Ngày càng nhiều cử nhân làm công nhân

Tình trạng nhiều sinh viên tốt nghiệp các trường đại học nhưng chấp nhận làm việc ở trình độ thấp hơn đã phản ánh rõ nét sự tréo ngoe giữa đào tạo và nhu cầu thị trường lao động.

Cử nhân giấu bằng để xin việc

Đang làm tờ khai ứng tuyển làm kỹ thuật phần mềm tự động hóa tại Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội, Nguyễn Văn Niên, Nam Định chia sẻ: “Cơ hội xin việc ở trung tâm là rất ít. Dù tốt nghiệp đại học loại khá nhưng chưa có kinh nghiệm nên em khá chật vật khi đi xin việc”.

Niên cho biết, em cũng đã được nhận vào làm ở một doanh nghiệp in, nhưng sau đó, Niên phải nghỉ việc, tiếp tục tìm kiếm việc làm mới vì phải làm những việc không đúng ngành nghề đã học như giao hàng, làm điện.

Doanh nghiệp cần những lao động thành thạo kỹ năng.( Ảnh: CTV)
Doanh nghiệp cần những lao động thành thạo kỹ năng.( Ảnh: CTV)
 
Tại công ty Canon Việt Nam, khu công nghiệp Bắc Thăng Long, chúng tôi có dịp gặp NMP, một công nhân đã tốt nghiệp đại học. NMP cho biết: “Em cũng đã làm một số công ty tư nhân nhưng công việc phập phù, thu nhập rất thấp nên quyết định làm công nhân, cho dù vẫn tiếc tấm bằng cử nhân”.  

Thông tin từ bản tin thị trường lao động của Bộ LĐTBXH và Tổng cục Thống kê mới đây cho thấy, hiện nay, 9750.000 lao động có trình độ đại học trở lên đang làm các nghề có yêu cầu chuyên môn kỹ thuật thấp hơn và tình trạng này đang có chiều hướng gia tăng.

Theo khảo sát của công ty tư vấn nhân lực Manpower cho thấy, tại Canon Việt Nam có tới hơn 1.000 vị trí công nhân đã tốt nghiệp đại học và con số này còn cao hơn do nhiều người vẫn chỉ khai nhận đã tốt nghiệp phổ thông để tránh bị dị nghị.

Chị Đinh Thị Hằng, công ty Daiwa cho biết: “Với một số công việc đơn giản, thời gian huấn luyện nghề ngắn, chủ sử dụng chỉ cần tuyển lao động học vấn phổ thông; họ không muốn nhận những người trình độ đại học vì lo ngại người lao động sẽ “nhảy” việc khi có cơ hội. Nhưng thực tế, tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long có khá nhiều bạn tốt nghiệp đại học sang làm việc do chưa tìm được việc làm phù hợp, phần lớn sinh viên này tốt nghiệp mảng xã hội - kinh tế”.

Một đại diện Trung tâm giới thiệu việc làm Hà Nội cho biết: Khá nhiều bạn trẻ có trình độ đại học trở lên đến tham gia các phiên giao dịch việc làm, tuy nhiên chỉ khoảng 30% trong số đó tìm được việc. Vì nhiều lý do nên không ít cử nhân buộc phải chấp nhận làm những công việc thời vụ, không đúng ngành nghề.

Thiếu kỹ năng làm việc

Một điều “trớ trêu” khi tuyển dụng là doanh nghiệp luôn đòi hỏi sinh viên tốt nghiệp ra trường có 2 năm kinh nghiệm, trong khi thời gian thực tập đại học rất ít, chủ yếu năm cuối đại học. “Ngay cả khi đi thực tập, cũng chỉ mang tính chất “cưỡi ngựa xem hoa” nên sinh viên ra trường rất thiếu kỹ năng. Do đó sau khi ra trường là thời gian rất vất vả đối với sinh viên tốt nghiệp để tự trau dồi kinh nghiệm cho bản thân”, Phùng Diệu Hoa, Hà Nội, đã tốt nghiệp đại học được 1 năm nay và đang mong xin được việc làm kế toán tại một công ty.

Thiếu nhiều kỹ năng làm việc, năng suất lao động của người Việt Nam rơi vào mức thấp nhất châu Á - Thái Bình Dương. Theo ILO, năng suất lao động của người Singapore năm 2013 cao gấp 15 lần năng suất lao động của người Việt Nam. Thậm chí, năng suất lao động của người Việt Nam chỉ bằng 1/5 so với Malaysia và 2/5 so với Thái Lan.

Đồng quan điểm này, ông Đỗ Quang Hải, quản lý một khách sạn cao cấp Hà Nội chia sẻ: “Nhiều trường đại học chỉ đào tạo thiên về lý thuyết nhưng các doanh nghiệp khi tuyển dụng đều yêu cầu người lao động phải có kinh nghiệm làm việc. Do đó, sinh viên của chúng ta chủ yếu “tự bơi”, muốn có kỹ năng phải học hỏi thêm khóa học ngắn hạn. Trong khi đó, đối với chương trình đào tạo chuyên ngành du lịch tại các trường châu Âu, 2 năm cuối sinh viên được thực tập thực tế tại doanh nghiệp liên kết với nhà trường, sau khi ra trường, sinh viên được cấp chứng nhận đã có 2 năm kinh nghiệm”.

