Con trai người tạp vụ

(Dân trí) - Thông minh, trầm tĩnh, Huỳnh Ngọc Phước nổi tiếng học giỏi ở trường THCS Phan Công Hớn, huyện Hóc Môn, TPHCM. Lớn lên từ những tiếng chổi quét sân trường của mẹ, Phước hiểu những cơ cực của người mẹ tóc đã lấm tấm sợi bạc.

Lớn lên với chiếc lá sân trường

8 năm dài quét lá là bấy nhiêu năm hai đứa con của chị Nguyễn Thị Hai thức cùng mẹ và quét sân trường cùng mẹ. Huỳnh Ngọc Phước là đứa con đầu của chị. Người mẹ làm tạp vụ ở trường THCS Phan Công Hớn ấy dù biết con mình học giỏi nhưng cũng không khỏi bất ngờ với thành tích giải nhì học sinh giỏi Toán cấp thành phố năm 2008 của Phước. 

Hai đứa con trai của chị, từ lúc còn bé xíu đã nằng nặc theo mẹ ra trường. Chị Hai nhớ lại lúc đó, Phước 6 tuổi và đứa em trai 3 tuổi. Chị đành bó cho hai đứa con hai cái chổi dừa nho nhỏ quét sân phụ mẹ. Sân trường rộng thênh, một mình mẹ không quét kịp trước giờ mở cổng trường.
 
Con trai người tạp vụ  - 1

Sách giáo khoa cũ, Phước vẫn làm nên nhiều thành tích

Cha bỏ mấy mẹ con khi Phước được 5 tuổi. Từ đó đến nay, những đứa con ngày ngày cứ theo mẹ đến trường, không chỉ là đi học mà còn giúp mẹ gom bớt lại những ưu phiền, cơ cực khi mình mẹ đứng giữa sân trường rộng thênh thang.

4 giờ sáng thức dậy. 5 giờ sáng theo mẹ đến trường. 6 giờ tối mới về nhà. Đó là thời gian biểu của Phước những năm học cấp 2. Buổi trưa, chị Hai tranh thủ nấu cơm cho những thầy cô giáo ở lại dạy buổi chiều. Hai anh em Phước cũng ngồi ăn chung bàn với thầy cô.

Với đồng lương tạp vụ gần 1 triệu đồng, chị Hai phải trang trải cho mấy mẹ con. Mỗi tháng, chỉ đóng xong học phí cho 2 anh em là hết veo mấy đồng lương. Cũng may mắn là mấy mẹ con chẳng mấy khi đau ốm, nếu không, chẳng biết phải làm sao nữa.

Công việc tất bật từ quét sân, trà nước đến dọn dẹp nhà vệ sinh trong trường chiếm hết thời gian của chị Hai. Vậy mà 2 đứa con trai của chị, đứa nào cũng mập mạp, tròn xoay mà lại học giỏi. Ai cũng bảo chị nuôi con mát tay.  
 
Con trai người tạp vụ  - 2

Phước và mẹ

Ba mẹ con chị Hai suốt ngày quanh quẩn ở trường THCS Phan Công Hớn. Chị cười: “Thời gian ở trường còn nhiều hơn ở nhà”. Cũng nhờ vậy, mà sức nóng từ mái tôn của nhà chị không ảnh hưởng nhiều lắm đến sức khỏe mấy mẹ con.

Gọi là nhà, nhưng đó là bếp của căn nhà bà nội của chị Hai. Bố mẹ chị Hai bỏ chị đi khi chị vừa mới có 2 tuổi. Số phận chẳng mấy ngọt ngào, sinh được đứa con thứ 2 thì vợ chồng ly dị, chị ôm 2 con về lại nhà bà nội. Căn nhà của nội trở thành nơi cưu mang mẹ con chị mười mấy năm nay.  

Giấc mơ nhà toán học

Quanh quẩn chơi trong trường học, bạn bè và thú vui của cậu bé Phước là những quyển sách mượn ở thư viện. Không như những cô bé cậu bé tuổi học trò  thích chí với hàng đống truyện tranh, Huỳnh Ngọc Phước lại say sưa với hàng chồng sách Toán ở thư viện.

