Bạn đọc viết:
Con thi vào lớp 10: Phụ huynh chia sẻ áp lực “vượt vũ môn”
(Dân trí) - "Tôi không bao giờ nghĩ là mình đang hi sinh các thú vui vì con, mà luôn nghĩ được học cùng con, chơi cùng con là một may mắn của người mẹ, đặc biệt trong giai đoạn con mang áp lực thi “vượt vũ môn”.
Là một phụ huynh công tác trong ngành Ngân hàng, công việc bận rộn thường đi từ 7h sáng đến 7h tối, nhưng chị Nguyễn Hải Hương luôn cố gắng dành quỹ thời gian ít ỏi của mình để đồng hành cùng con.
Hai con của chị đều đang học tập tại trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam. Cậu con trai lớn Đỗ Quang Minh có năng khiếu toán học từ nhỏ và đạt nhiều thành tích cao trong các cuộc thi Toán học quốc tế dành cho học sinh trung học cơ sở. Cậu bé sở hữu hơn 20 huy chương vàng các cuộc thi Toán như Apmops, IMSO, IMC, IMAS, IKMC, AMC, SASMO, SIMOC, SMO, AMO, AIMO... trong suốt các năm học cấp 2. Hiện nay, Minh chuẩn bị tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đầy căng thẳng.
Còn cô con gái thì có năng khiếu về ngoại ngữ và nổi trội trong các hoạt động như MC, nhảy hiện đại... Cô bé là lớp trưởng lớp 6 hệ song bằng tại trường Ams.
Dưới đây là những chia sẻ kinh nghiệm, trải nghiệm đồng hành, hỗ trợ và chia sẻ với con áp lực “vượt vũ môn” đến các bậc phụ huynh của chị Nguyễn Hải Hương:
Đêm qua con trai học bài muộn. Thông thường mình thức cùng con, khi nào con ngủ thì mình mới đi ngủ, nhưng tối qua chắc do hơi mệt nên thiếp đi, lúc đó chắc cũng đã quá 12h đêm. Sáng nay dậy thấy con nằm co ro trên sofa, tay cầm cuốn sách Văn, mình đắp cho con cái chăn mỏng, nhìn gương mặt gầy gò của chàng trai sắp sinh nhật 15 tuổi, thấy chạnh lòng thương con.
Chỉ còn 3 tuần nữa con bước vào kỳ thi chuyển cấp, hơn 1 tháng trở lại đây, hai vợ chồng cùng đếm từng ngày, vừa mong cho nhanh đến kỳ thi để cho “xong” một việc lớn của con, vừa sốt ruột vì mỗi ngày trôi qua lại thấy thời gian ôn thi của con còn ngắn quá. Có lúc học Văn cùng con, lại ước gì có thêm khoảng 3 tháng nữa thì học không bị vội như bây giờ, giá mà chăm chỉ học Văn ngay từ đầu lớp 9, giá mà ngày nào cũng chịu khó luyện đề Anh, đề Toán…
Cũng đã cùng con đi qua nhiều kỳ thi, nhưng thực sự đây là lần đầu tiên mình cảm thấy bản thân có nhiều áp lực. Trước đây cứ nghĩ mình đã có sự chuẩn bị cùng con kỹ lưỡng qua từng năm học, thì đến hết lớp 9 là thi vào lớp 10 thôi; thế nhưng bây giờ mới hiểu thế nào là chạy nước rút, thế nào là cảm giác mong có thêm thời gian, đôi khi là sự lo lắng và bất lực vì mình thì “cuống” mà con thì cứ nhởn nhơ, còn xem Youtube, nghe nhạc, chơi game… Nhiều lúc cũng “phát điên” nhưng thôi cố kiềm chế, giờ này thì chỉ có nhường và chiều các cô cậu ấy thôi các bố mẹ nhỉ.
