cho biết qua sách báo, xem tivi, em biết biển đảo của nước mình dài và tươi đẹp, chúng em cần phải hiểu và phải biết giữ gìn biển đảo. Chào cờ dưới cột cờ Trường Sa hàng tuần là niềm tự hào, vinh dự của chúng em.

Còn thầy Nguyễn Thanh Triều - Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: “Chúng tôi thật sự xúc động khi ngắm nhìn mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa nằm sừng sững giữa nền trời trong xanh. Công trình được xây dựng từ nguồn kinh phí khoảng 50 triệu đồng đóng góp của phụ huynh, đội ngũ cán bộ, giáo viên”.

Mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa này được đặt tại vị trí trang trọng tại khuôn viên nhà trường, đối diện với Gươl truyền thống của đồng bào dân tộc Cơtu. Công trình cao 3,5m, được chế tác theo nguyên mẫu.

Cột mốc chủ quyền Trường Sa trong trường học

Từ ngày mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa được khánh thành, các hoạt động giáo dục chủ quyền biển đảo, tình yêu biển đảo quê hương của giáo viên, học sinh nhà trường diễn ra hết sức sinh động, hiệu quả.

Ngoài việc xây cột mốc Trường Sa, nhà trường còn tổ chức các lớp học ngoại khóa nói về biển đảo giúp học sinh cảm nhận sâu sắc về chủ quyền biển, đảo của Việt Nam, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc như lời Bác dạy: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”, “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng, ngày nay ta có trời, có biển. Bờ biển của ta dài và tươi đẹp, ta phải biết giữ lấy nó”.

Nói về cột mốc chủ quyền Trường Sa được xây dựng giữa ngôi trường ở miền núi của dãy Trường Sơn, thầy Nguyễn Hồng Tĩnh - Phó Trưởng phòng giáo dục Tây Giang cho rằng, đây là mô hình giáo dục cho học sinh về chủ quyền biên giới, hải đảo rất có ý nghĩa bằng cách trực quan, sinh động; qua đó giúp các em có thêm tình yêu biển đảo, yêu quê hương.

Như vậy, bên cạnh công trình Gươl - mô hình giáo dục bảo tồn văn hóa dân tộc, giờ đây nhà trường có thêm mô hình cột mốc chủ quyền Trường Sa. Hai công trình này là hai biểu tượng quan trọng để giáo dục cho các thế hệ học sinh hôm nay và mai sau về lòng yêu nước, giữ gìn truyền thống quý báu của cha ông mình.

C.Bính-Đ.Hiệp