Con trai Bộ trưởng và câu chuyện bệnh thành tích đến từ đâu

Sau khi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận nói con ông có lần bị 3-4 điểm, nhưng điều đó là bình thường, phóng viên Tiền Phong phỏng vấn một số giáo viên và lãnh đạo ngành giáo dục về căn bệnh thành tích trong giáo dục.

Cô Nguyễn Thị Thu Hải, giáo viên chủ nhiệm lớp 4, 5 Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội), người từng dạy học sinh Phạm Vũ Minh Cương, con của Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận, hồi lớp 4 và lớp 5, cách đây chừng 2-3 năm, kể lại câu chuyện của các học sinh lứa tuổi của Cương và những điểm số:

 

“... Lúc đó, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, phụ huynh của Minh Cương, là Thứ trưởng Bộ GD&ĐT. Trong lớp Minh Cương còn có con em của các thầy cô làm trong Ban giám hiệu nhà trường và các em được đánh giá công bằng với các bạn học sinh khác nữa.

 

Có năm tôi làm chủ nhiệm một lớp có tới hơn 10 cháu là con của giáo viên trong trường. Các đồng nghiệp đùa tôi: “Hôm nay chấm bài cẩn thận nhé, về nhà sẽ có 14 giáo viên chấm lại”.

 

Phạm Vũ Minh Cương là một học sinh tự tin, năng lực nhận thức khá tốt, học tốt các môn tự nhiên và từng dự thi Olympic tiếng Anh của trường và được giải. Tôi nhớ là Minh Cương thích học toán, môn tự nhiên và em đã bị điểm 4 môn văn. Tôi đã chỉ ra những chỗ chưa được trong bài, Minh Cương tự đọc và tự nhận thấy mình diễn đạt chưa tốt thế nào. Em cũng tự nguyện viết lại để cô giáo chấm điểm lại”.

 

Con trai Bộ trưởng và câu chuyện bệnh thành tích đến từ đâu

Cô giáo Hải (giữa), người từng cho con trai Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận điểm 4
 

 

Ngay từ đầu năm học, nhà trường, giáo viên chủ nhiệm đã họp và thống nhất với nhau quan điểm giáo dục và đánh giá thực chất để các em biết rõ thực chất kết quả, tự chịu trách nhiệm về việc học tập của mình, tiếp tục phấn đấu. Không phải chỉ với điểm hằng ngày mà điểm kiểm tra định kỳ cũng phải được làm khách quan theo phương châm đó.

 

"Việc đánh giá đúng sẽ tốt cho con và khiến con luôn cố gắng vì các con không chỉ học chữ mà còn học để phát triển nhân cách."

Trong trường hợp nếu có học sinh học giỏi nhưng vì lý do nào đó bị điểm bất thường khi thi thì nhà trường cho kiểm tra lại theo đúng quy định của Bộ để đánh giá đúng năng lực của các em.

 

Không thể tránh khỏi việc có những phụ huynh kỳ vọng vào con và yêu cầu con quá cao nên khi con bị điểm thấp đã không hài lòng. Tôi nhớ có một học sinh lớp 5K, học trước con bác Luận 2 năm, đã viết cho tôi một bức thư với nội dung sau: “Con rất buồn vì điểm kiểm tra cuối kỳ của con bị thấp, bố mẹ con đã cãi nhau mấy hôm nay. Con thấy đó là lỗi tại con. Con mong cô nói chuyện giúp với bố mẹ”.

 

Gặp trường hợp đó, tôi trao đổi với các vị phụ huynh tác dụng của việc đánh giá đúng sẽ tốt cho con và khiến con luôn cố gắng vì các con không chỉ học chữ mà còn học để phát triển nhân cách. 15 năm làm công tác chủ nhiệm tôi cũng thấy có những bố mẹ xin ban giám hiệu cho con được điểm tốt để có hồ sơ đẹp, nhưng đã giải thích để phụ huynh hiểu là làm thế sẽ khó giáo dục các con.

 

Các phụ huynh luôn mong muốn con em mình được vào học ở trường chất lượng cao và các trường đó phải kiểm tra chất lượng để xếp lớp. Có kiến thức vững chắc, các con mới có thể vào được những trường có chất lượng cao nhất ở bậc học sau. Chúng tôi đã trao đổi với phụ huynh như vậy để thống nhất về việc đánh giá thực chất học sinh.

 

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận nói tại cuộc đối thoại trực tuyến tại Cổng Thông tin điện tử Chính phủ hôm 6/3: Học 2 buổi ở trường rồi mà về phải làm bài tập đến đêm thì tôi thấy là không cần thiết. Cháu nhà tôi năm nay đã học THCS, về nhà tôi bảo cháu: Học 2 buổi ở trường rồi thì không phải học nữa; còn bài cũng có thể có hôm được 9, 10 điểm, có hôm 5,6 điểm, có hôm 4, 3 điểm cũng không sao cả, bình thường.

