Công khai đội ngũ giảng viên để xã hội cùng giám sát

(Dân trí) - Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục thực hiện triệt để và tiếp tục việc rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng trong các cơ sở giáo dục ĐH trong năm 2014 và trong các giai đoạn tiếp theo. Trước mắt, Bộ sẽ yêu cầu các trường phải công khai danh sách đội ngũ giảng viên.

Ông Bùi Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) cho biết: Mục đích của việc làm này là để xã hội cùng tham gia giám sát qua đó sẽ chấm dứt được việc nhiều giáo viên đăng ký làm giảng viên cơ hữu của nhiều trường.

Cũng theo ông Tuấn, kết quả rà soát thời gian qua cho thấy, tại thời điểm Bộ GD-ĐT tạo yêu cầu các trường báo cáo về các điều kiện đảm bảo chất lượng, cũng có những ngành được coi là thế mạnh của một số trường có truyền thống và lịch sử phát triển lâu đời vẫn thiếu điều kiện về đội ngũ giảng viên cơ hữu tối thiểu theo quy định hiện hành. Trong bối cảnh biến động nhân sự (cán bộ về hưu, chuyển công tác) nhưng một số trường vẫn chưa có kế hoạch phát triển và kịp thời bổ sung đội ngũ. Đây là dịp để các trường nhìn lại, điều chỉnh kế hoạch phát triển đội ngũ cho phù hợp với hướng phát triển ngành đào tạo của trường.

Việc rà soát các điều kiện đảm bảo chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học đã được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ. Các trường, đặc biệt là các Bộ, ngành chủ quản các trường đều đánh giá cao chủ trương của Bộ GD-ĐT, đồng thời đã thấy rõ trách nhiệm và có những động thái tích cực trong việc tuyển dụng, bố trí, đào tạo đội ngũ cho các cơ sở giáo dục đại học thuộc quyền quản lý. Qua đó, nhiều trường cũng đã cân nhắc, nghiên cứu, sắp xếp lại cơ cấu các ngành đào tạo cho hợp lý.

“Mục đích rà soát không phải để dừng tuyển sinh mà để các trường buộc phải chú trọng kiện toàn các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo. Vì vậy, vào bất cứ thời điểm nào, nếu các nguyên nhân dẫn đến việc đình chỉ tuyển sinh của ngành bị dừng được khắc phục, cơ sở đào tạo báo cáo thì Bộ GD-ĐT sẽ xem xét cho phép tuyển sinh trở lại. Không thể có cơ chế “xin - cho” vì tiêu chí đã được quy định từ năm 2011, danh sách các ngành bị dừng tuyển sinh hay được tuyển sinh trở lại, lý do được tuyển sinh trở lại và không được tuyển sinh trở lại đều căn cứ vào tiêu chí đó, có tính pháp lý và được minh bạch, công khai để chính các trường, công luận và xã hội cùng giám sát” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Ông Tuấn cũng tiết lộ: Thời gian vừa qua Bộ GD-ĐT quyết định đình chỉ một loạt ngành đào tạo ĐH là muốn nhắn đi một thông điệp hết sức rõ ràng. Như chúng ta đã biết, thực hiện một trong những Quan điểm chỉ đạo trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá IX về Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học là “Chuyển phát triển giáo dục và đào tạo từ chủ yếu theo số lượng sang chú trọng chất lượng và hiệu quả”. Vì thế, thực hiện chức năng quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT về kiểm tra, giám sát, đảm bảo thực hiện đúng pháp luật trong lĩnh vực giáo dục đại học; Cảnh báo và yêu cầu các nhà trường tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo, quan tâm tới việc xác định cơ cấu ngành đào tạo hợp lý; đào tạo và phát triển đội ngũ giảng viên, một trong những điều kiện tiên quyết đảm bảo chất lượng dạy và học trong các cơ sở giáo dục đại học.

Nâng cao vai trò giám sát của xã hội và của nhà giáo, người học đối với hoạt động đào tạo của nhà trường; tăng cường tính minh bạch thông tin và đề cao trách nhiệm xã hội tương ứng với phát huy quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học. Tạo điều kiện cho người học có thông tin đúng về các cơ sở đảm bảo chất lượng đào tạo và có cơ hội lựa chọn những cơ sở đảm bảo chất lượng.

S.H