Thấy con suốt ngày loay hoay với mấy cuốn sách Toán, chị Hai hỏi thì Phước nói: “Tại con thích, con mê mà mẹ”. Mẹ hỏi: “Đọc sách Toán để làm gì?”. Phước trả lời: “Con làm nhà Toán học”. “Vậy nhà Toán học thì làm gì”, cậu bé không biết trả lời làm sao. Đó khi Phước học lớp 6.  

Chọn thư viện là nhà, đọc sách nhiều nhưng Phước thú thật: sợ nhất môn Văn vì khả năng viết còn yếu lắm. Cũng dễ hiểu vì hầu như cậu bé toàn  đọc sách Toán, còn truyện chỉ để giải trí vì làm toán nhiều cũng nhức đầu lắm, Phước cười bẽn lẽn.  
 
Nhà nghèo, vách tường hay bị ré nước nên chị Hai chỉ dám đóng khung và treo lên những giải thưởng quan trọng nhất của Phước. Còn hàng đống giấy khen của con, chị gói lại cẩn thận để trên chiếc tủ con con trong nhà. 
 
Con trai người tạp vụ  - 3

Vách tường trần trụi nhưng nó mang đầy niềm tự hào của mẹ con em Phước

Vật dụng gắn bó với ba mẹ con nhiều nhất là chiếc xe đạp cũ. Nhờ nó, bao nhiêu lần, chị Hai chở Phước đi thi học sinh giỏi. Đầu năm học, Phước được người ta cho một chiếc xe đạp mini. Nhờ đó, ngày ngày, Phước đi xe đạp ra ngã tư An Sương đón xe buýt lên quận 5 học lớp 10, trường THPT Năng khiếu, ĐHQG TPHCM. Đường đi xa ngái, mất gần một giờ rưỡi đồng hồ nhưng Phước ngày nào cũng lặn lội đi đi về về.  

Nhà có 2 chiếc xe đạp. Nhờ vậy, mà 3 mẹ con mới chở nhau xuống tận Phú Nhuận khi nhận giải thưởng Nguyễn Đình Chung Song. Đi mất 45 phút vậy mà mấy mẹ con vẫn vui. Thấy người ta chụp hình kỷ niệm, 3 mẹ con cũng chụp 4 tấm, hết 120 ngàn đồng. Chị Hai xót của nhưng cũng tặc lưỡi: “Kệ, chụp hình để lưu lại cho con”.  

Biết nhà mình nghèo, chẳng bao giờ hai anh em Phước - Phúc dám đòi mẹ cái gì quá sức. “Có thêm sách học cũng tốt, mà không có cũng không có sao”, Ngọc Phước nói. Suốt mấy năm trời, hai anh em học toàn là sách mượn hoặc là sách cũ người bà con cho. Chẳng dám mua thứ gì xa xỉ cho mình, giấc mơ nhà toán học với Phước giờ cũng như một thứ xa vời.

Nói về giấc mơ của mình, Phước ngập ngừng: “Bây giờ em chỉ biết học rồi thi vào đại học về ngành nào liên quan đến Toán - Tin”. Có lẽ, khi nhà nghèo, giấc mơ cũng cần nên gần với hiện thực một chút.  

Cùng với giấc mơ toán học, cậu học trò Huỳnh Ngọc Phước lần lượt gặt hái những thành tích toán đầu tiên. Năm nào, Phước cũng đi thi học sinh giỏi Toán của huyện Hóc Môn và luôn luôn mang giải thưởng về cho trường THCS Phan Công Hớn: lớp 6 giải ba, lớp 7 giải nhì, lớp 8 giải nhất, lớp 9 giải nhì huyện và giải nhì cấp thành phố.
 

Với thành tích này, đầu tháng 11/2009, Phước đã nhận giải thưởng toán học Nguyễn  Đình Chung Song. Ngoài ra Huỳnh Ngọc Phước còn ôm thêm mấy giải cấp huyện như giải nhất môn Lý kỳ thi thí nghiệm thực hành, giải khuyến khích tìm hiểu lịch sử huyện Hóc Môn.  

Hiếu Hiền