Dự thảo Quy định dạy thêm, học thêm của Bộ GD-ĐT:

Có thoát được “cấm” trên văn bản, “chui” trong cuộc sống?

Bộ GD-ĐT vừa ban hành dự thảo quy định dạy thêm, học thêm (DTHT), nhằm siết lại “vấn nạn” này đã gây bức xúc trong xã hội vài thập kỷ qua. Dù Bộ GDĐT đã đề ra nhiều biện pháp để quản, nhưng vẫn không hiệu quả.

Liệu lần này, dự thảo quy định DTHT có là hành lang pháp lý để Bộ GD-ĐT lập lại trật tự về DTHT trong xã hội mà áp lực thi cử còn quá nặng nề?

Có cung ắt có cầu

Hiện nay không ít trường công lập (cả ba cấp) đang tồn tại một thực tế, giáo viên các môn chính (văn, toán, lý, hóa, tiếng Anh) đã mở lớp học thêm, thuê địa điểm dạy và HS học thêm là HS đang học do chính GV đó dạy.

Có thoát được “cấm” trên văn bản, “chui” trong cuộc sống?  - 1
Các cháu mẫu giáo cũng phải học thêm.

Theo phản ánh của nhiều phụ huynh (PH), nếu không cho con em học thêm do lớp cô dạy, điểm kiểm tra thường thấp vì đề bài nằm trong nội dung dạy thêm.

Nhiều HS lo sợ bị điểm thấp, nhất là HS bậc THCS vì kết quả 4 năm học là điểm xét tuyển rất quan trọng để tuyển sinh vào lớp 10, nếu trong bốn năm học mà có một hoặc hai năm không đạt HS tiên tiến thì “gánh nặng” sẽ phải dồn sang điểm thi mới có thể trúng tuyển vào trường tốp trung bình. Vì thế HS bậc THCS hầu hết không thể không học thêm các lớp do cô giáo các bộ môn đó dạy.

Theo phản ánh của PH trường THCS Đ.Đ (Hà Nội), một tuần các cháu HS phải học thêm bốn buổi, nhiều PH quay quắt trong việc đưa đón con trong việc học hành. Chị Kim Thoa (Xã Đàn, Hà Nội) cho hay, vừa qua con chị thi đỗ vào Trường THPT Kim Liên nhờ luyện thi ở một “lò” tận Hà Đông, thấy thầy giáo dạy tốt giúp cháu đỗ vào lớp 10 nên mỗi tuần chị vẫn cho cháu theo học lò của thầy 5 buổi, mỗi buổi học hai tiết.

Do nhà xa nên trong khi con học, chị không dám về nhà mà phải vật vờ ngoài quán nước để chờ. Chị sợ nếu không học thì cháu khó lòng thi được vào đại học.

HS chuẩn bị vào lớp 1 cũng bị bố mẹ “ép” học thêm để bước vào lớp 1 là đọc thông, tính thạo. Có nghĩa là HS phải học thêm suốt 12 năm học. Thời gian học thêm ngang bằng thời gian học chính khóa. Học thêm để củng cố và nâng cao kiến thức...Với rất nhiều lý do cho việc DTHT và được đẩy mạnh bởi “nỗ lực” từ hai phía là PHHS và GV, nên HS chỉ là đối tượng “bắt buộc” phải thi hành.

Theo nhà giáo Lê Sĩ Tứ - nguyên GV Trường THPH Trần Phú (Hà Nội) thì có cung ắt có cầu, trong khi việc học tập ở nước ta vẫn còn nặng về thi cử. Áp lực thi cử quá lớn, áp lực phải vào bằng được đại học càng dẫn đến việc phải học thêm. HS có nhu cầu thì GV sẽ đáp ứng. Theo quan điểm của nhà giáo Ngô Nguyệt Nga (nguyên GV Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền - TPHCM) thì không thể cấm được việc DTHT, nhưng cần quản thế nào cho hiệu quả.

Tránh tình trạng cấm trên văn bản dẫn đến tình trạng “chui” trong cuộc sống. Lành mạnh trong DTHT chính là lương tâm của các thầy cô giáo. PHHS cũng cần xác định rõ mục đích của việc học thêm của con em mình. Tâm lý PHHS đều muốn con cái mình “thật giỏi” và không thua kém bạn bè, nên đã “ép” con cái phải học thêm bằng mọi giá.

Liệu có quản được?

Trong dự thảo, Bộ GD-ĐT nêu rõ: Dạy thêm, học thêm là hoạt động dạy học phụ thêm, nội dung theo chương trình GDPT, nhưng ngoài chương trình do bộ ban hành. Việc tổ chức DTHT được Bộ GD-ĐT xác định như một tổ chức kinh doanh, nghĩa là phải đăng ký, được cấp giấy phép, phải đóng thuế...

Tuy nhiên, việc dự thảo đưa quy định đối tượng học thêm phải là người có nhu cầu, tự nguyện và được gia đình người học đồng ý; tổ chức, cá nhân dạy thêm không được ép buộc HS học thêm dưới bất kỳ hình thức nào, xem ra còn mang nặng hình thức, bởi khi thầy cô giáo tổ chức dạy thêm và có thông báo với HS, đố HS nào lại không đăng ký tự nguyện học để khỏi bị thầy, cô “trù”.

Nhiều HS đành phải chiều lòng thầy cô bằng cách đăng ký học cho có mặt, nhưng để “nâng cao kiến thức” thì phải tìm đến “lò” của các thầy, cô có uy tín.

Quy định học thêm đối với bậc tiểu học đã bộc lộ kẽ hở để lách khi dự thảo quy định: Không dạy thêm cho HS tiểu học, trừ trường hợp: Nhận quản lý HS ngoài giờ theo yêu cầu của gia đình. Vậy cần hiểu “quản lý” như thế nào cho đúng nghĩa Với 22 điều trong dự thảo và liệu rằng việc DTHT có nằm trong tầm quản lý của cơ quan chức năng để việc chấn chỉnh DTHT đạt được hiệu quả như mong muốn?

Theo Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm