Cô “thủ lĩnh trẻ” và những chuyến “công du” đáng nhớ
Trần Khánh Trang (năm thứ hai, trường ĐH Anh Quốc Việt Nam) đã tham dự nhiều chương trình hoạt động xã hội về quyền con người, bình đẳng giới, văn hóa… ở nhiều quốc gia trên thế giới: Na Uy, Mỹ, Lào, Singapore… Đặc biệt, cô từng vinh dự hai lần được gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama.
“Thủ lĩnh trẻ”
Đam mê hoạt động xã hội và được truyền cảm hứng từ những anh chị đi trước, từ khi còn học phổ thông, Khánh Trang đã tham gia nhiều dự án về môi trường, giáo dục, như: Dự án “Ngôi làng ấm áp”, dạy các em nhỏ ở bãi giữa sông Hồng về biến đổi khí hậu…
Biết đến chương trình “Sáng kiến Thủ lĩnh trẻ Đông Nam Á” (YSEALI – Young Southeast Asian Leaders Initiative) từ THPT nhưng Trang đã phải “nuôi mục tiêu” đến tận khi học đại học mới đủ tiêu chuẩn ứng tuyển. Khi trở thành một trong 14 sinh viên Việt Nam hai lần giành tài trợ 100% tới Mỹ và Lào trong khuôn khổ chương trình YSEALI, Trang đã có cơ hội được học về nhân quyền, đạo đức, kỹ năng lãnh đạo, xây dựng hòa bình trong 5 tuần, tại trường Kennesaw ở Mỹ.
Tại đây, theo sự sắp xếp của chương trình, Khánh Trang đã được tới thăm Thủ đô Washington DC một tuần, thăm Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ, tượng đài Washington, tượng đài Lincohn và rất nhiều tòa nhà, bảo tàng danh tiếng khác.
Trải nghiệm của những lần đầu tiên
Tháng 2/2017, Trang được tham dự “ISFiT” – Hội nghị Sinh viên lớn nhất thế giới, được tổ chức 2 năm/lần, tại thành phố Trondheim, Na Uy. Hội nghị sự góp mặt của hơn 450 sinh viên xuất sắc trong các lĩnh vực, đặc biệt là các thủ lĩnh cộng đồng từ khắp nơi trên thế giới. Chủ đề của Hội nghị là: Sự phân biệt (Discrimination) – bàn luận về những phân biệt đối xử dựa trên dân tộc, màu da, giới tính, vùng miền.
Tại đây, Trang đã có cơ hội học hỏi thêm nhiều kiến thức, thông tin mới: 93 phụ nữ ở Ấn Độ bị cưỡng bức mỗi ngày; người da đen ở Mỹ có thu nhập thấp hơn 25% so với người da trắng; ở Iran, người phụ nữ bị đe dọa và nhiếc móc khi họ cởi khăn hijab, hay nhảy múa trước đám đông…
Với Trang, chuyến đi này là hành trình mang đến cho cô rất nhiều trải nghiệm “lần đầu tiên”. Ví dụ, tuyết rơi dày đặc ở -15 độ C, cùng học trượt tuyết với bạn bè tại Granasen, hay vào rừng Lian lúc nửa đêm.
“Tuy nhiên, điều khiến mình nhớ nhất và cũng băn khoăn nhất, chính là việc mình có thể uống trực tiếp từ các vòi nước công cộng, trong nhà tắm, vòi nước ở bồn rửa mặt, rửa bát… Ở phần lớn các nước châu Âu đều như vậy. Và sau này, khi đến Singapore, mình lại được uống nước như thế. Mình băn khoăn rất nhiều về nguồn nước tại Việt Nam, cụ thể là nơi mình sinh sống, phải lọc nhiều lần, đun sôi mới có thể uống được.
Mình cũng từng chứng kiến ở nhiều ký túc xá sinh viên, vòi nước đôi khi chảy ra cả cát, đất và… giun. Điều này làm mình rất buồn và mình nghĩ rằng, đây là một vấn đề cần sự chung tay của người trẻ để giải quyết: Mang lại một nguồn nước sạch cho người Việt.
Quan trọng hơn, mang đến cho tất cả mọi người nhận thức về việc sử dụng nguồn nước một cách tiết kiệm. Bởi dẫu là nước sạch hay chưa thì đa phần người Việt, đặc biệt tại thành phố lớn vẫn đang sử dụng nước vô cùng lãng phí, trong khi tại nhiều địa phương vùng sâu, vùng xa vẫn còn tình trạng thiếu nước sinh hoạt”.
Hãy bắt tay làm ngay khi có thểTrở về từ Hawaii, sau một tháng chuẩn bị “World Youth Congress 2017”, với vai trò là điều phối viên, Trang nói, cô ngưỡng mộ từ người quản lý dự án cho tới các tình nguyện viên 60 – 70 tuổi.
Trang xúc động nhất với câu nói của các bạn nơi đây: “Kể cả bạn chưa có gì, nếu bạn muốn đến với chúng tôi thì chúng tôi vẫn dang tay chào đón bạn!”. Trong suốt hành trình, Trang vô cùng ấn tượng với bác Mae – một quản lý người Nhật. Bác luôn mong kết nối những giá trị tinh thần ở Hawaii và luôn truyền cảm hứng cho những người trẻ.
Sau những câu chuyện chứng kiến được ở rất nhiềuquốc gia, Trang đã rút ra bài học “xương máu” cho bản thân và đó cũng là thông điệp giản dị mà cô gái này muốn gửi tới những người trẻ Việt: “Nếu bạn muốn làm gì, hãy làm ngay khi có thể và thực sự kiên trì với nó. Vì mãi không tập bơi, trải nghiệm của mình ở Hawaii như chỉ còn một nửa. Vì không học tiếng Đức chăm chỉ, nên khi đến Berlin, mình đã cảm thấy nuối tiếc cực kỳ…”.
Theo Lan Hương
Sinh viên Việt Nam