“Cơm muối trắng” chín “phẩy”

(Dân trí) - Đôi kính cận dày cộp, học nhiều đến nỗi hai mắt lờ đờ nhưng vẫn không bị bạn bè gọi là “giáo sư” đơn giản vì dân trong lớp ai cũng học nhiều như thế. Nhưng không phải ai cũng đạt kết quả trên 9 “phẩy” như cậu SV “cơm muối trắng” Bùi Văn Phố.

Tuổi thơ “cơm muối trắng”

Năm 8 tuổi, cậu bé Bùi Văn Phố phần nào cảm nhận được mất mát của gia đình khi bố mất vì tai nạn giao thông. Nhà làm nghề nông, phần lớn tay bố cáng đáng công việc. Đã nghèo lại càng thêm bấn túng...

Hai chị gái của Phố lúc đó đang học cấp hai đã phải nghỉ học cùng mẹ ra chợ buôn bán nuôi hai em ăn học.

Ba người phụ nữ trong nhà sáng nào cũng dậy từ tinh mơ đến chuẩn bị hàng ra chợ. Trưa thay nhau về nhau nấu vội nồi cơm cho Phố và em trai rồi lại ra chợ đến tối mịt mới về.

Phố còn quá nhỏ, không giúp được gì cho mẹ và các chị. Phố chỉ nhớ những bữa cơm của mình chỉ ăn có muối trắng. Phố đến lớp với cái bụng đói ngoặt, nhìn hàng quà sáng phải quay mặt đi. Phố luôn trong tình trạng lả người... Những lúc Phố khóc vì đói, mẹ cậu vỗ về bằng câu “học giỏi sẽ hết đói”.

Thương mẹ và như lời mẹ nói, chỉ có học mới thay đổi được số phận, mới hết đói, Phố bắt đầu mới biết mình phải học.

Lên cấp ba, Phố đỗ vào chuyên Toán của trường Quốc học Huế. Cậu bắt đầu cuộc sống xa nhà từ đó. May mắn đầu tiên đến với Phố và bảy học sinh khó khăn khác được nhà trường giới thiệu xin vào Trung tâm Bảo trợ Trẻ em Thủy Xuân (Huế). Mọi chi phí ăn học của Phố đến hết đại học sẽ do Trung tâm chi trả.

Điều lúc đó Phố nghĩ đến là đôi vai mẹ sẽ bớt đi gánh nặng phần nào. Con đường học hành mở ra trước mắt cậu học trò cố đô.

Cậu sinh viên chín “phẩy”

Học nhiều nhưng hồi phổ thông Phố không có thành tích học tập nào đình đám. Vậy nhưng thi vào ĐH Bách khoa TPHCM với số điểm 28, Phố mới dám tin là mình học cũng không kém ai.

Học chuyên Toán nhưng thi đỗ đại học xong Phố mới biết mình thích nghiên cứu về... Vật lý. Thế là tân sinh viên một trường trong Nam chạy đi xin chuyển vào khoa Vật lý, trường ĐH Khọc học Tự nhiên Hà Nội. Cậu học trò nghèo được sự giúp đỡ của Giáo sư, Tiến sĩ TrầnThanh Vân - người quyên góp, huy động sự giúp đỡ để xây dựng làng trẻ em SOS tại Việt Nam cùng viết thư lên Bộ GD-ĐT xin chuyển trường. Với số điểm của mình, nguyện vọng của cậu học trò nghèo được chấp nhận.

Vào đại học, Phố say sưa với sách và ý thức nhất về việc học của mình. Có nhiều bạn thân nhưng Phố không nói với ai về hoàn cảnh của mình vì theo cậu “nhìn vào cách sống cũng như điều kiện sống của mình mọi người sẽ biết. Hơn nữa còn có nhiều bạn khó khăn hơn cả mình”.

Sống giản dị, thậm chí còn tự cho mình là hơi “ki bo”, không thích tụ tập bạn bè, la cà quán xá vì cậu sinh viên nghèo phải xoay xở cuộc sống của mình chỉ với 700.000 đồng tiền hỗ trợ từ Trung tâm bảo trợ.

Tiền học bổng hàng tháng của Phố, Phố dồn vào góp cùng mẹ để nuôi cậu em trai Bùi Văn Lợi đang là sinh viên khoa Cơ học, ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) ăn học.

Thế nhưng không có nghĩa là cậu tách biệt với các hoạt động tập thể. Hè nào, Phố cũng có mặt trong đội tình nguyện “tiếp sức mùa thi”.

Để đạt được kết quả luôn đứng đầu lớp, trên chín “phẩy” với Phố là chăm chỉ học, học nhiều và tập trung cao độ. Sống trong ký túc xá Mễ Trì, trong phòng cũng nhiều “mọt sách” nên Phố có một môi trường học tập tốt.

Ước mơ của cậu SV năm thứ ba lớp Cử nhân Tài năng khoa Vật lý, trường ĐH Khoa học Tự nhiên này là trở thành giảng viên và nghiên cứu chuyên ngành mình đã theo học. Còn bây giờ, Phố thực hiện mục tiêu trước mắt là tốt nghiệp với tấm bằng đỏ và sẽ tim cơ hội theo học thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài.

“Mình phải làm được nhiều việc hơn nữa để mẹ và các chị của mình biết những hy sinh của dành cho mình họ không hề vô nghĩa” - Phố chia sẻ.  

Hoài Nam