Cởi trói quy định tính giảng viên để xác định chỉ tiêu tuyển sinh?
(Dân trí) - Tại hội nghị tổng kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ về thí điểm tự chủ ĐH. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, nếu các trường cam kết không tăng chỉ tiêu thì Bộ hoàn toàn ủng hộ, khuyến khích các trường mời nhiều giảng viên thỉnh giảng để nâng cao chất lượng giảng dạy. Chỉ sợ các trường nâng giảng viên thỉnh giảng lên rồi lại đòi mở rộng quy mô đào tạo.
Tại hội nghị tổng kết 1 năm thực hiện Nghị quyết 77/NQ-CP của Chính phủ về thí điểm tự chủ ĐH, từ những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị lãnh đạo các trường ĐH, các bộ ngành cởi mở, thẳng thắn trao đổi, làm rõ nguyên nhân và có giải pháp cụ thể để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thí điểm tự chủ ĐH 1 năm vừa qua.
“Tôi đề nghị các trường, các bộ không nêu chung chung mà giải quyết cụ thể từng kiến nghị”, Phó Thủ tướng nói.
Tại sao không quản nổi giảng viên thỉnh giảng?
Một trong những vấn đề mà 13 trường đại học thực hiện thí điểm tự chủ đổi mới cơ chế hoạt động có ý kiến đề nghị xem xét, nghiên cứu áp dụng tỷ lệ nhất định đối với đội ngũ giảng viên thỉnh giảng/sinh viên để làm căn cứ xác định chỉ tiêu tuyển sinh vì đội ngũ này đóng góp rất nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong quá trình giảng dạy.
Các trường cho rằng nếu áp dụng "đúng quy định", nhiều đơn vị không thể mở ngành, xác định chỉ tiêu vì không có đủ số giảng viên và đúng chuyên ngành của giảng viên cơ hữu theo các trình độ quy định là giáo sư, phó giáo sư hay tiến sĩ.
Lãnh đạo Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, trong Đề án tự chủ của trường, quy định về giảng viên để xác định chỉ tiêu tuyển sinh, Học viện có đề xuất trái với Thông tư 32 ở chỗ: "Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh được tính trên cơ sở số giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học". Bởi theo quyết định 873 thì Học viện được tự chủ "xác định chỉ tiêu tuyển sinh" nên đề nghị được tính cả các nguồn giảng viên khác nhau tham gia vào giảng dạy ổn định tại Học viện, trong đó phần lớn là giảng viên trình độ cao của Học viện đã nghỉ hưu nhưng vẫn giảng dạy cho Học viện và cán bộ nghiên cứu của Học viện đang tham gia giảng dạy.
Tại hội nghị, đại diện trường ĐH RMIT cho biết, hiện trường đang làm hồ sơ mở ngành thạc sĩ mới. Theo Thông tư 38 yêu cầu số lượng về giảng viên viên cơ hữu thì nhà trường chưa có. Tuy nhiên, nhà trường có lợi thế là đưa giảng viên ở Úc về.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt ngay câu hỏi với Bộ GD-ĐT, tại sao họ “lách” được mà chúng ta lại làm khó cho các trường trong nước?
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga giãi bày, ở các nước trên thế giới, các trường đại học đều phải tính đến giảng viên thỉnh giảng. Giảng viên thỉnh giảng và cơ hữu số lượng bằng nhau 50 – 50. Các doanh nhân, người có chức danh xã hội đều có thể tham gia giảng dạy.
Còn ở Việt Nam giảng viên thỉnh giảng rất khó vì thực tế 1 giáo viên dạy đến 10 trường. Nếu để cho các trường tính cả giảng viên thỉnh giảng thì các trường sẽ ồ ạt tăng số lượng, mở rộng quy mô, bộ không quản nổi, khó kiểm soát được chất lượng đào tạo của các trường. Vậy nên, khi mở ngành Bộ chỉ tính đến giáo viên cơ hữu với yêu cầu cao.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt tiếp câu hỏi, ở nước ngoài cũng phân biệt giáo viên cơ hữu và thỉnh giảng nhưng không phân biệt tỷ lệ. Tại sao họ không quản mà mình lại quản? Ở Việt Nam có bao nhiêu giáo viên thỉnh giảng tại sao Bộ không quản nổi giảng viên thỉnh giảng? vậy quản cái gì? Việc sử dụng giảng viên thỉnh giảng không vướng luật, không vướng nghị định mà chỉ vướng ở Bộ - Phó Thủ tướng nói.