 

Vụ trưởng Vụ tiểu học, Bộ GD&ĐT Lê Tiến Thành :

 

“Bộ không đặt chỉ tiêu thi đua trên số lượng HS giỏi”

 

Ở bậc Tiểu học, các thầy cô chỉ đánh giá kết quả học tập các môn Toán, Tiếng Việt, Lịch sử, Địa lý. Các môn khác đánh giá bằng nhận xét.

 

Trước kia lỗi thời mới đặt ra sức ép, đặt thi đua trên số lượng học sinh giỏi, khá kém, lưu ban… Nay, ngành GD&ĐT không có chủ trương nào như vậy.

 

Ở đâu có sức ép về điểm thì đó là trách nhiệm của Sở GD&ĐT vì Bộ đã phân cấp. Nếu đáng bị 4 điểm thì con Bộ trưởng cũng bị 4 điểm.

 

Điều đáng nói là cha mẹ bao giờ cũng kỳ vọng ở con cái, muốn con cái phải học giỏi, phải học thêm ngoại ngữ, thêm âm nhạc… Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cũng đã nói đó là bình thường, là lành mạnh, nhưng đừng ép để các con quá sức và hãy để các cháu phát triển tự nhiên.

 

Nói tóm lại, bị sức ép thành tích thì nơi có, nơi không chứ Bộ GD&ĐT không đặt chỉ tiêu thi đua và không chạy theo thành tích hay số lượng. Bộ quan tâm và coi trọng chất lượng.

 

Cô giáo Nguyễn Như Hương, THPT Phạm Hồng Thái, Hà Nội:

 

Bệnh thành tích giảm dần ở THPT

 

Có thể nói, lên đến bậc trung học phổ thông (THPT), sức ép về điểm số không lớn lắm so với bậc tiểu học và trung học cơ sở (THCS). Lý do đơn giản là ở THPT, học kiểu gì học sinh cũng được đi thi tốt nghiệp để lấy bằng, trừ phi bị xếp loại văn hóa kém; văn hóa yếu vẫn được thi tốt nghiệp. Thi tốt nghiệp xong, học bạ chả còn ý nghĩa gì.

 

Bắt đầu từ bậc tiểu học và THCS, nhiều cha mẹ bắt đầu tiến trình học hành của con cái bằng cách kỳ vọng quá nhiều, đặt cho con mình mục tiêu đạt loại giỏi 12 năm và hằng năm cha mẹ mang giấy khen của con cái đến cơ quan để lĩnh phần thưởng. Nhiều khi kết quả học tập của con cái là danh dự của bố mẹ: Con tôi 12 năm, 9 năm là học sinh giỏi! Vì thế, gánh nặng học hành có thể kéo dài đến THPT đối với một số học sinh.

 

Sự căng thẳng về điểm ở THPT còn được đặt lên vai học sinh chuẩn bị đi du học hoặc thi vào các trường đại học đặc thù quy định lực học của thí sinh. Chính vì vậy, những học sinh có khả năng và tự thân thích học giỏi sẽ phấn đấu học được; có học sinh học lệch để đi thi ĐH thì học tập trung vào môn thi. Học sinh không có năng lực thì bố mẹ tìm cách xoay xở để có học bạ đẹp.

 

Về hiện tượng dù học lệch để tập trung vào những môn thi ĐH nhưng điểm số vẫn đẹp nhờ mẹo mực, như dư luận nêu, cũng khó tránh khỏi ở nơi này nơi khác. Với các môn phụ thì thầy cô giới hạn, học trò học thuộc, giơ tay phát biểu.

 

Có một điểm miệng đẹp rồi thì học sinh yên tâm không bị kiểm tra nữa. Hoặc như trường chuyên cũng phải tạo điều kiện để các em chuyên tâm vào môn chuyên. Trường chuyên, con em chúng tôi giỏi giang như thế, các môn làm sao điểm thấp được… Phụ huynh sẽ đặt câu hỏi như vậy.

 

Thầy cô không gây áp lực với các em về điểm số vì thương các em chứ không thật sự là bệnh thành tích. Trước đây lạc hậu mới có hiện tượng xếp loại giáo viên căn cứ bao nhiêu học sinh khá, giỏi. Nay việc đặt ra tỷ lệ là cần thiết và chỉ mang tính chất để thầy và trò cùng phấn đấu.

 

Ở trường tôi, giáo viên xếp loại không phụ thuộc vào điểm của học sinh nên giáo viên không phải chịu sức ép.

 

Theo Hồ Thu

Tiền phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm