Đắk Nông:
Con được đi học, phụ huynh Suối Phèn hạnh phúc vì giấc mơ thành hiện thực
(Dân trí) - Sau nhiều tháng, thậm chí nhiều năm chờ đợi, những đứa trẻ trong cụm dân cư Suối Phèn (xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) đã được đến trường. Giấc mơ thoát nghèo của hàng trăm người dân di cư tự do được nhen nhóm từ ngày những đứa trẻ này đi học.
Bắt đầu từ học kỳ 2, năm học 2019-2020, gần 100 đứa trẻ từ 3-5 tuổi tại cụm dân cư Suối Phèn (xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) được đến trường. Có lẽ đây là điểm trường tổ chức đón học sinh muộn nhất và học sinh cũng vào học muộn nhất so với các địa phương trên cả nước. Thế nhưng điều đó không làm mất đi sự hào hứng, vui tươi tại điểm trường này. Bởi để những đứa trẻ tại cụm dân cư Suối Phèn được đến trường, nhiều người đã phải chờ đợi hơn 20 năm nay.
Ngày đầu tiên đưa con đến trường, anh Cư A Cú (29 tuổi, trú cụm Suối Phèn) không giấu được niềm vui khi con mình được đi học tại ngay điểm trường nơi gia đình anh sinh sống.
Gần 20 năm di cư vào Đắk Nông, vợ chồng anh Cú có với nhau 3 mặt con, trong đó Cư Thị Sa (4 tuổi) là con út. Hai đứa con đầu được anh Cú cho sang xã khác học nhờ, rồi thuê cho một căn nhà nhỏ gần trường để trọ học. Riêng Sa còn nhỏ nên được bố mẹ cho ở nhà vì ra đó không ai chăm sóc được.
“Nó 4 tuổi rồi. Nếu điểm trường này không mở cửa thì phải cho ở nhà để chờ đến khi đủ tuổi vào lớp 1 mới được đi học. Bây giờ điểm trường đã có cô giáo về dạy, không những gia đình mà bà con trong cụm vui sướng lắm. Các cháu nhỏ không phải theo cha mẹ đi rẫy mỗi khi đi làm nữa”, anh Cú cho biết.
Cùng chung cảm xúc với anh Cú, anh Giàng Seo Dín (32 tuổi, cụm trưởng cụm dân cư Suối Phèn) cũng hạnh phúc khi nguyện vọng của hàng trăm người dân nơi anh sống đã được hiện thực hóa. Giấc mơ trở thành công dân của những người dân di cư tự do, trong đó có những đứa con của anh Dín mai đây cũng sẽ thành hiện thực vì chúng đã được đến trường.
Anh Dín cho biết: “Bao nhiêu năm chờ đợi để có một ngôi trường xây ngay tại cụm dân cư này. Thế nhưng, điểm trường được xây dựng xong, chúng tôi lại tiếp tục chờ đợi vì không có giáo viên, khiến các cháu không được đi học từ đầu năm. Bây giờ mới được đi học, nhưng dù có muộn thì chúng tôi vẫn hạnh phúc, dẫu sao thì ước mong của bao nhiêu hộ dân nay cũng thành hiện thực”.
Ngay khi điểm trường mở cửa đón học sinh, anh Giàng Seo Phỏng (trú cụm Suối Phèn) cũng đón cô con gái Cư Thị Vê đang trọ học ở xã khác về đây học. Từ đầu năm học, cô bé 4 tuổi được bố mẹ cho đi học tại xã Quảng Sơn (huyện Đắk G’Long) và bắt đầu cuộc sống xa bố mẹ để ở trọ. Cứ đầu tuần anh Phỏng đưa con gái đi, cùng theo gạo và thức ăn, đến cuối tuần mới đón về. Riêng mùa mưa, anh để con gái ở trọ cả tháng mới đón về nhà một lần.
“Các cháu còn nhỏ phải đi ở trọ nên tội nghiệp lắm. Con không muốn đi học nhưng vợ chồng đi làm, không mang theo cháu đi suốt ngày được đành phải mang con ra đó ở cùng anh chị. Nhưng bây giờ khác rồi, trường học cách nhà có mấy chục mét, nên cháu có thể tự đi về trong ngày được. Vợ chồng mình cũng không phải lo lắng chuyện để con sang xã khác trọ học nữa”, anh Phỏng chia sẻ thêm.
Cô Ma Thị Dung, giáo viên điểm trường Suối Phèn cho biết, ngay khi điểm trường đi vào hoạt động, phụ huynh đã đưa con đến học. Đến thời điểm này, gần 100% trẻ trong độ tuổi 3-5 tại cụm dân cư Suối Phèn đã được đến lớp, chỉ có một số cháu theo bố mẹ đi rẫy, sang tuần sau mới đến lớp.
“Phụ huynh nào đến gửi con cũng vui cả. Buổi học đầu tiên, nhiều phụ huynh còn đưa con đến lớp sớm hơn cả giáo viên. Bản thân tôi cũng là người đồng bào Mông, tôi hiểu được niềm hạnh phúc của bà con nơi đây khi con em họ được đi học. Ước mơ của họ thành sự thật, còn vui hơn là được mùa cà phê”, cô Dung dí dỏm nói.
Ông Đoàn Văn Phương, Trưởng Phòng Giáo dục Đào tạo huyện Đắk G’Long cho biết, mặc dù các cháu tại điểm dân cư Suối Phèn vào học muộn hơn các địa phương khác, tuy nhiên do là cấp mầm non nên không ảnh hưởng nhiều tới chương trình học. Việc các cháu tại cụm dân được đến trường không những là niềm vui của phụ huynh mà còn là của địa phương, đặc biệt là của ngành Giáo dục, góp phần nâng cao tỷ lệ phổ cập giáo dục mầm non, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Như Dân trí từng nhiều lần phản ánh, hàng chục hộ người đồng bào Mông tập trung đến sinh sống dọc theo suối Phèn. Không chứng minh nhân dân, không sổ hộ khẩu, thậm chí không có cả giấy khai sinh ... nên bao năm nay, họ chỉ mang một ước mơ duy nhất là trở thành công dân đúng nghĩa.
Do đường xá đi lại khó khăn, nằm tách biệt với các khu dân cư khác nên khu vực Suối Phèn có gần 100 cháu đã đến tuổi đi học nhưng vẫn chưa được đến trường. Hầu hết trong số này là trẻ mẫu giáo từ 3-5 tuổi và học sinh bậc tiểu học.
Năm 2019, tại khu dân cư này được xây dựng một điểm trường với 3 lớp học để đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ. Tuy nhiên, do tình trạng thiếu giáo viên trầm trọng tại huyện Đắk G’Long nên phải đến đầu học kỳ 2, năm học 2019-2020, trẻ tại Suối Phèn mới được đến trường.
Dương Phong