Đắk Lắk:
Cô trò phố núi chung tay bảo tồn lan rừng
(Dân trí) - Trước thực trạng lan rừng đang bị khai thác tận diệt và buôn bán tràn lan tại Tây Nguyên, cô trò trường THPT Lê Quý Đôn (TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) đã cùng nhau nghiên cứu để nhân giống bảo tồn lan rừng.
Lan rừng được ươm mầm trong ống nghiệm
Mới đây tại Ngày hội Khởi nghiệp tỉnh Đắk Lắk năm 2019, mô hình nhân giống lan rừng Hoảng thảo Giả hạc Easo và chăm sóc cây lan con ghép trên gốc cây cà phê già cỗi của cô trò trường THPT Lê Quý Đôn (TP. Buôn Ma Thuột) nổi bật giữa hàng chục gian hàng khởi nghiệp thu hút đông lượng người đến tham quan và tìm hiểu muốn đầu tư phát triển mô hình này.
Mô hình này là ý tưởng của em Trần Quốc Cường và em Hồ Trúc Linh - học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn. Cả hai em đều có tình yêu, niềm đam mê với lan rừng và đều lo sợ những loại lan rừng có giá trị thẩm mỹ, dược liệu sẽ bị mai một trước nạn khai thác rầm rộ hiện nay.
Ngay sau khi có ý tưởng, em Cường và Linh đã trình bày với cô giáo Nguyễn Thị Xuân Hương - Phó Hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn và ngay lập tức được cô giáo gật đầu. Cả 3 cô trò đã bắt tay vào mày mò nghiên cứu dự án “Nghiên cứu phương pháp nhân giống in vitro và chăm sóc cây con ex vitro của loại lan rừng Hoàng lan Giả hạc Easo ghép trên gốc cây cà phê già cỗi”.
Cô Hương cho biết, hiện nay diện tích rừng tự nhiên giảm mạnh, khai thác buôn bán tràn lan dẫn đến những loại lan có giá trị cao về khoa học và dược liệu như Hoàng Thảo, Kim Tuyến, Địa Lan… có nguy cơ tuyệt chủng nên việc nhân giống lan rừng sẽ góp phần giúp xây dựng vườn lan rừng để bảo tồn nguồn gen quý của Tây Nguyên.
Để thực hiện, cả 3 cô trò đã nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến quy trình nhân giống in vitro hoa lan từ hạt; đánh giá khả năng sinh trưởng và phát triển của cây lan con trong giai đoạn ex vitro và dày công nghiên cứu ở phòng thí nghiệm của Trường Đại học Tây Nguyên suốt 6 tháng ròng.
“Việc nhân giống bằng thân cây lan là phương pháp truyền thống dễ thực hiện nhưng điểm trừ của nó là việc các cây con dễ chết và nhiễm bệnh nên chúng em đã quyết định nhân giống hạt lan trong ống nghiệm để có thể cùng lúc cho ra nhiều mầm sống”, em Cường tâm sự.
Để cho ra những mầm lan, quy trình chọn lựa được tiến hành khá công phu từ chọn quả, khử trùng, theo dõi sự nảy mầm, nghiên cứu sự sinh trưởng của cây con được nuôi trong nhà lưới dưới điều kiện che sáng 50% .
Kết quả không phụ cô trò khi qua nhiều lần thử nghiệm, những hạt lan nhỏ bé đã nảy mầm mơn mởn trong ống nghiệm.“Thấy sản phẩm đầu tiên đang đâm nhựa sống, cô trò chúng em reo lên vì sung sướng và thích thú”, Cường nhớ lại.
Sau khi hạt lan đâm mầm, khó khăn nhất là việc chuyển từ môi trường bình nuôi cấy sang giai đoạn vườn ươm vì tỷ lệ cây sống thấp và cây con phát triển không đồng đều nhưng với sự quyết tâm, nhóm đã nảy ra ý tưởng sẽ đính lan trên những gốc cà phê cỗi để lan phát triển và những cây cà phê có dáng rất đẹp cũng sẽ tạo cho loài lan nét đẹp đặc trưng.
Sẽ phát triển mạnh mẽ mô hình nhân giống lan rừng
Sản phẩm của ba cô trò đã tham dự cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật các cấp dành cho học sinh trung học năm học 2018 - 2019. Kết quả, dự án "Nghiên cứu phương pháp nhân giống in vitro và chăm sóc cây con ex vitro của loại lan rừng Giả hạc Easo ghép trên gốc cây cà phê già cỗi" vinh dự nhận giải của hai nhà tài trợ tại cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp quốc gia được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.
Cô Xuân Hương chia sẻ, hiện tại em Trúc Linh đã đi du học, mô hình lan rừng được em Quốc Cường vẫn tiếp tục duy trì nhưng do hiện em đang học lớp 12 nên đang phát triển cầm chừng và hướng dẫn lại cho các học sinh khóa sau của trường tiếp quản mô hình này.
“Mong ước của chúng tôi đó là những loài lan rừng được nhân giống sẽ được nuôi và phát triển rộng rãi tại các khu du lịch, các khu sinh thái của tỉnh Đắk Lắk. Để khi tới Đắk Lắk, du khách được chiêm ngưỡng, được biết ngay đến các loại lan rừng. Đây là một loài hoa đặc trưng của mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng gió này”, cô Xuân Hương ấp ủ.
Được biết, mô hình nhân giống lan rừng của cô trò trường THPT Lê Quý Đôn đang được rất nhiều cá nhân, đơn vị chú ý và mong muốn hợp tác phát triển. Cô trò cũng đang cân nhắc để tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp phát triển hơn nữa mô hình này, bên cạnh vấn đề bảo tồn lan còn có thể mang lại thu nhập đáng kể cho các học sinh đang theo học tại trường khi bắt tay vào nghiên cứu.
Thúy Diễm