“Công chúa” trong lớp học
Bé được cô giáo quan tâm một cách thái quá. Cô giáo không dám giao việc cho bé... Cả cô và mẹ đều cho đó là tốt. Nhưng sẽ có những tổn thương đối với trẻ khi người lớn sử dụng những phương pháp giáo dục không phù hợp.
1. Mỗi lần cô giáo nhờ các bạn trong lớp làm việc gì là y như rằng cu P nhảy vô tranh giành với bạn. Mỗi lần đi học về, P lại "méc" với ông bà nội: "Cô giáo không thương con". Đến tháng thứ 2 kể từ ngày đi học, P nhất quyết không chịu đến trường. Ông bà, bố mẹ gặng hỏi mãi, P mới mếu máo: "Cô giáo không thương con. Cô không cho con làm gì cả."
Hoá ra, nguyên nhân lại từ phía mẹ P. Ngay từ ngày đầu nhập học, mẹ P đã kịp thời kết thân với các cô giáo và cho biết P là "quý tử", luôn có người giúp việc, ông bà nội chăm sóc kỹ càng. Các cô giáo "nể" gia đình nên không dám giao việc cho P.
Cô giáo mầm non tên Duy An cho biết: "Có nhiều em học sinh con nhà khá giả, chỉ cần mình nhờ các em làm một việc nhỏ cũng bị cho là cô giáo bắt làm nhiều. Và cũng không ít phụ huynh đã đến gặp cô giáo "phàn nàn" vì bắt con em họ làm việc. Chính vì thế nhiều cô giáo "né" phụ huynh một cách thái quá, làm cháu bị cảm giác lạc lõng ngay trong lớp học."
2. Vào lớp mới đã hơn 2 tháng, nhưng bé Nhi vẫn cứ khóc nhè với điều kiện: "Con học lớp cô Th, con không học với cô H. Cô H không thương con." Để chiều lòng con, ba mẹ Nhi cũng trực tiếp đến gặp cô H đề nghị được "bồi dưỡng" thêm và nhờ cô quan tâm tới bé nhiều hơn.
Số là năm học trước, cũng là nhờ ba mẹ "tác động" nên bé Nhi được các cô giáo đặc biệt quan tâm, yêu thương. Mỗi lần Nhi nhõng nhẽo là có cô giáo đến ngay. Các trò nghịch ngợm của Nhi cũng không bị các cô nghiêm mặt "chấn chỉnh".
Chính vì thế, suốt hai tháng chuyển lên lớp trên, Nhi mãi không quen với cách đối xử công bằng như các bạn trong lớp. Nhi vẫn cứ khăng khăng cô giáo mới không thương mình. Và mỗi lần đến lớp là một lần khóc.
Cô giáo mầm non Hoàng Hồng Hạnh (Bình Phước) cho hay: "Việc cô giáo yêu thương bé này hơn bé kia là chuyện bình thường và phù hợp với tâm lý tình cảm của con người. Nhưng nếu yêu chiều bé quá mức và thể hiện rõ sự yêu chiều này trước các bạn cùng lớp thì sẽ không tốt cho trẻ."
Bằng chứng thực tế là, những học sinh được các cô giáo yêu chiều từ lớp dưới thì rất khó uốn nắn ở những lớp trên. Cô Hạnh cho biết: "Rất nhiều trường hợp chúng tôi phải gặp trực tiếp bố mẹ để tìm sự thông cảm ở phụ huynh, từ đó có cách sửa dạy cho trẻ. Tuy nhiên, không phải lần nào cũng thành công."
Trẻ con như tờ giấy trắng. Những bài học đầu tiên sẽ góp phần hình thành nên nhân cách của trẻ. Vì thế, nói như cô Duy An: "Đừng vì một lý do nào đó mà có sự lệch lạc trong giáo dục. Người chịu thiệt thòi nhiều nhất vẫn là bé."
Theo Đoan Trúc
Vietnamnet