Mình chia sẻ ở đây một số hoạt động trong thời gian biểu “chạy nước rút” của hai mẹ con, trong đó có việc song hành cùng con đi qua áp lực, mong lắng nghe thêm ý kiến của các bố mẹ để chúng ta cùng con đi qua kỳ thi này thành công và “bình an” nhé.
1. Phân bổ thời gian học
Vì con vẫn phải học trên lớp nên ngoài các buổi học trên lớp, nhà mình sắp xếp cho con học thêm 1 tuần 2 buổi môn thi chuyên và 3 buổi học 3 môn Văn - Toán - Anh thi điều kiện.
Thời gian còn lại là tự học, chơi thể thao, nghỉ ngơi, sinh hoạt cá nhân. Ví dụ trong 1 ngày sẽ có buổi sáng học trên lớp, buổi chiều học thêm 2-3 tiếng hoặc tự học. Khoảng 5h mình sẽ gọi điện giục con đi đá bóng hoặc đạp xe…
Sau đó ăn tối nghỉ ngơi và học tối từ 8h đến 10h hoặc muộn hơn tùy con chủ động. Buổi tối hôm trước hai mẹ con sẽ thảo luận việc ngày hôm sau tự học đề Văn hay đề Toán, Anh vào giờ tự học. Tối hôm sau mẹ sẽ chấm bài (thực tế là so đáp án môn Anh hoặc chấm Văn, còn Toán thì mẹ chịu).
Mục tiêu mỗi ngày làm 3 đề điều kiện 3 môn, nhưng nhiều hôm chỉ đạt 2/3 chỉ tiêu hoặc ít hơn.
Mình biết hầu hết các con và các bố mẹ lúc này đều muốn tận dụng mọi thời gian để học và luyện đề, nhưng thực tế có ít bạn có thể ngồi học liền 3-4 tiếng mà vẫn giữ được sự tập trung cao độ. Vì vậy theo mình thời gian học liên tục tối đa chỉ nên là 3 tiếng liên tục, sau đó cần có 2-3 tiếng nghỉ và làm các công việc khác để tái tạo năng lượng.
2. Giữ sức khỏe cho con
Bình thường mình cũng dễ tính trong chuyện ăn uống của con, cu cậu lại vốn lười ăn và mẹ thì không ép. Nhưng giai đoạn này thì sẽ hơi khắt khe hơn, bắt buộc ăn đủ 3 bữa, một cốc sữa vào sáng sớm, mình mua thêm nước yến cho cu cậu hàng ngày mang đi học uống.
Trong cặp luôn có chai nước lọc và luôn dặn không uống nước ngọt, nước cà phê đóng lon ở siêu thị. Hãy tạm tránh xa đồ ăn nhanh và đồ ngọt thời gian này nhé, thay vào đó ăn hoa quả
Về ngủ thì cơ bản con phải ngủ đủ ít nhất 8 tiếng/ngày, nếu sáng hôm sau đi học thì tối hôm trước kiểu gì 10h cũng phải đi ngủ, nếu sáng hôm sau nghỉ thì tối trước đó có thể thức muộn.
Thực tế thì nhiều mẹ sẽ thấy ngủ như vậy sẽ thiếu thời gian học, nhưng mình nghĩ thời gian học ít trong trạng thái khỏe mạnh tỉnh táo sẽ hiệu quả hơn học trong lúc con mệt mỏi thiếu ngủ. Lúc tỉnh táo, khả năng tập trung của con tốt hơn nhiều.
Trước khi ngủ, không xem tivi hoặc điện thoại, tốt nhất là đọc sách, nghe nhạc và thở sâu 20-30 phút, sau đó con sẽ có giấc ngủ sâu và chất lượng.
3. Giúp con giải tỏa áp lực
Cá nhân mình cho là việc này khá quan trọng, trong mọi hoàn cảnh thì mình vẫn muốn con có thể cân bằng, sức khỏe thể chất và tinh thần, và để con hiểu dù là trong hoàn cảnh căng thẳng nhất, vẫn phải biết trân trọng cơ thể, trân trọng cảm xúc của chính mình.
