Cô Phó hiệu trưởng với nỗi day dứt “con học chữ trước lớp 1”
(Dân trí) - Mùa hè trước khi vào lớp 1, cô gửi con đến nhà một giáo viên dạy giỏi có tiếng. Cháu bị cô mắng, quát dẫn đến khủng hoảng, sợ hãi, hội chứng sợ học đeo đẳng từ đó...
Trong bức thư "viết cho con trai thi rớt lớp 10" gây xúc động mới đây, cô Trần Thị Kim Hạnh, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Hùng Vương, Quận Hải Châu, Đà Nẵng tâm sự: "Con có những trải nghiệm đầu đời không hề tốt đẹp về việc học khiến con phải sợ hãi chuyện học, bị chứng sợ học do cú sốc tiền lớp 1".
Chia sẻ về câu chuyện này, cô Hạnh cho biết, sự việc liên quan đến một số người, e rằng có người sẽ tổn thương khi chưa sẵn sàng nhìn lại vấn đề. Cô nói ra không phải để trách móc ai, vì nếu trách... thì cô, một người mẹ, là người đáng trách nhất.
Cô chỉ mong, không ông bố bà mẹ nào lặp lại sai lầm như mình, không đứa trẻ nào phải gặp chuyện như con mình. Có những việc, chúng ta không bao giờ có cơ hội để chuộc lỗi, dù cố gắng tha thứ cho mình thế nào đi chăng nữa.
Hành trình đau đớn học tiền lớp 1
Mùa hè năm đó, khi con trai kết thúc bậc mầm non, cô Hạnh đã lăn tăn việc gửi con học tiền lớp 1 tại nhà một giáo viên giỏi nổi tiếng rèn học sinh bài bản trước khi vào lớp 1.
Thời điểm đó, chồng cô không đồng ý, nói con không học trước thì cô tự chịu trách nhiệm. Vì chưa có hiểu biết về trẻ, cô đã không đủ dũng khí để "nhận trách nhiệm"
Con gái đầu của cô cũng từng học tại đây, cô bé ổn. Cùng một phương pháp, một giáo viên, đứa trẻ này có thể đáp ứng được nhưng có thể là trải nghiệm nặng nề với đứa trẻ khác
Con trai cô không thể đọc viết bài như yêu cầu, cháu bị cô giáo đánh mắng thường xuyên. Con bị stress với những biểu hiện qua vẻ mặt u ám, đôi mắt có quầng thâm, mỗi lần chở đến nhà cô giáo là con khóc...
Theo cô Hạnh, những gì bố mẹ cư xử thế nào với trẻ khi con vừa chào đời, thậm chí ngay trong bào thai thế nào, sẽ hiện diện lên con như vậy. Cho dù, người lớn chúng ta vẫn thường tự an ủi trẻ làm sao biết, làm sao nhớ.
Bố mẹ đã không nhìn thấy, nghe thấy tiếng kêu cứu của con qua các biểu hiện, vẫn nghĩ đơn giản "thằng này lười học"...
Con vẫn bị đẩy vào nhà cô, vẫn phải học đến hết hè với sự sợ hãi về việc viết, việc đọc ăn sâu vào tiềm thức.
Con vào lớp 1. Việc học những năm đầu đời với con là sự sợ hãi.
Sang lớp 2, con đã biết trốn tránh. Trong giờ học, con trốn dưới gầm bàn chơi với đồ chơi của mình.
Sau này, cô Hạnh mới hiểu, con đang tìm góc an toàn cho bản thân. Đau lòng thay an toàn của con không phải là lớp học, không phải là giáo viên, cũng không phải là bố mẹ. Mà là gầm bàn và những món đồ chơi.
"Khi đó con khó chia sẻ với mình vì quá trình nuôi dạy con của tôi có vấn đề. Khi con còn bé, tôi bị ám ảnh chuyện con ốm, con còi... tôi ép con ăn uống, bắt cháu ăn đồ xay nhuyễn đến lớn.