Đáp lời câu hỏi trên của Phó Thủ tướng, Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho hay, giáo viên thỉnh giảng làm nhiều vị trí khác nhau từ doanh nghiệp, từ người về hưu, từ nhiều trường. Nếu tính cả giảng viên thỉnh giảng sẽ ảnh hưởng đến chất lượng.
Phó Thủ tướng truy tiếp, tại sao Bộ không cho các trường tăng quy mô đại học?
Trả lời câu hỏi này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga, chúng ta đang thực hiện phân tầng, xếp hạng. Nếu cho tăng quy mô tuyển sinh sẽ khó kiểm soát chất lượng.
Chia sẻ tại hội nghị ông Huỳnh Thành Đạt, Phó Giám đốc ĐHQG TP.HCM cho biết, chúng tôi quan tâm đến chất lượng, uy tín. Chúng tôi có lộ trình điều chỉnh quy mô tuyển sinh, quy mô đào tạo theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ quy định. Tính trung bình toàn hệ thống 20 SV/giảng viên. Sắp tới chúng tôi sẽ giảm quy mô tuyển sinh xuống.
Ông Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay, tỷ lệ sinh viên/giảng viên của ĐH QGHN là 14 - 16. Mấy năm trở lại đây, năm chúng tôi chỉ tuyển 6.000 chỉ tiêu. Nếu tính theo công thức của Bộ, chúng tôi có thể tuyển tới hơn 30.000 sinh viên.
Đồng loạt cam kết không tăng chỉ tiêu
Phó Thủ tướng đặt câu hỏi với các trường, nếu tháo quy định về giảng viên cơ hữu, các trường có ồ ạt tận dụng để tăng quy mô đào tạo không?
Hầu hết các trường thực hiện thí điểm tự chủ có mặt tại hội nghị đều giơ tay cam kết giữ ổn định chỉ tiêu, không tăng chỉ tiêu quá 10% để tăng chất lượng đào tạo.
Hiệu trưởng Học viện Nông nghiệp VN cho biết, Học viện cam kết giữ nguyên chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm ổn định như đã đề xuất với Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, cho phép trường được mời giảng viên người nước ngoài tham gia giảng dạy tại Học viện mà không phải tuân theo quy định hiện hành về cán bộ thỉnh giảng; Được mời cán bộ quản lý và doanh nhân về giảng dạy chuyên đề mà không phải tuân theo quy định hiện hành về cán bộ thỉnh giảng; Được mời cán bộ quản lý và doanh nhân về giảng dạy chuyên đề mà không phải tuân theo quy định hiện hành về cán bộ thỉnh giảng…
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh đã giao cho các trường tự chủ thì nên tháo gỡ quy định giảng viên cơ hữu, thỉnh giảng. Các trường cam kết không tăng quy mô thì vấn đề giáo viên cơ hữu và giáo viên thỉnh giảng không phải vấn đề gì. Tuy nhiên, các trường phải công khai giảng viên thỉnh giảng. Bộ GD-ĐT tăng cường quản lý bằng cách tăng cường kiểm định, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý đội ngũ giảng viên, các trường phải cập nhật đầy đủ thông tin về giảng viên.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, nếu các trường cam kết không tăng chỉ tiêu thì Bộ hoàn toàn ủng hộ, khuyến khích các trường mời nhiều giảng viên thỉnh giảng để nâng cao chất lượng giảng dạy. Chỉ sợ các trường nâng giảng viên thỉnh giảng lên rồi lại đòi mở rộng quy mô đào tạo.
Hồng Hạnh