Có phá vỡ “3 chung” nếu thực hiện hạ điểm chuẩn NV1?

(Dân trí)- Tại hội nghị thi và tuyển sinh 2010, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Bộ sẽ xem xét cho phép các trường được hạ điểm sàn trúng tuyển nếu đã định điểm cao nhưng chưa tuyển đủ chỉ tiêu”.

Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân giải thích: “Hàng năm, Bộ đặt ra điểm sàn ĐH,CĐ là để đạt chuẩn nhất định. Thế nhưng, khi các trường đặt ra điểm sàn cao luôn lo rằng liệu mình có tuyển đủ chỉ tiêu hay không. Ví dụ, NV1 đặt ra 18 để hy vọng lấy được học sinh giỏi, nhưng thực tế lại không có đủ sinh viên để tuyển, trong khi đó học sinh đạt 17 điểm cũng khá lại không trúng tuyển. Do vậy, nếu lấy 18 điểm không đủ chỉ tiêu NV1 thì cho trường hạ điểm chuẩn xuống và lấy điểm từ cao xuống thấp cho đủ chỉ tiêu nhưng vẫn phải đảm bảo điểm số thuộc diện cao. Đồng thời, Bộ giao chỉ tiêu cho các trường sẽ có thêm điều kiện về đảm bảo chất lượng. Bộ sẽ công bố các tiêu chí để xét duyệt chỉ tiêu và chỉ tiêu cụ thể của từng trường trước tết âm lịch”.
 
Có phá vỡ “3 chung” nếu thực hiện hạ điểm chuẩn NV1? - 1
Thí đại học 2009!

Đây có lẽ là thông tin vui đối với nhiều trường đại học, cao đẳng. Tuy nhiên, theo Giáo sư Trần Hữu Nghị, Hiệu trưởng ĐH Dân lập Hải Phòng lại băn khoăn cho rằng: “Điều này thoáng nhìn thì có vẻ hợp lý, nhưng điều đó chỉ hợp lý nếu ta không thực hiện 3 chung. Có nghĩa là trường nào biết trường đó. Sự thay đổi điểm chuẩn để gọi thêm thí sinh của trường này không ảnh hưởng đến trường khác. Nhưng hiện nay chúng ta đang thực hiện 3 chung. Nếu ta cho phép thực hiện quy trình như vậy, nó sẽ phá vỡ phương án 3 chung”.

Tại sao lại phá vỡ “3 chung”, ông Nghị lý giải: “Bởi vì, sau khi thí sinh không được gọi NV1 các em đã xin xét tuyển và được các trường khác gọi NV2, NV3. Nhưng khi trường mà các em dự thi lại hạ điểm chuẩn, các em lại được gọi nhập học, các em lại xin rút hồ sơ. Điều đó gây nên rất nhiều bất cập và không ổn định cho một loạt trường, vậy đến bao giờ các trường xét tuyển mới kết thúc xét tuyển được?. Việc này thực tế đã xảy ra một hai năm vừa qua và gây khó khăn cho một các trường xét tuyển”.

Việc nhiều trường đại học định điểm sàn cao, sau đó không tuyển đủ chỉ tiêu đã xảy ra rất nhiều và lâm vào tình trạng "tiến thoái lưỡng nan". Điển hình, năm 2009, ĐH Y Hà Nội, đã phải xét tuyển đến tận NV3 vào 5 ngành đào tạo chính quy với điểm chuẩn cao chót vót, trung bình trên 20 điểm, có ngành là 22 điểm.
 
Thậm chí, năm 2009, ĐH Cần Thơ đã tự ý ra thông báo hạ điểm chuẩn nguyện vọng 1 với 9 ngành đào tạo với 372 chỉ tiêu do không đủ chỉ tiêu. Việc hạ điểm chuẩn này của ĐH Cần Thơ đã vi phạm quy chế tuyển sinh và bị Bộ GD-ĐT “tuýt còi” và yêu cầu ĐH Cần Thơ phải thực hiện xét tuyển bổ sung NV3 vì theo quy chế tuyển sinh, không một trường ĐH, CĐ nào được phép hạ điểm chuẩn.

Tuy nhiên, cuối cùng Bộ cũng đã “xé rào” đồng ý cho ĐH Cần Thơ hạ điểm chuẩn với lý do trường đóng tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, mặt bằng dân trí thấp và nhu cầu nhân lực qua đào tạo cho phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong vùng lớn, nhất là các ngành gắn với nông nghiệp, nông thôn và đào tạo giáo viên.

Được biết, năm 2008, Bộ cũng đã “tuýt còi” 2 trường CĐ vì tự ý hạ điểm chuẩn, là trường CĐ Kinh tế TPHCM và trường CĐ Kinh tế Công nghệ TPHCM. Hai trường trên đã thừa nhận làm sai quy chế trong việc hạ điểm chuẩn và xin lỗi thí sinh, phụ huynh.
 

Điểm sàn của Bộ GD-ĐT năm 2009:  hệ ĐH khối A và D là 13 điểm; khối B và C là 14 điểm. Điểm sàn hệ cao đẳng thấp hơn điểm sàn hệ đại học là 3 điểm tương ứng với từng khối thi. Theo đó, tổng số thí sinh trúng tuyển ĐH,CĐ hệ chính quy năm 2009 là 473.278 người, đạt 93% so với tổng số 509.106 chỉ tiêu xác định đầu năm. Trong đó, đại học xét tuyển 244.438 thí sinh, đạt 92,2% và cao đẳng xét tuyển 228.840 thí sinh đạt 93,8%. Số thí sinh trúng tuyển NV1 là 282.877 người, chiếm 55,56%, trúng tuyển NV2 là 162.331 thí sinh, chiếm 31,89% và trúng tuyển NV3 là 28.070 thí sinh, chiếm 5,51% so với tổng chỉ tiêu.

 
 
 Hồng Hạnh