Thỉnh thoảng mình cũng hay nói với các mẹ khác là: Mình thì sốt ruột mà thấy nó cứ nhởn nhơ, chẳng lo lắng gì cả. Vậy liệu bọn trẻ có cảm thấy áp lực không?
Sự thực là có, thậm chí nhiều hơn chúng mình đấy. Vì chúng còn nhỏ nên khả năng chịu áp lực kém hơn, nên nếu mình đang thấy áp lực thì thực ra chúng nó cũng đang stress lắm đấy. Chúng stress không chỉ vì lo lắng cho kỳ thi, mà còn stress bởi những lời nói, ứng xử gây áp lực của bố mẹ nữa.
Nhiều khi chúng ta cứ nói là "đâu tôi có mắng có giục gì đâu mà kêu áp lực", nhưng thực tế trong vô thức, mình vẫn có lúc buột miệng những câu kiểu: Học thế này thì đỗ làm sao, hoặc bạn A, bạn B ngày nào nó cũng làm mấy đề đấy, hoặc đấy bạn C trước nó học cũng bình thường thế mà do chăm chỉ giờ điểm thi thử nó cao thế…
Giả sử có mẹ nào rất khéo, khéo đến mức không bao giờ thể hiện ra là mình đang áp lực con, thì tôi vẫn tin rằng con hoàn toàn cảm nhận được áp lực ngầm đang đè lên mình, kì vọng bố mẹ đang dành cho mình. Ở tuổi này, chúng thông minh và nhạy cảm lắm.
Vậy thì chúng ta cần làm gì để cùng con đi qua áp lực này, để con có một tâm thế tốt nhất bước vào kỳ thi giữa tháng 7 tới đây. Các bố mẹ hãy nhớ, tâm lý thoải mái quyết định đến 50% kết quả của bài thi!
Nếu con hay đau đầu, ra mồ hôi tay, dễ nổi cáu, khó ngủ, thở gấp… thì nhiều khả năng con đang cảm thấy quá áp lực. Ngoài việc bố mẹ nhận biết thì hãy hướng dẫn con để con tự nhận biết các dấu hiệu của chính mình và vấn đề mình đang gặp phải.
Hãy tâm sự để con hiểu áp lực thi cử là một điều hết sức bình thường, chỉ cần mình kiểm soát để nó không gây ra tác động xấu. Ngay khi có bất kì một dấu hiệu nào, hãy nhắc con tự cho phép mình nghỉ ngơi vài tiếng đồng hồ, làm một việc gì yêu thích.
Bố mẹ hãy hướng dẫn con tự kiểm soát stress bằng cách viết ra những lo lắng của con và phân tích nó
Ví dụ 1: Lo lắng việc thi trượt - Phân tích: Điểm số các bài kiểm tra, thi thử trong suốt thời gian qua của con như thế nào, nếu nó đều ổn, thì có lý gì mà bài thi thật lại không thể tốt như thế và tốt hơn thế.
Ví dụ 2: Lo lắng không đủ thời gian ôn vì kiến thức chưa học còn quá nhiều - Phân tích: Con đã quản lý tốt thời gian chưa, con đã có thời gian biểu ôn thi hợp lý chưa, liệu có phần kiến thức nào có thể bỏ qua, con có muốn tìm một bạn học cùng môn học và mình đang gặp khó khăn - một kinh nghiệm học Văn là học theo phương pháp truy bài cùng nhau sẽ khá hiệu quả (Hiện tại con mình đang áp dụng phương pháp này với một bạn trai cùng lớp).
Ví dụ 3: Sợ con học rồi nhưng vào phòng thi con lại quên hết bài - Phân tích: Trước đây đã bao giờ con bị như thế chưa; Liệu con có thể bị trượt chỉ vì quên mất một vài ý nhỏ. Sự thật là khi vào phòng thi, hầu như chúng ta có thể nhớ được cả những điều mà lâu lắm chúng ta chưa từng dùng tới - đó là khả năng đặc biệt của trí não có thể bật ra những kí ức vào những thời điểm quan trọng nhất (cái này là kinh nghiệm cá nhân của mình trong những kì thi lớn của cuộc đời).
