Cô thủ lĩnh “9 phẩy” mê truyện tranh

(Dân trí) - Vượt qua nhiều ứng viên của các trường thuộc loại “VIP” ở Hà Nội, Lê Diệu Linh - học sinh lớp 11A3 trường THPT Trần Hưng Đạo trở thành 1 trong <a href="http://dantri.com.vn/giaoduc-khuyenhoc/2007/3/171182.vip">10 gương mặt học sinh tiêu biểu nhất năm 2006-2007.</a> Linh là học sinh duy nhất của Hà Nội được nhận giải thưởng này.

Công tác Đoàn “ngấm” vào máu

Cô học trò bé nhỏ này đã có thâm niên hoạt động đoàn đội từ hồi mới học lớp 3. Khi lên lớp 10, Linh “trúng cử” làm Phó bí thư đoàn trường, kiêm Bí thư chi đoàn lớp 11A3. Tham gia công tác đoàn đội khá lâu đã rèn cho em khả năng thuyết trình rất nhanh nhạy và thuyết phục.  

Linh tâm sự, những hoạt động theo lối mòn thường tẻ nhạt và ít hiệu quả. Vì thế trong mỗi hoạt động ở trường lớp, em đều cố gắng tìm ra những phương pháp mới mẻ, sáng tạo hơn, hiệu quả hơn và thu hút được đông đảo học sinh tự nguyện tham gia.

Trong các hoạt động tuyên truyền an toàn giao thông, nói không với thuốc lá, các trường khác thì chủ yếu tổ chức nói chuyện cứng nhắc hoặc thi “chép” đáp án, còn Linh và các bạn trong Ban chấp hành lại làm theo cách hoàn toàn khác. Đó là lồng ghép tuyên truyền nhẹ nhàng vào các hoạt động biểu diễn thời trang, ca nhạc, toạ đàm, diễn kịch theo chủ đề. Mỗi hoạt động như vậy vừa vui vừa có ý nghĩa. 

Những bằng khen của Trung ương Đoàn mà Linh được nhận trong thời gian gần đây: 

 

- Giải thưởng Lý Tự Trọng năm học 2006-2007

- Bằng khen dành 10 gương mặt học sinh THPT tiêu biểu nhất 2006-2007

- Bằng khen của Trung ương Đoàn về thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn và Phong trào thanh niên

- Giải thưởng Nữ sinh Việt Nam...

Linh còn sáng tạo trong việc tổ chức thi làm báo tường giữa các chi đoàn; mỗi thứ 4, thứ 6 lại có buổi truyền thanh. Linh bảo, qua truyền thanh mọi người hiểu được tâm tư nguyện vọng của các bạn học sinh trong trường. Đó có thể là những tâm sự rất nhỏ, nhưng rất có ý nghĩa khi mọi người cùng san sẻ.

Hồi cấp 2, Linh cũng đã công tác hăng lắm rồi, nhưng hồi đó còn cứng nhắc nên chưa hiệu quả. Lên cấp 3, Linh bảo đã thay đổi nhiều, phải lắng nghe người khác nói để rút kinh nghiệm, hoà đồng, vui vẻ, bản thân phải tham gia trước khi muốn người khác cùng tham gia. Có lẽ vì thế mà mỗi khi Linh phát động phong trào gì là các bạn thi nhau tham gia.

9 phẩy vẫn… “ngố” 

Công tác Đoàn sôi nổi là thế, việc học hành của Linh cũng rất đáng nể, em luôn tự đề ra cho mình phương châm “vẫn phải học tập tốt, vẫn phải hoạt động tốt”. Từ lớp 1 đến giờ, điểm tổng kết lúc nào cũng trên 9 phẩy. Năm lớp 10 vừa qua, Linh đạt 9,6 trung bình tất cả các môn.  

Học lớp chọn Văn của trường, đạt giải nhì Olympic Văn học, nhưng điểm các môn tự nhiên của Linh luôn “choáng”. Học kỳ vừa rồi, môn toán của Linh đạt 9,8. Các môn khác Linh khiêm tốn bảo “cũng bình thường”, nhưng luôn trên 9 phẩy.

Từ nhỏ, Linh đã rất ngưỡng mộ bố của mình về tinh thần học tập, em nhớ mãi câu nói của ông khi cô con gái rượu mới học cấp 1 cứ đòi đi chơi: “Học làm sao mà xong được, bố học mãi mà giờ đã xong đâu”. Nhớ lại, Linh thấy buồn cười vì khi ấy em còn nhỏ quá, nhưng giờ ngẫm lại thấy sao mà sâu sắc thế. Đấy cũng là động lực để em luôn phấn đấu trong học tập.  

Bên cạch các công tác đoàn, Linh dành phần lớn thời gian vào việc tự học ở nhà. Linh không đi học thêm, chủ yếu học ở trường và tự học ở nhà là chính. Với lực học của Linh, em thừa sức thi đỗ vào các trường cấp 3 thuộc “top trên”, nhưng do gầy gò nhỏ bé, nên em quyết định học “trường làng” gần nhà cho đảm bảo sức khoẻ. Nhưng không vì thế mà Linh chủ quan, em luôn có điểm tổng kết cao nhất trường. 

Lúc nào cũng chúi đầu vào việc học, nhưng Linh cũng có khá nhiều tài lẻ “cầm kỳ thi họa mỗi thứ biết một tí”: chơi đàn organ, vẽ tranh, chơi cờ vua, hát cũng khá hay. Nhưng Linh thích nhất đọc truyện tranh Nhật Bản. Linh thấy mình giống cô chị Tatami trong truyện “Asari tinh nghịch” ở chỗ “đanh đá, hay chất vấn cô em, học cũng rất khá, nhưng hơi ngố ngố”.

Có lẽ mê truyện tranh quá, nên Linh đã mua sách vở và tự học tiếng Nhật “trước hết để thoả mãn mình đã, sau này vào trường đại học được học chính quy sẽ tốt hơn”. Linh còn thích tiếng Nhật bởi khâm phục những thành tựu khoa học công nghệ và tính kỷ luật rất cao của đất nước và con người Nhật Bản. Sau này Linh sẽ thi vào khoa Nhật trường ĐH Ngoại ngữ.

Thanh Huyền