Cô ơi, xin nhẹ tay, nhẹ lời…
(Dân trí) - Chính vì áp lực nên đôi lúc cô phải hét toáng lên, đôi lúc cô vỗ vài cái vào mông, vào tay. Chúng tôi đâu trách điều đó. Ngay chúng tôi ở nhà, có những lúc nói mà con không nghe lời cũng mắng, cũng tét vào mông con vài cái. Nhưng đừng lấy điều đó để biện hộ cho những hành vi mất nhân tính đối với con trẻ...
Thời gian gần đây xảy ra hàng loạt vụ cô giáo mầm non bạo hành con trẻ. Những người làm cha, làm mẹ chúng tôi trăn trở quá. Mỗi khi đưa con đến trường, lòng nơm nớp, phập phồng theo mỗi buổi trao con qua tay cô giáo.
Tôi có cô bé con ba tuổi đang theo học một trường mầm non thành phố. Con tôi khá nhanh nhạy nên mọi việc ở lớp đều được kể lại khá rành mạch qua vở kịch của hai mẹ con. Một đám thú nhồi bông được xếp hàng dài làm học trò. Hai mẹ con là hai cô giáo khá bận rộn. Tập thể dục, uống sữa, ăn cơm, đi vệ sinh, rửa tay, múa hát… Tất tần tật những gì diễn ra ở lớp đều được tái hiện dưới cái nhìn của con bé. Và con trẻ chẳng thể thêm bớt điều gì, từ chuyện đám học trò nằm ngủ còn hai cô ăn cóc ổi, chuyện các cô cười nói to làm mấy cháu không ngủ được, chuyện cô ngồi tết tóc đẹp, mặc áo quần đẹp đi ăn cưới… Nhưng không ít lần tôi phải giật mình vì những lời nói và hành động bắt chước cô giáo của con.
Đầu tiên là chuyện cho các cháu ăn. Chén và muỗng được đặt ngay ngắn trước mặt mỗi con thú nhồi bông. Sau khi giới thiệu hôm nay các con được ăn món gì xong, con bé chạy đi lấy cái vá xới cơm lại đánh bôm bốp vào bàn và luôn miệng quát: “Ăn đi! Ăn!”. Khuôn mặt nghiêm nghị, đôi mắt long lên và tay thì liên tục đánh tạo ra những âm thanh chát chúa. Tôi nhỏ nhẹ hỏi: “Con làm gì thế?”. “Con làm giống cô P., cô đánh vậy để mấy bạn sợ lo ăn cơm.” Ừm, lớp đông cháu, hai cô đâu thể đút cho từng cháu được. Nhưng mỗi bữa cơm đều diễn ra trong lời quát mắng và gõ bàn rầm rầm như vậy sao? Tôi rất lo con tôi sẽ nhiễm điều đó từ trong mỗi bữa ăn hàng ngày.
Đến giờ cho cháu hoạt động góc. “Bạn Gấu” trêu chọc và cào xước mặt “bạn Thỏ”. “Cô giáo nhỏ” liền chạy đến, phồng mang trợn mắt quát Gấu và liên tục đánh vào tay Gấu. Tôi lặng người nhìn con và hỏi: “Sao con mắng và đánh bạn Gấu?”. “Dạ, vì Gấu cào Thỏ đó.”. “Gấu đúng hay sai vậy con?”. “Dạ sai.”. “Khi con làm sai, mẹ có đánh con không?”. “Nhưng cô B. đánh mấy bạn vậy đó.”. “Cô có đánh con chưa?”. “Hôm qua con ngủ tè dầm ướt chiếu, cô có đánh vào tay con vậy này.”. Con bé đưa tay ra và đánh thật mạnh vào tay mình mấy cái thật đau. Thế là từ đó trở đi, mỗi ngày đón cháu, tôi đều hỏi cháu hôm nay có bị cô giáo đánh không. Cái lắc đầu của nó làm tôi thở phào nhưng hầu như hôm nào cô giáo cũng có đánh các bạn ở lớp, vì lỗi này, lỗi nọ. Tôi sợ con gái mình sa vào cái nhận thức: Sai là đánh! Phạm lỗi phải đánh!