Những công cụ thư giãn tích cực và hiệu quả nhất khi ôn thi:
Nghe nhạc: Hãy nhắc con cách nghe nhạc hiệu quả - chọn một chỗ nằm thoải mái, đeo tai nghe và đắm chìm vào bản nhạc yêu thích trong vòng 20-25 phút sau mỗi buổi học dài.
Đi bơi: Bơi hoặc ngâm nước nóng là một biện pháp tuyệt vời để thư giãn sau giờ học, giải tỏa căng thẳng. Ngoài bơi, con có thể chơi bất kỳ môn thể thao nào khác hoặc đơn giản chỉ là 30-45 phút đi bộ mỗi ngày. Bố/mẹ hãy thu xếp đi bộ cùng con nếu có thể.
Hướng dẫn con bài tập thở: đây là một kỹ thuật dễ thực hiện nhưng giúp giảm stress một cách nhanh nhất. Hít vào vào đếm từ 1 đến 7, phình bụng hết cỡ. Thở ra và đếm từ 1 đến 11, hóp bụng hết cỡ. Lặp lại động tác trong vòng 5-7 phút, các con sẽ thấy hiệu quả bất ngờ.
Ngoài ra có nhiều cách khác như: chơi đàn, hát, nhảy hoặc bất kỳ hoạt động gì liên quan tới âm nhạc, chơi với thú cưng, ăn một bữa phụ thật ngon và lành mạnh, ngủ ngắn 30 phút.
4. Bố mẹ nên làm gì?
Trong giai đoạn này, vai trò của bố mẹ vô cùng quan trọng. Hãy là bạn con, đừng là ông bà quản đốc, chỉ biết thúc giục.
Những việc bố mẹ nên làm:
Đừng giục giã nữa!!! (các con đã bị thầy cô trên lớp giục nhiều lắm rồi).
Thử ngồi xuống và học cùng con một buổi tối (ví dụ hãy tự làm một bài phân tích về hình ảnh “Đầu súng trăng treo” trong vòng 60 phút hoặc làm một đề toán điều kiện trong vòng 120 phút) - chỉ để đặt mình vào hoàn cảnh và thông cảm với cảm xúc của con.
Hãy ngồi gần khi con học, đọc sách chứ đừng xem tivi và lướt facebook.
Giúp con viết ra những lo lắng của con ra một cuốn sổ. Sau khi con viết hết xong, hãy đọc kỹ, ngẫm nghĩ và nói với con: các nhà khoa học đã nghiên cứu: 85% các lo lắng của con người đều không trở thành sự thật trong tương lai
Kể với con về trải nghiệm của bản thân mình: ngày xưa mẹ cũng lười lắm, mãi 2 tháng trước khi thi cấp 3 mới lôi sách vở ra học, có hôm học cả đêm, may thế cuối cùng cũng đỗ
Massage cho con: hai vợ chồng mình có thói quen làm việc này cho 2 con vào mỗi buổi sáng sau khi con ngủ dậy, với cá nhân mình mình thấy rất thích khoảnh khắc bên nhau ngắn ngủi này, khởi đầu cho một ngày học tập và làm việc hiệu quả của cả nhà.
“Mong muốn của tôi là lan tỏa đến các bậc phụ huynh có con sinh năm 2005 chuẩn bị thi vào lớp 10 về ý thức và trách nhiệm, nhưng đồng thời là niềm vui, niềm hạnh phúc khi được đồng hành cùng con.
Tôi không bao giờ nghĩ là mình đang hi sinh các thú vui vì con, mà luôn nghĩ được học cùng con, chơi cùng con là một may mắn của người làm mẹ…”, chị Hải Hương trao đổi với PV Dân trí.
Phụ huynh Hải Hương