Cô sinh viên Bách Khoa biết “hoá” áp lực thành động lực
Xinh đẹp, năng động và nhiều tài lẻ, cô sinh viên 21 tuổi Phạm Vân Anh khiến nhiều người vừa khâm phục, vừa “ghen tị” khi vừa là “bà chủ” của một Thẩm mỹ viện có tiếng tại Quảng Ninh, vừa là Chủ nhiệm của HULS (Câu lạc bộ Năng suất - Chất lượng Bách Khoa) và Quản lý Dự án (Project Manager - PM) Dự án đào tạo nhân lực R&D, đồng thời “dắt lưng” nhiều giải thưởng nghiên cứu khoa học các cấp.
Duyên may và sự lựa chọn
Là con gái, nhưng do ảnh hưởng từ người cậu, Vân Anh thích Bách Khoa từ năm học lớp 2 và chưa bao giờ từ bỏ mục tiêu. Tuy nhiên, việc từ bé đã tiếp xúc với công việc kinh doanh của bố mẹ khiến cô bé yêu thích kinh tế vô cùng khó khăn trong việc lựa chọn trường đại học cho mình. Học kỹ thuật tại Bách Khoa hay học Kinh tế tại một ngôi trường không phải trong mơ ước?
Nhờ cậu giới thiệu và tư vấn, Vân Anh quyết định lựa chọn học ngành Quản trị Kinh doanh thuộc chương trình hợp tác giữa ĐH Bách Khoa Hà Nội và ĐH Troy, Hoa Kỳ. Vân Anh đùa, rằng “một mũi tên trúng hai, ba đích”, nghĩa là vừa được học kiến thức về ngành kinh tế yêu thích, vừa được tiếp cận với các thầy, cô, bạn bè học kỹ thuật, lại còn “lãi” khoản nâng cao trình độ tiếng Anh do phải học các môn hoàn toàn bằng ngoại ngữ. Quả thật, lựa chọn ấy đã giúp Vân Anh, từ một cô bé sợ tiếng Anh, nay đã đạt được IELTS 5.5, điểm GPA lúc nào cũng ngất ngưởng 3.54/4.
“Thêm vào đó, sinh viên TROY rất tự tin, chuyên nghiệp và tài năng. Các bạn làm việc nhóm và thuyết trình bằng tiếng Anh rất ấn tượng và tự tin. Mỗi bài tập lớp đều được các bạn thực hiện sáng tạo, trình bày hóm hỉnh, dễ hiểu, có khi thì bằng kịch, có khi lại bằng clip, vlog, hoặc mô phỏng talkshow... Hầu hết các bạn đều có những năng khiếu riêng, có bạn biết chơi violon, có bạn thì thổi harmonica, có bạn rất giỏi võ, bạn thì chơi bóng rổ, nhiều bạn thì lại có tài kinh doanh, mở shop,...Vì may mắn được học tập và sinh hoạt trong một môi trường “áp lực” , toàn các bạn đa tài thế, nên em cũng biết làm thơ và vẽ. Cho đến giờ, em và bố mẹ vẫn luôn tự hào rằng, lựa chọn trường của em là hoàn toàn đúng đắn, và cơ duyên đến với Bách Khoa thật tuyệt vời.” - Vân Anh vui vẻ nói.
Quyết tâm viết tiếp ước mơ của mẹ
Vân Anh kể: “Từ ngày bé cỏn con xách từng vài chục xô nước gội đầu cho khách mỗi ngày phụ mẹ kiếm tiền, em hiểu những nhọc nhằn của mẹ. Ngoài việc có một cái nghề “chắc dạ” để kiếm cơm nuôi con, mẹ thiếu đủ thứ: không tích luỹ, không quan hệ, không kiến thức kinh doanh...Còn bố, khi cơ chế thay đổi, công việc cũ không còn phù hợp với độ tuổi và sức khoẻ, bố em cũng xin nghỉ việc, về làm cùng với mẹ. Em thấy mẹ thiệt thòi, bố thì vất vả, nên mới nghĩ, sao không làm một điều gì đó lớn lao hơn để đôi bàn tay khéo léo của mẹ có cơ hội phát huy hơn nữa và bố thì bớt lăn lộn hơn với cuộc đời? Với niềm yêu thích và những hiểu biết còn rất hạn chế về kinh doanh của một cô sinh viên năm nhất, em tự mày mò lên kế hoạch, lập quy trình, dự kiến hoạt động, thu-chi,... và giúp bố mẹ mở một Thẩm mỹ viện tương đối quy mô tại nhà.
Công việc và học tập tương hỗ lẫn nhau, dù hơi “căng” trong việc bố trí và sắp xếp thời gian, nhưng em “được” nhiều hơn. Việc học tập tại một chương trình chuẩn quốc tế như Chương trình Troy tại ĐH Bách Khoa Hà Nội giúp em có thêm nhiều kiến thức mới mẻ. Bên cạnh chuyên môn, em được học thêm nhiều kỹ năng mềm phong phú, như: Kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm, thậm chí tập làm kinh doanh... Đây cũng chính là điểm mới thú vị của TROY so với các chương trình đào tạo truyền thống tại Việt Nam.