Một lần đang đùa giỡn với con, con bé nằm trong lòng tôi bỗng với lên dùng hai ngón tay kẹp vào mũi mẹ, cười khanh khách: “Cắt mũi mẹ vứt ngoài đường cho rồi!”, “Cắt lưỡi mẹ vứt ngoài đường luôn!”, “Đấm vào mặt mẹ nữa!”, “Nhổ sạch tóc trên đầu mẹ luôn!”… Tôi điếng cả người hỏi: “Chuyện gì vậy con?”. “Cô giáo nói vậy đó mẹ, bạn nào không chịu ăn cơm thì cắt mũi, cắt lưỡi, đấm mặt, nhổ tóc hết.” Câu trả lời hồn nhiên của con làm làm nỗi lo trong tôi lớn dần hơn. Chỉ là dọa con trẻ thôi, vậy mà những từ ngữ cô dùng sao ghê rợn thế?
Mới hai tháng cho con đến lớp, chừng đó chuyện thôi đủ làm tôi nặng lòng rồi. Vậy mà những người mẹ nhìn cảnh con mình bị bạo hành dã man, hỏi sao không đứt gan đứt ruột và quyết tâm kiện tới cùng. Tôi rất cảm thông với nỗi đau của các mẹ. Chính bản thân tôi khi xem các clip được quay lại tình cờ đó cũng tức lồng lộn lên, huống hồ là chính các mẹ.
Các cô bảo mẫu ơi, không phải chúng tôi không thông cảm cho các cô đâu. Bản thân chúng tôi chăm con vất vả nhiều bề nên càng cảm nhận rõ hơn sự vất vả của các cô khi phải trông nom, chăm sóc một lũ loi nhoi, lóc nhóc như thế. Nhiều lúc chúng tôi nói đùa các cô phải có ba đầu sáu tay mới phục vụ hết đám “thượng đế” nhỏ tuổi, nhiều chuyện đó. Buổi sáng đón cháu, nó khóc ngặt nghẽo đòi mẹ, bế dỗ cháu này chưa nín, cháu khác đã sướt mướt. Chơi với nhau đươc một lúc bỗng giành đồ chơi, quẹt qua quẹt lại khóc toáng lên. Giờ ăn cơm ỉ ôi, vung vãi khắp nền nhà. Ăn chưa xong đã ào ào tuôn ra cả một đống bốc mùi chua loét. Rồi tè dầm, ị ngay trong quần mãi không gọi cô… Ôi, một núi công việc ngập đầu ngập cổ thế áp lực là điều tất nhiên.
Chính vì áp lực nên đôi lúc cô phải hét toáng lên, đôi lúc cô vỗ vài cái vào mông, vào tay. Chúng tôi đâu trách điều đó. Ngay chúng tôi ở nhà, có những lúc nói mà con không nghe lời cũng mắng, cũng tét vào mông con vài cái. Nhưng đừng lấy điều đó để biện hộ cho những hành vi mất nhân tính đối với con trẻ. Nào tát bốp vào mặt, nắm cổ day lui day tới vì cái tội không chịu nuốt, muỗng cháo hòa cùng nước mắt, nước mũi. Nào xách ngược thả vào phi nước, trói quặc tay ra sau lưng, miệng dán băng keo cùng vô số màn hành hạ khác.
Lòng người mẹ chúng tôi đau lắm. Một vết cứa vào tim nhức nhối mãi khi đứa con bé bỏng của mình bị hành hạ. Và con trẻ, không chỉ là sự thương tổn về mặt thể chất mà những tổn thương về mặt tinh thần sẽ ám ảnh các con mãi. Tôi nhớ mãi lời phát biểu của một cậu bé lớp năm gần nhà mình về quãng thời gian theo học mầm non, về kí ức tuổi thơ của mình: “Con ghét mấy cô ở trường mẫu giáo lắm. Không ăn, cô đánh. Không ngủ, cô đánh. Ngủ dậy kêu mẹ mẹ, cô cũng đánh.”.
Các cô ơi, xin cô nhẹ tay nhẹ lời… Để con trẻ cảm nhận được tình yêu thương từ những người mẹ thứ hai của mình…
Trang Hiếu
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!