Mình đã không lắng nghe suy nghĩ, tôn trọng phản ứng của con. Con tự động nhận diện được điều đó, dẫn đến mất kết nối với mẹ", cô Hạnh nghẹn ngào chia sẻ.
Tha thiết mong phụ huynh tỉnh táo
Sau sự việc của con, nhiều năm qua, cô Hạnh bắt đầu tìm hiểu về vấn đề của trẻ. Cô say sưa với lĩnh vực này vì nhận ra rất nhiều sai lầm của mình khi làm mẹ, vì giúp mình "chữa lành" từng ngày và rất hữu ích cho công tác giáo dục của cô.
Cô vẫn đang học cách tha thứ cho bản thân. Nhưng tự trong đáy lòng, cô vẫn tiếc đã không thể giúp con có những trải nghiệm đầu đời về việc học bằng niềm vui, sự tự tin, bằng chính khả năng, thiên hướng của con.
"Thay vì học chữ, bố mẹ cần dạy con kỹ năng học đường như rèn sự tập trung, tự tin, khéo léo, dẻo dai của bàn tay và các ngón tay bằng nhiều hoạt động như làm việc nhà, vẽ trên cát, ăn bằng đũa, nhặt rau...
Đặc biệt, trong gia đình cần tạo cho con sự kết nối với bố mẹ qua những hoạt động chung, qua giao tiếp hàng ngày. Tuyệt đối, đừng thả con cho các thiết bị công nghệ", cô Trần Thị Kim Hạnh.
Từ sai lầm của bản thân, cô Hạnh tha thiết mong phụ huynh hãy thật sự tỉnh táo trước khi cho con đi học tiền lớp 1. Đừng để sai lầm như cô, đừng để con có những trải nghiệm đau thương về việc học như con trai cô.
Việc học là một hành trình, đừng nghĩ đẩy con vào lớp học vào con chữ, phép tính là xong.
Cô đang chứng kiến không ít phụ huynh, con lên lớp Lá, nhất là sang học kỳ 2 là con nghỉ học ở trường mầm non, ép con đi học chữ.
Một địa điểm học chữ trước, một cô giáo rèn trẻ có tiếng có thể phù hợp với đứa trẻ này nhưng chưa chắc đã hợp với con mình.
Cốt lõi trẻ cần được yêu thương và tôn trọng thì mới có thể học tốt. Làm sao để trẻ có những trải nghiệm vui vẻ, hạnh phúc với việc học để nuôi dưỡng hứng thú học tập quan trọng hơn việc viết đẹp hay xấu, viết được ít hay nhiều chữ, nhiều bài.
Phải "ưu tiên" cho thầy trò lớp 1
Cô Trần Thị Kim Hạnh cho biết, phụ huynh cho con đi học chữ trước xuất phát từ sự lo lắng, có khi là lo lắng một cách thái quá. Lo lắng ở đây như sĩ số lớp quá đông, cô giáo không thể quan tâm con mình, con thua bạn bè...
Khi lo lắng, chúng ta sẽ không kịp dừng lại để trấn tĩnh suy xét vấn đề, rất dễ đi sai đường, dễ "đánh rơi" con khi bỏ qua cảm xúc, suy nghĩ, nhu cầu, khả năng của trẻ.
Lớp 1 là cột mốc quan trọng trong hành trình học tập suốt đời của trẻ, cô Hạnh nêu quan điểm, giáo dục phải thật sự ưu tiên, tập trung cho các em.
Riêng sĩ số lớp phải thật ít, khoảng 20 - 25 em, để cô giáo không áp lực, có thể chăm sóc, giáo dục các em được tốt nhất những bước đầu đời.
Giáo viên lớp 1 phải thật sự có tâm, có năng lực và phải hết sức cẩn trọng trong ứng xử, giao tiếp, từng lời nói với trẻ