“Sinh viên bọn em không chỉ được tiếp nhận các kiến thức chuyên ngành, như: Kế toán, Quản trị Chiến lược, Marketing,...,chúng em còn được học cả các môn về Cảm thụ âm nhạc, Mỹ thuật thường thức, Lịch sử thế giới, Hội hoạ,...Đối với các sinh viên ước mơ trở thành “giám đốc tương lai” như bọn em, việc hiểu biết đa chiều, đa lĩnh vực như vậy sẽ hỗ trợ nhiều trong công việc.” Vân Anh chia sẻ. “Ngược lại, việc kinh doanh tại gia đình giúp em có những trải nghiệm thực tế về giao tiếp xã hội, tư vấn và chăm sóc khách hàng, cân đối tài chính... Đặc biệt, nó giúp em kiếm ra tiền. Áp lực doanh thu trở thành động lực thúc đẩy em phải làm việc chăm chỉ hơn và tốt hơn nữa.”
Sau bao cố gắng, cuối cùng thì giấc mơ của mẹ em cũng trở thành hiện thực. Hiện tại, Thẩm mỹ viện của gia đình em đã có thương hiệu được đăng ký bản quyền của Cục sở hữu Trí tuệ hẳn hoi, danh sách khách hàng thì cứ ngày một dài. Đây cũng có thể coi là “dự án khởi nghiệp thành công đầu đời” của em”.
Có duyên với giải thưởng
Mối duyên với Bách khoa đã đưa Vân Anh đến với nhiều “cuộc gặp gỡ đẹp” khác, thăng hoa nhất là “cuộc gặp gỡ với khoa học”. Vân Anh vui vẻ khoe đề tài “Giải pháp Nông nghiệp thông minh Hachi” của nhóm em vừa được Thung lũng Silicon Việt Nam (Vietnam Silicon Valley - VSA) “định giá” 100.000$. Bên cạnh đó, đội trưởng của nhóm còn được mời sang Singapore theo học khoá đào tạo Khởi nghiệp (Start-up). Năm 2015, đề tài này cũng đã tham gia Cuộc thi Khởi nghiệp Sáng tạo Việt Đức do Viện Đào tạo Quốc tế, trường ĐH Bách Khoa Hà Nội phối hợp với ĐH Leipzig, CHLB Đức tổ chức và giành giải Nhất.
Vân Anh tâm sự: “Em làm nghiên cứu khoa học, một phần vì thích, một phần vì ngưỡng mộ các bạn sinh viên Bách Khoa, ngưỡng mộ các thầy kỹ sư cơ khí. Mỗi lần tham gia vào các nhóm nghiên cứu, em cung cấp cho nhóm góc nhìn kinh tế để các sản phẩm nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng và thiết thực hơn. Trước đó, em cũng đã từng nghiên cứu tìm thị trường cho máy cấy do các bạn sinh viên Bách Khoa chế tạo. Mỗi dịp như thế, em lại có cơ hội chủ động học hỏi, nghiên cứu về những lĩnh vực khác nhau, có thêm nhiều kiến thức mới, kết thêm nhiều bạn mới, rèn luyện khả năng làm việc nhóm, tư duy logic và giải quyết công việc đa chiều, kín kẽ.”
Được biết, tháng 6/2016 vừa qua, Vân Anh cùng một nhóm sinh viên ĐH Bách Khoa Hà Nội đã cùng thực hiện đề tài "Sử dụng vật liệu làm từ nhớt cây xương rồng để lọc nước mưa". Đề tài cung cấp giải pháp toàn diện để lọc và dự trữ nước mưa bằng vật liệu làm từ nhớt cây xương rồng để tránh thiếu nước trong mùa khô cho các vùng Quảng Bình, Quảng Ngãi và một số tỉnh miền Trung Việt Nam, đồng thời giải quyết bài toán kinh tế cho người dân địa phương, thông qua việc trồng cây xương rồng như một cây công nghiệp, nhằm cung cấp nguyên liệu đầu vào cho nhà máy sản xuất vật liệu lọc nước làm từ nhớt cây xương rồng. Tại cuộc thi Giải pháp Thông minh về Nước SMART WATER INNOVATION CONTEST 2016 do Đại sứ quán Thụy Điển tổ chức trên quy mô toàn quốc, đề tài của bốn cô gái thuộc các lĩnh vực khác nhau: kỹ thuât môi trường, kỹ thuật y sinh và kinh tế được đánh giá cao và được trao giải Nhì.
Hiện tại, ngoài việc học tập tại Chương trình Troy, Vân Anh còn đảm nhiệm vai trò của một Sale Manager tại Thẩm mỹ viện gia đình, Chủ nhiệm của Câu lạc bộ Năng suất - Chất lượng Bách Khoa Quản PM của Dự án đào tạo nhân lực R&D. Công việc làm thêm này, theo lời em, giúp ích cho em rất nhiều trong học tập và nghiên cứu khoa học, đặc biệt, giúp em có cơ hội làm việc cùng những người kỹ sư cơ khí mà em ngưỡng mộ từ nhỏ. Chúc cho cô sinh viên năm thứ 3 năng động và nhiệt huyết đạt được ước mơ “làm việc tại tập đoàn Panasonic” như em từng chia sẻ.