Con cực, cha mẹ khổ!

Với việc thực hiện học 2 buổi/ngày ở TPHCM (không phải các trường lớp bán trú) đã dần mất đi mục tiêu ban đầu là tăng cường giáo dục toàn diện cho HS mà ngược lại, mô hình này đã làm các em mệt mỏi, căng thẳng, kiệt sức.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, học sinh (HS) học 2 buổi sẽ nghỉ ngày thứ bảy nhưng hầu như các trường đều bắt HS đi học phụ đạo, hướng nghiệp, hoặc kiểm tra 1 tiết vào ngày cuối tuần. Trong khi CB-CNV được nghỉ ngày thứ bảy thì HS vẫn vác cặp đến lớp.

 

Vắt kiệt sức học sinh

 

Hơn 3 năm học 2 buổi/ngày, T.D- một HS lớp 9 Trường THCS Linh Đông (quận Thủ Đức, TPHCM) đã thật sự sợ hãi và ngán ngẩm việc học cả ngày vì “đầu óc lúc nào cũng căng như sợi dây đàn”. Một ngày học của D. bắt đầu từ lúc 6 giờ 30 sáng kéo dài đến hơn 22 giờ, thậm chí có hôm đến 1 giờ sáng hôm sau.

 

Ban giám hiệu của Trường THPT BC Lương Thế Vinh quận 1 dự kiến sang năm học 2006-2007 sẽ không tổ chức dạy và học 2 buổi nữa.

 

Buổi học thứ nhất kết thúc lúc 10 giờ 30 sáng, buổi thứ hai bắt đầu từ 13 giờ 45 cho đến 17 giờ 15. Trường không tổ chức lớp bán trú nên tan học D. và các bạn phải về nhà thật nhanh để còn kịp trở lại học buổi thứ hai. Về đến nhà D. chỉ kịp ăn uống qua loa, tranh thủ chợp mắt ít phút rồi lại phải dậy làm bài tập cho trong buổi học sáng.

 

Buổi tối D. còn làm một khối lượng khổng lồ bài tập của tất cả các bộ môn Toán, Lý, Hóa, Anh Văn…, chỉ riêng môn Toán, giáo viên (GV) giao mỗi tuần ít nhất 15 bài tập, chưa kể bài tập trong sách giáo khoa. Khổ nhất là những ngày thời khóa biểu xếp 3 môn Toán, Lý, Hóa chung, mà 1 tuần có 2 “ngày đau khổ” như thế! Do vậy, D. phải thường xuyên học đến 1 giờ sáng.

 

D. cho biết, GV không đủ thời gian chấm và sửa hết bài tập, chỉ sửa những bài quan trọng, ngược lại HS cũng không đủ sức làm hết tất cả bài tập. Để đối phó, các bạn trong lớp thường chép lẫn nhau cho có lệ. Trong trạng thái mệt mỏi, D. bức xúc nói: “Học 2 buổi thật vất vả, HS phải vắt kiệt sức mới theo kịp. Cô hiệu trưởng đã từng cấm không cho GV giao bài tập buổi trưa nhưng các thầy cô bộ môn vẫn cứ giao bài cho bọn em làm và kiểm tra vào buổi chiều. Rất nhiều bạn ngủ gật trong lớp!”.

 

Đi học phải mang... cơm

 

Tại cổng Trường THCS Châu Văn Liêm (quận Phú Nhuận) trong cơn mưa nặng hạt, chúng tôi đã nghe một chị phụ huynh ẵm trên tay em bé vừa chập chững biết đi, nôn nóng chờ đón cô con gái đang học lớp 6, than: “Học kiểu này thì còn làm ăn gì được?!”.

 

Con chị học chính khóa buổi chiều, còn buổi sáng học tăng tiết. Thời khóa biểu xếp không hợp lý nên hôm thì trường cho về lúc 9 giờ 30 sáng, lúc lại tan vào 10 giờ 30. Buổi chiều nhà trường bắt 12 giờ 30 phải có mặt để học cho đến 5 giờ chiều. “Tôi phải bỏ công, bỏ việc giữa chừng chỉ để đưa, đón con. Phải chi nhà trường có lớp bán trú thì đỡ biết mấy”.

 

Ở ngoại thành, hầu hết các trường cũng không thể tổ chức lớp bán trú vì phụ huynh nghèo không có tiền đóng tiền ăn cho con đồng thời trường không có kinh phí để xây dựng bếp ăn. Trường THCS Nguyễn Hiền, quận 12 có 100% HS học 2 buổi nhưng không có bán trú.

 

Tương tự, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Bội Châu, quận 12 bộc bạch: PHHS đòi nhà trường mở bán trú nhưng trường chưa đáp ứng được. Nhiều HS ở quận 9, Củ Chi, Cần Giờ, Nhà Bè, Hóc Môn… phải mang cơm theo ăn buổi trưa. Cơm mang từ sáng nguội ngắt nhưng các em vẫn cố nuốt. Trời nóng như đổ lửa, trong cơm như có vị mặn của mồ hôi.

 

Chạy theo chỉ tiêu!

 

Số lượng trường tổ chức dạy và học 2 buổi ở TPHCM ngày càng tăng (bậc tiểu học hơn 70%, bậc THCS là 41%, THPT có 12 trường đang thí điểm mô hình này). Các trường đều phấn khởi với chất lượng, hiệu quả của dạy 2 buổi mang lại qua tỷ lệ HS khá giỏi hằng năm.

 

Tất nhiên, khi cơ sở vật chất để HS học ngoại khóa, năng khiếu ở buổi thứ 2 chưa có, các trường đã tận dụng buổi thứ 2 dạy tăng cường các môn chính. Nhưng, đằng sau kết quả nức lòng đó, có bao giờ các nhà quản lý giáo dục lắng nghe và thấu hiểu nỗi niềm 2 buổi từ phía HS và phụ huynh?

 

Một giáo viên Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền tâm sự với chúng tôi, cô thật xót xa khi nhìn thấy những HS lớp 12 của cô càng học càng gầy rạc, bởi cũng chính những gương mặt này 2 năm trước khi cô dạy các em vào năm lớp 10 đều là những gương mặt tươi tắn, bầu bĩnh. Hiệu trưởng một trường của quận 1 cho biết: Một số trường không có điều kiện sân bãi, cơ sở vật chất nhưng vẫn tăng số lượng HS học 2 buổi nhằm chạy theo chỉ tiêu mà sở, phòng giáo dục đề ra.

 

Thiết nghĩ, nếu trường không có đủ phòng chức năng, sân bãi chật hẹp thì tổ chức học 2 buổi/ngày chỉ là giữ trẻ, ép trẻ học và hoàn toàn phản khoa học. Theo bà Nguyễn Thị Minh Hương, đại biểu HĐND TPHCM, việc dạy và học 2 buổi/ngày phải căn cứ vào điều kiện cơ sở vật chất và phải hướng học sinh vào việc học các bộ môn năng khiếu, các hoạt động ngoại khóa hơn là tổ chức một cách nặng nề như đang làm hiện nay.

 

Theo Lâm Vy - Hồng Liên

Sài Gòn Giải Phóng