Con học trực tuyến, phụ huynh phải đầu tư bao nhiêu tiền?
(Dân trí) - Một câu hỏi có lẽ sẽ dễ dàng trả lời đối với những gia đình có điều kiện kinh tế. Tuy nhiên, đối với tỉnh Đắk Nông còn nhiều khó khăn, câu hỏi này đang thu hút sự quan tâm của nhiều bậc phụ huynh.
Dịch kéo dài kiếm đâu ra tiền ?
Chị Hoàng T. L., một người dân ở Đắk Nông đã đưa ý kiến của mình lên một trang mạng xã hội khi vợ chồng chị có 2 người con chuẩn bị học trực tuyến.
Theo tính toán của chị L., để phục vụ việc học, gia đình sẽ phải mua 2 cái máy tính (hoặc 2 cái điện thoại), lắp thêm internet… với tổng dự toán kinh phí là khoảng 10 triệu đồng.
Khoản tiền 10 triệu đồng có lẽ gia đình chị sẽ xoay sở được ở thời điểm vợ chồng chị có thể đi làm, có thu nhập. Tuy nhiên, tỉnh Đắk Nông đang thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, nhiều hoạt động kinh doanh gặp khó khăn nên số tiền này với gia đình chị và với không ít gia đình sẽ là bài toán khó.
"Dịch giã này kiếm đâu ra 10 triệu ?", chị L. đặt câu hỏi.
Ngay lập tức, bài viết của chị L. đăng trên mạng xã hội đã thu hút được sự quan tâm của rất nhiều người, trong đó phần lớn là phụ huynh học sinh.
Nhiều người đồng quan điểm với chị L. khi thu nhập của gia đình không ổn định do ảnh hưởng của dịch bệnh, thậm chí có người còn bình luận: "chạy gạo cho con ăn còn khó, lấy đâu ra tiền mua thêm máy cho con học ?"
Liên quan đến vấn đề này, PV Dân trí đã có một khảo sát nhỏ với nhiều phụ huynh có con học bậc THPT tại Đắk Nông - bậc học đang thực hiện dạy học trực tuyến từ ngày 7/9. Số tiền mà phụ huynh cần bỏ ra để con em học trực tuyến dao động từ 2-10 triệu đồng/học sinh.
"Con tôi năm nay lên lớp 11, bản thân gia đình chưa cho cháu dùng điện thoại thông minh. Từ đầu tuần này, cháu được nhà trường hướng dẫn học trực tuyến nên cũng phải sắm điện thoại cho cháu. Đây cũng là chiếc điện thoại giá trị nhất mà gia đình chúng tôi đang có", anh H.B.T. (trú TP Gia Nghĩa) chia sẻ khi vừa bỏ ra số tiền gần 7 triệu đồng mua điện thoại cho con học online.
Con gái của chị Phan Thị Bắc (trú thị trấn Kiến Đức huyện Đắk R'lấp) cũng bắt đầu học trực tuyến từ hai ngày nay, nên chị Bắc nhường lại máy tính cá nhân của mình cho con gái học.
Tuy nhiên, trong thời gian tới, các bậc học khác cũng dự kiến học trực tuyến, chị Bắc phải tính đến chuyện mua thêm thiết bị di động để phục vụ việc học của con.
"Tôi là giáo viên tiểu học, nếu dạy học trực tuyến thì phải lấy lại máy tính cá nhân và mua một chiếc khác để cho con học. Với giá thành trên thị trường, để có một chiếc máy dùng ổn định thì phải trên dưới 10 triệu đồng. Số tiền này không phải là nhỏ đối với gia đình vì chồng tôi là lao động tự do, hiện nay không có thu nhập do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh", chị Bắc nói.
Đau đầu nếu học trực tuyến
Học trực tuyến đang là một vấn đề nan giải của nhiều phụ huynh đang sinh sống tại những địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Đắk Nông.
Có được một số tiền nhất định để mua sắm thiết bị cho con học trực tuyến khiến không ít gia đình phải cân nhắc, cắt giảm chi tiêu hoặc đi vay mượn.
Lý giải về việc này, nhiều phụ huynh cho rằng, thời điểm này, chưa phải là mùa thu hoạch nông sản nên thu nhập hàng ngày không ổn định. Thậm chí, một số phụ huynh còn "chốt" tiêu, cà phê xanh cho các đại lý thu mua nông sản dù mùa thu hoạch còn 2-3 tháng nữa.
Chị H' Jan (trú xã Đắk Sắk, huyện Đắk Mil) có con gái học lớp 10. Hiện tại, con gái chị vẫn chưa có thiết bị để học trực tuyến dù cả lớp đã vào học được 3 ngày. Nguyên nhân là vợ chồng chị H' Jan không đủ điều kiện để mua một thiết bị di động.
"Mấy tháng nay do dịch nên vợ chồng tôi không đi làm được, phải đi xin gạo của nhà nước về ăn nên không có tiền mua máy cho cháu. Cả nhà dùng chung một chiếc điện thoại 600.000 đồng, chỉ để nghe và gọi chứ không xem được hình như điện thoại của người ta", chị H'Jan nói.
Ông Phạm Quốc Trọng, Trưởng phòng Giáo dục- Đào tạo huyện Tuy Đức cho biết, địa phương đã chuẩn bị các phương án để thực hiện dạy học cho học sinh trong điều kiện dịch bệnh kéo dài, không thể học tập trung.
Tuy nhiên, đối với huyện biên giới Tuy Đức thì học trực tuyến thực sự rất khó triển khai. Nguyên nhân chính là điều kiện kinh tế, nhiều gia đình học sinh không thể mua sắm thiết bị để con em sử dụng học trực tuyến.
"Có những phụ huynh là đồng bào dân tộc thiểu số, họ chỉ dùng điện thoại đen trắng để nghe gọi. Nhiều gia đình thuộc diện hộ nghèo còn phải đi dùng nhờ điện thoại của hàng xóm thì khó mà bỏ ra vài triệu đồng mua một chiếc điện thoại thông minh", Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tuy Đức nói.
Ông Trọng thông tin thêm, qua khảo sát, trên toàn huyện chỉ có khoảng 21% phụ huynh có thiết bị di động. Thế nhưng trong số 21% này, có thiết bị dùng được, có thiết bị không dùng để học trực tuyến được.
Lãnh đạo UBND huyện Krông Nô (Đắk Nông) cũng cho rằng, việc triển khai học trực tuyến sẽ rất nan giải đối với địa phương bởi nhiều khu vực còn chưa có điện lưới, sóng điện thoại chập chờn và ngay cả phụ huynh còn "bỡ ngỡ" trước các thiết bị di động.
Đặc biệt, theo ông Trọng, có những khu vực người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, cả khu vực chỉ có 2-3 chiếc tivi màu, chạy bằng điện từ bình ắc quy thì việc theo dõi học qua truyền hình cũng rất khó khăn chứ không nói đến việc mua thiết bị di động về học trực tuyến.