Cô sinh viên lớn lên từ khu “ổ chuột”
(Dân trí) - Tại một khu dân cư nghèo thuộc tổ 11 - Khu vực 1- Phường Phú Bình-TP Huế với 113 hộ trên 500 nhân khẩu đã có duy nhất một người học Cao Đẳng. Đó là em Cao Thị Thúy Hằng lớp Quản trị mạng - k30 - Trường CĐSP Huế.
Không quá khó khăn khi tôi hỏi tìm Hằng. Ở đây từ trẻ con đến người già ai cũng biết Hằng một cô bé con nhà nghèo, chăm ngoan, học giỏi.
Trong cảnh nghèo
Sinh ra và lớn lên tại một khu dân cư nghèo nàn, tuổi thơ của Hằng sống quen với những căn nhà xiêu vẹo, bốn bề là những thứ vật liệu thô sơ được dựng lên bởi những tấm nứa, tấm tôn, gắn vào những cột tre, sắt đã mục nát, hoen rỉ. Cuộc sống mưu sinh vất vả, con cái thì đông đúc không được học hành đến nơi đến chốn. Nạn thất học, hiện tượng mù chữ trở nên quá đỗi bình thường nơi đây.
Bố mất sớm khi Hằng mới 10 tuổi, một mình mẹ nuôi năm anh em khôn lớn và trưởng thành là cả một quá trình vất vả, đánh đổi bằng những đêm dài thức trắng buôn cá chở lên vùng A Lưới, Lao Bảo… để kiếm từng đồng tiền nuôi con.
Mấy anh, chị của Hằng đều học đến lớp 9 lớp 10 rồi lần lượt bỏ học đi làm thuê kiếm tiền, chỉ một mình Hằng là con út trong gia đình được học hành đến nơi đến chốn.
Thương má, biết hoàn cảnh gia đình còn khó khăn nên Hằng quyết tâm học thật tốt để sau này có một nghề nghiệp ổn định không phải suốt ngày lăn lộn vất vả ngoài chợ.
Thành tích của Hằng thật đáng nể, trong suốt những năm học cấp 1 đến cấp 3 Hằng đều là học sinh tiên tiến nhất là bốn năm cấp 2 đều đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. “Đã gần 20 năm nay em quen sống và ngủ một mình rồi. Đêm nào má và anh chị cũng đi chở cá đến tận tới sáng mới về. Về đến nhà thì em đã đi học. Vì thế em luôn tạo cho mình một cuộc sống tự lập, biết chăm sóc bản thân và nhất là phải cố gắng học thật tốt để má yên lòng”, Hằng nói.
Sinh năm 1988 nhưng Hằng nhìn rất người lớn từ cách ăn nói, suy nghĩ “Cuộc sống nơi đây khổ lắm! con cái thì đông đúc, kiếm sống chủ yếu bằng nghề bốc vác, xe thồ, buôn bán hàng vặt ngoài chợ ăn không đủ ăn nói gì đến đi học. Gia đình nào cố gắng lắm thì con cái cũng học hết cấp 2. Nhìn vào đó nên em chỉ biết có cách là cố gắng học thật tốt mà thôi”, Hằng tâm sự.
Ước mơ thành hiện thực
Kỳ thi CĐ -ĐH 2006, Hằng trúng tuyển ngành Quản trị mạng với số điểm 19 so với mức điểm chuẩn là 16. “Em vui đến run cả người, không nói được lời nào, chỉ có nước mắt tuôn chảy. Hạnh phúc quá! Vậy là ước mơ của em đã thành hiện thực, vậy là ở tổ 11 này, em là người duy nhất trong đậu CĐ”, Hằng không giấu được sự vui sướng.
“Niềm vui hòa lẫn nỗi buồn. Vui vì ước mơ của em đã thành hiện thực nhưng lại thương má, má đã khổ giờ lại khổ hơn. Hôm đó em đã ôm má mà khóc: “Nhà ta nghèo giờ con lại đi học nữa thì phải làm sao hả má?” Nhưng má lại động viên em. Má chỉ cần con học thật tốt, chẳng lẽ bao nhiêu năm rồi giờ lại không nuôi con ăn học nổi sao?”.
Vậy là Hằng lại có niềm tin và cố gắng hơn. Thấy mẹ một mình lăn lội giữa đêm khuya nên có nhiều đêm Hằng đã xin đi cùng mẹ. Rồi mới thấy được nỗi vất vả mà mẹ phải chịu đựng, nên trong hai năm học em luôn cố gắng để má được vui. “Giờ em chỉ còn một năm nữa là ra trường nhưng em chỉ mong sao sẽ tìm được một công việc ổn định và phù hợp với chuyên ngành của mình phần nào đó giảm gánh nặng cho má”, Hằng nói.
Mọi người trong khu dân cư khi đến Hằng ai cũng dành những lời khen gợi “Con bé chăm chỉ và học giỏi lắm. Ngoài buổi đến lớp, nó còn giúp má nó đi đưa cá rồi còn đi dạy kèm cho mấy đứa con em trong xóm nữa chứ. Những đứa tre trong xóm quý Hằng lắm, hễ có bài toán nào khó in như rằng chạy đến nhờ chị Hằng giải giùm. "Hằng là tấm gương sáng cho con cái chúng tôi và cả tổ 11 này", ông Nguyễn Văn Đối tổ trưởng khu dân cư nói.
Lúc tôi chào ra về thì Hằng còn nói thêm “Quên mất chị ạ! vừa rồi em đã nhận được một suất học bổng từ dự án từ thiện của UB tỉnh dành cho con em gia đình nghèo khó học giỏi với 500.000 đ đó”.
Trương Hoa