Còn nhiều quy định vô lý trong dạy nghề
Với tư duy đào tạo nghề chạy theo bằng cấp, hiện nhiều học sinh ra trường không đáp ứng được công việc, trong khi nhiều người muốn theo học nghề lại gặp khó...
Hướng đến đào tạo theo đặt hàng
Tại hội nghị được Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục thanh thiếu niên và Nhi đồng (UB VHGDTNTN&NĐ) của Quốc hội phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức nhằm lấy ý kiến để hoàn thiện dự án Luật Dạy nghề (sửa đổi), bà Trần Thị Tâm Đan, nguyên Chủ nhiệm UBVHGDTNTN&NĐ của Quốc hội kiến nghị, Luật Dạy nghề sửa đổi cần nghiên cứu cụ thể về cơ chế chính sách, phát triển hình thức đào tạo nghề theo địa chỉ thông qua hợp đồng của các trường nghề với những tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhân lực. “Nên đào tạo theo yêu cầu chủ thể đặt hàng” – bà Trần Thị Tâm Đan phân tích.
Đồng quan điểm trên, GS.TS Nguyễn Minh Đường - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, hiện nay học sinh muốn đi học nghề bắt buộc phải có bằng tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) hoặc phải vừa học nghề vừa học lấy bằng THPT. Đây là quy định cứng nhắc vì thực tế trong danh mục nghề đào tạo có nhiều nghề đơn giản như lâm sinh, trồng trọt, chăn nuôi, nấu ăn... không đòi hỏi phải có trình độ văn hoá THPT. Do vậy, cần sửa đổi chương trình đào tạo trung cấp nghề theo hướng có 2 hệ tuyển sinh: một là tuyển sinh học sinh tốt nghiệp THPT, sau đó có thể đào tạo liên thông lên đại học khi cần thiết và một hệ không cần tốt nghiệp THPT, học sinh học xong đi làm ngay.
“Thực tế, rất nhiều nghề, các doanh nghiệp khi tuyển lao động không đòi hỏi lao động có trình độ THPT, không yêu cầu có bằng tốt nghiệp nghề loại giỏi mà chỉ cần trình độ kỹ năng nghề thành thạo. Hơn nữa, rất nhiều học sinh, đặc biệt là học sinh ở khu vực nông thôn, miền núi có hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện theo học THPT hay cao hơn là bậc cao đẳng, đại học nên muốn học nghề nhanh để tìm được việc làm. Cũng có rất nhiều em học lực yếu, chán học văn hoá phổ thông nên muốn học nghề để tìm được việc làm” - GS.TS Nguyễn Minh Đường ví dụ.
Cần những thay đổi đột phá
Bà Nguyễn Thị Hằng, Chủ tịch Hiệp hội Dạy nghề và nghề công tác xã hội Việt Nam trăn trở: “30 năm theo nghề này, trong đầu tôi vẫn đau đáu bởi hệ thống đào tạo nghề cứ “vừa thức, vừa ngủ”, nhiều quy định không rõ ràng. Thật vô lý khi bắt nhân viên văn thư cũng phải có bằng đại học…”. Theo bà Hằng, hiện nay nhu cầu tuyển dụng lao động của thị trường trong nước cần đến hơn 70% đội ngũ lao động nghề, thế nhưng công tác đào tạo của nước ta cũng như tâm lý theo học của chính học sinh vẫn mải mê chạy theo bằng cấp. Hậu quả là nhân lực tốt nghiệp cao đẳng, đại học thừa, không xin được việc, lãng phí lớn, trong khi đội ngũ nhân lực qua đào tạo nghề có thể làm được việc lại thiếu.
Ông Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm UBVHGDTNTNNĐ của Quốc hội cho biết, tại kỳ họp Quốc hội tới đây, Ủy ban sẽ trình tổng hợp ý kiến đóng góp của các đại biểu đối với dự thảo sửa đổi Luật Dạy nghề. Một trong những điểm nổi bật là dự thảo Luật này sẽ quy định việc sáp nhập 3 Trung tâm công lập cấp huyện là Trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm dạy nghề và Trung tâm kỹ thuật hướng nghiệp tổng hợp thành một Trung tâm duy nhất. Đặc biệt, Ủy ban sẽ kiến nghị có chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh học nghề, cho các đối tượng theo học nghề đặc thù, nghề mũi nhọn nhưng khó tuyển sinh để tránh tình trạng thiếu hụt lao động cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.