Còn theo khảo sát của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), chưa đến 20% lực lượng lao động của Việt Nam được đào tạo chuyên môn và những kỹ năng được trang bị thường không phù hợp với đòi hỏi của thị trường. Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực có trình độ kỹ năng thấp nhất, cứ 10 lao động tại đây thì chỉ một người được đào tạo. Đặc biệt, đại diện 200 doanh nghiệp trong ngành du lịch ở miền Trung Việt Nam cho biết, hầu hết sinh viên tốt nghiệp các trường dạy nghề không đáp ứng yêu cầu công việc ở đơn vị của họ.

Ông Dương Đức Lân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTBXH) cho biết: “Đối với doanh nghiệp sản xuất, cơ cấu nhân lực cần khoảng 50% lao động phổ thông, 35% trình độ sơ cấp trở lên và 15% còn lại là tốt nghiệp đại học. Nhưng hiện nay, chúng ta tập trung cho đào tạo đại học là chủ yếu; có đến 80% số học sinh tốt nghiệp PTTH vào đại học nên tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp đông và làm trái ngành, trái nghề là điều dễ hiểu”.

“Nhà nước sớm cần có những điều hành chung để xây dựng một cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực hợp lí. Các địa phương cần tập trung triển khai chủ trương là đến năm 2020, 30% học sinh tốt nghiệp THCS chuyển sang học nghề. Sinh viên tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm, lại quay sang học nghề sẽ dẫn tới tốn phí thời gian cũng như tiền của gia đình và cả xã hội”, ông Dương Đức Lân chia sẻ.

Ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam nhận định: “Nguồn lao động trẻ và dồi dào đã mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội, nhưng đáng tiếc là trình độ kỹ năng và chuyên môn thấp của người lao động lại cản trở Việt Nam thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đáng lưu ý là sự chênh lệch ngày càng trầm trọng giữa đào tạo kỹ năng cho sinh viên và nhu cầu của doanh nghiệp. Để đẩy mạnh phát triển kỹ năng theo nhu cầu thị trường, Việt Nam cần tăng cường hợp tác với khối tư nhân cũng như đẩy mạnh sự tham gia của doanh nghiệp vào hệ thống giáo dục và đào tạo”.

Ông Cao Quang Đại, Vụ trưởng Kỹ năng nghề, Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐTBXH): Chú trọng đào tạo theo địa chỉ

Tỷ lệ lao động qua đào tạo phải chấp nhận những công việc với trình độ thấp hơn cho thấy những bất cập trong đào tạo hiện nay. Đặc biệt theo phản ánh của doanh nghiệp, học sinh, sinh viên thiếu nhiều kỹ năng nghề, kỹ năng làm việc theo nhóm, giao tiếp… Điều này ảnh hưởng lớn đến cơ hội xin việc và nâng cao năng suất lao động. Đặc biệt, nếu nguồn nhân lực không được trang bị và nâng cao kỹ năng thì nguy cơ thất nghiệp sẽ gia tăng khi Việt Nam gia nhập AEC vào cuối năm 2015.

Do đó, ưu tiên hiện nay là sự kết hợp giữa đào tạo và doanh nghiệp, đào tạo theo địa chỉ. Về phía Tổng cục Dạy nghề đang triển khai đề án 40 trường chất lượng cao để làm “đầu tàu” nâng cao chất lượng dạy nghề.

Bà Sukti Dasgupta, chuyên gia cao cấp ILO về chính sách và thị trường việc làm: Cần cải thiện hệ thống giáo dục dạy nghề

Năng suất và kỹ năng của lao động Việt Nam đang ở mức trung bình, chỉ cao hơn các nước Lào, Campuchia. Do đó, để tăng cường năng suất lao động và kỹ năng nghề của người lao động, Việt Nam cần tập trung cải thiện hệ thống giáo dục dạy nghề và trung học, đồng thời kết hợp chặt chẽ với khu vực tư nhân để nắm bắt nhu cầu thực tế. Chính phủ cần xây dựng môi trường thông thoáng hơn trong sự hợp tác này.

Trong hội nhập, Việt Nam bảo vệ quyền của lao động di cư, tăng cường công nhận kỹ năng nghề của lao động di cư thông qua hợp tác song phương và đa phương giữa các nước ASEAN. Qua đó tạo sự đối xử công bằng giữa lao động Việt Nam và các nước tại các nước ASEAN.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Khá , Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh: Cần đóng cửa các trường có tỷ lệ sinh viên thất nghiệp cao

Việc đào tạo như hiện nay dựa trên những thứ chúng ta đã có, chứ chưa dựa trên nghiên cứu thị trường lao động hiện nay đang cần gì. Việc đào tạo phải dựa trên tổng thể nghiên cứu thị trường lao động cần lĩnh vực nào thì chúng ta tập trung đào tạo. Còn hiện tại các trường đào tạo dựa trên phân bổ chỉ tiêu đào tạo từ Bộ Giáo dục Đào tạo.

Qua giám sát tại một số doanh nghiệp, địa phương đều cho rằng lực lượng lao động có bằng cấp nhưng chất lượng chưa cao và phải đào tạo lại. Vấn đề này vừa tốn kém cho Nhà nước, vừa tốn kém cho gia đình. Việc đào tạo như hiện nay không đáp ứng chất lượng và những ngành nghề xã hội cần. Nếu vẫn tiếp tục đào tạo theo những gì ta đang có thì tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp ra tăng và kéo dài hơn nếu chúng ta không thay đổi.

Do đó, cần đóng cửa các trường chất lượng kém, có tỷ lệ sinh viên thất nghiệp cao. Bên cạnh đó, phải khảo sát, đánh giá thị trường để khớp nối giữa đào tạo và nhu cầu thị trường lao động.

 

Theo Xuân Minh

Baotintuc.vn