Công nhận kết quả khi học qua truyền hình và internet
(Dân trí) - Bộ GD&ĐT vừa có hướng dẫn việc dạy học qua internet và truyền hình. Theo đó, kết quả kiểm tra đánh giá trong quá trình này được sử dụng thay cho bài kiểm tra thường xuyên.
Tùy địa phương để dạy học trên internet hợp lý
Cụ thể, theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các hình thức dạy học qua internet được hiểu là các hình thức dạy học trong đó giáo viên sử dụng ứng dụng hoặc dịch vụ của internet để tổ chức hoạt động dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, bao gồm: Dạy học thông qua hệ thống quản lý học tập (LMS - Learning Management System); dạy học thông qua hệ thống quản lý nội dung học tập (LCMS - Learning Content Management System); Dạy học thông qua các hệ thống dạy học trực tuyến.
Về lo ngại một số nơi vùng sâu, vùng xa không đáp ứng được hạ tầng kỹ thuật để áp dụng hình thức học này, công văn Bộ hướng dẫn, tùy vào điều kiện thực tiễn, cơ sở giáo dục có thể tích hợp hệ thống dạy học trực tuyến với hệ thống quản lý học tập.
Đối với bài giảng và các học liệu, Bộ GD&ĐT yêu cầu phải xây dựng theo chương trình giáo dục phổ thông, phù hợp từng cấp học. Được tổ chuyên môn, cơ sở giáo dục phổ thông góp ý trước khi đưa vào sử dụng.
Hướng dẫn cũng đưa ra các yêu cầu cụ thể với cơ sở giáo dục, giáo viên và cán bộ hỗ trợ kỹ thuật; với học sinh và gia đình học sinh về việc dạy học qua internet.
Chia nhỏ ca dạy trên truyền hình
Dạy học trên truyền hình là hình thức giáo viên tổ chức và hướng dẫn học sinh thực hiện các nhiệm vụ học tập và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo các bài giảng được phát trên truyền hình.
Với dạy học trên truyền hình, yêu cầu thiết bị, hạ tầng kết nối truyền hình phải đáp ứng các yêu cầu thu sóng truyền hình tương thích với hệ thống truyền hình quốc gia.
Bài học trên truyền hình do giáo viên có kinh nghiệm dạy học, ghi hình để tổ chức dạy học trên truyền hình theo chương trình giáo dục phổ thông và các quy định, hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Học liệu được sử dụng trong dạy học bao gồm sách giáo khoa, tài liệu, học liệu, câu hỏi, bài tập để tổ chức dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh theo các bài học trên truyền hình, bảo đảm tính khoa học, sư phạm, phù hợp với đối tượng học sinh theo từng cấp học. Được tổ chuyên môn, cơ sở giáo dục phổ thông góp ý trước khi đưa vào sử dụng.
Với phương thức dạy học này, hướng dẫn cũng đưa ra các yêu cầu cụ thể với cơ sở giáo dục, giáo viên và cán bộ hỗ trợ kỹ thuật; với học sinh và gia đình học sinh.
Trước đó, trong buổi họp trực tuyến với 63 tỉnh thành về dạy học trên internet và truyền hình, Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ chia nhỏ các ca dạy trên truyền hình, các địa phương hỗ trợ thêm kênh phát sóng, thậm chí cả ban đêm. Với số lượng tiết học của các bộ môn rất lớn như hiện nay, nếu học ít giờ sẽ không kịp.
Dạy từ xa như chương trình chính khoá
Cũng tại hội nghị trực tuyến do Bộ GD&ĐT tổ chức trước đó, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) nhiều lần khẳng định, việc dạy học trên internet hay truyền hình đều là các bài học mới.
Điều khác biệt ở chỗ, bài giảng được phát lên mạng và lên truyền hình thay vì thầy cô đứng trên lớp. Các bài giảng này theo chương trình đã được tinh giản sau khi nghỉ dịch Covid-19.
Như vậy, việc dạy học từ xa sẽ không chỉ là hỗ trợ, ôn luyện mà được thừa nhận như việc dạy học chính khoá, giúp học sinh theo được chương trình trong khi chưa thể đến trường.
3 mục tiêu còn lại của việc dạy/học này gồm: phát triển năng lực tự học của học sinh và nâng cao kỹ năng tổ chức dạy học qua Internet, trên truyền hình của giáo viên; tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường và gia đình trong việc tổ chức và hỗ trợ học sinh trong học tập; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.
Được công nhận kết quả dạy/học từ xa
Một trong những nội dung mà học sinh, phụ huynh và các nhà trường quan tâm hiện nay là việc kiểm tra, đánh giá, việc dạy/học trên internet và truyền hình sẽ ra sao.
Hướng dẫn của Bộ GD&ĐT nêu: Trong quá trình tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình, giáo viênt phụ trách môn học trực tiếp kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh thông qua các bài kiểm tra trên hệ thống dạy học qua internet; kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh đối với dạy học trên truyền hình bằng các hình thức phù hợp.
Kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên trong quá trình dạy học qua internet, trên truyền hình được sử dụng thay cho các bài kiểm tra thường xuyên theo quy định của Bộ GD&ĐT về đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Cơ sở giáo dục phổ thông quản lý, theo dõi, giám sát việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên kết quả học tập của học sinh qua internet, trên truyền hình bảo đảm công bằng, khách quan, trung thực.
Với bài kiểm tra định kỳ và học kỳ, văn bản Bộ GD&ĐT hướng dẫn: khi học sinh đi học trở lại, cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức cho học sinh ôn tập, bổ sung, củng cố kiến thức đã học qua internet, trên truyền hình; thực hiện việc kiểm tra định kỳ và kiểm tra học kỳ theo quy định của Bộ GD&ĐT về đánh giá, xếp loại học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông.
Đối sánh kết quả kiểm tra định kỳ, kiểm tra học kỳ và kiểm tra thường xuyên để có giải pháp phù hợp giúp học sinh củng cố, bổ sung kiến thức.
Mỹ Hà