Con đường nào cho nữ sinh sư phạm tung cước đá bạn?

(Dân trí) - Bạo lực, dù ở mức độ nào, cũng là một hành vi vô văn hóa và phải bài trừ. Khi bạo lực xảy ra trong chính sinh viên sư phạm - nhà giáo tương lai thì không đơn thuần còn là chuyện đánh đấm vì mâu thuẫn và hòa giải, cảm hóa là giải pháp ưu việt.

Có lẽ tôi đã quá cổ hủ và khắt khe khi đánh giá một hiện trạng và chặn mất lối thoát cũng như con đường tương lai của em nữ sinh Trường Đại học Thủ đô Hà Nội ấy. Nhưng đọc xong bài báo, tôi vẫn chưa tin được rằng trong môi trường mô phạm lại tồn tại những lối hành xử theo “luật rừng” như thế. Và đặc biệt khi tận tay tận mắt “chiêm ngưỡng” cách ra đòn của nữ sinh kia, một nỗi bức xúc đã dâng cao, nghẹn ứ. Chắc chắn đó không chỉ là cảm xúc của riêng tôi mà là tâm trạng chung của khá nhiều người.

Nhà giáo dục vĩ đại của dân tộc Séc và của thế giới J.A.Cômenxki (1592 - 1670) từng nói: “Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”. Vâng, nghề giáo cao quý lắm. Tôi không phải là một nhà giáo nhưng tôi luôn dành sự ngưỡng mộ và lòng biết ơn đối với những người đã dìu dắt tôi trên ghế nhà trường - những người thầy giữ gìn trọn vẹn chữ “đạo”, chữ “tâm”.

Sự nghiệp trồng người không chỉ đào tạo nên những con người tài năng xây dựng đất nước mà còn vun đắp, bồi dưỡng những tâm hồn cao đẹp, nhân cách sáng trong và cách ứng xử thanh lịch. Có người dưỡng nuôi ước mơ “gõ đầu trẻ” từ bé. Có người tình cờ bén duyên với bục giảng, phấn trắng. Nhưng chắc chắn để làm nên cốt cách một người thầy cần phải có lòng yêu nghề và sự trau dồi nhân cách.

Hạnh phúc thay khi ta gặp một người thầy giỏi và đầy nhiệt tâm với học trò. Nhưng sẽ là một bất hạnh lớn khi mỗi ngày “soi” vào “tấm gương mờ” từ người thầy thiếu hụt nhân cách. Có ai đó đã nói rằng: Một vị bác sĩ tồi có thể sẽ giết chết một vài bệnh nhân, một vị tướng tồi có thể giết chết một vài đạo quân, nhưng một người thầy giáo tồi chắc chắn sẽ giết chết nhiều thế hệ. Tôi xin khẳng định mình không “vơ đũa cả nắm” nhưng đâu đó vẫn tồn tại một số giáo viên để lại những ám ảnh kí ức khó phai trong lòng học sinh.

Cô sinh viên sư phạm ấy không biết học giỏi đến đâu, chuyên môn vững vàng thế nào nhưng bản tính nóng nảy và cách hành xử thô lỗ, thậm chí là côn đồ ấy đã được trung ra trước bàn dân thiên hạ. Dẫu biết rằng đánh giá một con người không thể vội vàng, phiến diện qua một vài hành động, ở một vài thời khắc. Tuy nhiên, bản chất con người được thể hiện qua hành động, ngôn ngữ và cũng qua đó mà đánh giá được tầm văn hóa của mỗi người. Từ “chuyện bé” với mâu thuẫn trên Facebook mà “xé ra to” thành bạt tai, tạt nước, tung cước, chửi rủa… và kéo bạn đến “dằn mặt” đối thủ thì cần phải nghiêm túc xem xét, nhìn nhận lại tư cách một sinh viên, đặc biệt là nữ sinh sư phạm.

Con đường nào hợp lý hợp tình, vẹn cả đôi đường sau vụ ẩu đả ấy? Đuổi học ư? Chẳng thể dễ dàng bóp nghẹt tương lai của một con người đến thế! Khiển trách và cảm hóa ư? Liệu “giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời” không? Một “vết nhơ” trong quá khứ sẽ mãi đeo bám suốt cuộc mưu sinh sau này để rồi người ta dè chừng, nghi kỵ, xét nét mãi không thôi tư cách một người thầy. Ngành nghề nào cũng cần chữ “nhẫn” nhưng người giáo viên hẳn là cần gấp bội đức tính ấy khi ngày ngày đối diện với bao áp lực từ học sinh - những đứa trẻ nghịch ngợm chỉ đứng sau “nhất quỷ, nhì ma”.

Cảm hóa và lôi kéo để có một công dân tốt như quan điểm của nhà trường quả thật rất nhân văn. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng sẽ khó lòng dạy dỗ bao lớp sinh viên sư phạm khác khi “tấm gương” ấy có thể sẽ mãi mãi trêu ngươi, cổ xúy cho những suy nghĩ, hành xử lệch lạc.

Công cuộc cải cách giáo dục với những mục tiêu lớn mà chúng ta đang theo đuổi đã được khẳng định: Trước hết phải cải cách người thầy. Nhưng làm sao thực hiện được trọn vẹn, thành công mục tiêu ấy khi những định kiến “chuột chạy cùng sào không vào sư phạm” vẫn đang len lỏi, cướp mất người tài của ngành giáo dục. Và đợt tuyển sinh thiếu hụt thí sinh vừa qua vẫn đang nóng dư luận khi các trường liên tục hạ điểm chuẩn, cố “vớt” và “vét” cho đủ chỉ tiêu. “Đầu vào” có vấn đề, bảo sao không tồn tại những “ung nhọt” nhức nhối như thế?!

Ngọc Hùng

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!