Có nên từ bỏ đam mê để theo đuổi ngành hot được ví là "vua của mọi ngành"?

Hoài Nam

(Dân trí) - Có nên bỏ đam mê để theo đuổi ngành hot, đặc biệt là ngành được ví là "vua của mọi ngành" là vấn đề được nhiều thí sinh quan tâm trong mùa tuyển sinh năm nay.

Nội dung này được đặt ra tại ngày Tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng 2024 thu hút hàng ngàn thí sinh, phụ huynh tham dự tại Đại học Bách khoa Hà Nội ngày 20/7.

Có nên từ bỏ đam mê để theo đuổi ngành hot được ví là vua của mọi ngành? - 1

Phụ huynh, thí sinh tham dự ngày Tư vấn xét tuyển đại học, cao đẳng 2024 tại Hà Nội (Ảnh: Hoài Nam).

Đặc biệt nhiều thí sinh quan tâm đến những ngành hot, nhất là thiết kế vi mạch, ngành còn được ví là "vua của mọi ngành".

PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Phenikaa, hiện nay tại nhiều trường đại học, thiết kế vi mạch thường là chuyên ngành nằm trong ngành điện tử viễn thông.

Ông Khánh thông tin thiết kế vi mạch được chia thành 3 giai đoạn như thiết kế, sản xuất và kiểm tra kiểm thử.

Trong đó, kiểm tra kiểm thử (ATP) là lĩnh vực đang được các tập đoàn lớn rất quan tâm. Lĩnh vực này đơn giản hơn, không đòi hỏi quá nhiều kiến thức, kỹ năng như lĩnh vực thiết kế vi mạch nhưng nhu cầu thị trường rất lớn. Chuyên ngành ATP thường nằm trong khối ngành vật liệu, tự động hóa.

"Vi mạch là một trong 10 ngành được quan tâm nhiều nhất đến năm 2030, thí sinh hoàn toàn có thể yên tâm theo đuổi lĩnh vực này nếu có năng lực và đam mê", PGS.TS Nguyễn Phú Khánh nhấn mạnh.

Trước băn khoăn có nên chọn nghề hot hay không, theo PGS.TS Nguyễn Phú Khánh, thí sinh không nên chọn theo ngành hot mà phải xem xét kỹ bản thân có năng lực và đam mê về lĩnh vực đó hay không.

Có nên từ bỏ đam mê để theo đuổi ngành hot được ví là vua của mọi ngành? - 2

Thí sinh quan tâm về các ngành nghề "hot" trong mùa tuyển sinh năm 2024 (Ảnh: Hoài Nam).

Tại chương trình, có hơn 150 gian hàng trực tiếp tư vấn trực tiếp giúp phụ huynh, học sinh có cái nhìn tổng quan về sự đa dạng của bậc học, ngành học, môi trường đào tạo… từng trường.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) thông tin trong ngày đầu tiên mở cổng đăng ký, đã có hơn 600.000 nguyện vọng được đăng ký trên hệ thống Bộ GD&ĐT. Điều này cho thấy thí sinh đã nắm vững nhu cầu, thực lực bản thân về ngành nghề, trường học mong muốn.

Tuy nhiên, vẫn có những thí sinh chưa đăng nhập lên hệ thống nên việc tư vấn, cung cấp thông tin để giải đáp những thắc mắc cho thí sinh rất quan trọng.

Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh, đối với các em đã trúng tuyển sớm trong các đợt xét tuyển sớm của các trường đại học vẫn phải đăng ký trên hệ thống của Bộ GD&ĐT.

Các em có thể đăng ký, trúng tuyển vào nhiều ngành, nhiều trường nhưng sẽ chỉ trúng tuyển và nhập học vào một ngành, một trường duy nhất.

Vụ trưởng cũng lưu ý thí sinh cần chú ý bảo mật thật tốt tài khoản, không để ai có thể đăng nhập vào tài khoản thay đổi nguyện vọng của mình. Khi hết thời gian đăng ký trên hệ thống sẽ không thể điều chỉnh nguyện vọng.

Thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng nhưng theo bà Thủy, không cần thiết phải đăng ký quá nhiều nguyện vọng. Việc đăng ký quá nhiều nguyện vọng có thể lẫn lộn, gây bối rối lúng túng không biết sắp xếp thế nào, chưa kể, còn gây tốn kém lệ phí tuyển sinh không đáng có.

Thí sinh chú ý phân bổ nguyện vọng, lên phương án phòng tránh rủi ro. Trường hợp nếu không trúng tuyển vào trường top thì vẫn có thể trúng tuyển vào những trường top có mức độ cạnh tranh thấp hơn.

PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng đào tạo Trường Đại học Ngoại thương, chia sẻ khi chưa thể đánh giá năng lực của mình so với người khác, thí sinh có thể đánh giá sai lệch năng lực bản thân. Điều này nhắc nhở thí sinh cần cho mình phương án phòng tránh rủi ro.

Bà Hiền nhấn mạnh thí sinh cần xác định một danh mục những nguyện vọng mong muốn.

Có nên từ bỏ đam mê để theo đuổi ngành hot được ví là vua của mọi ngành? - 3

Thí sinh lưu ý khi đăng ký thứ tự nguyện vọng xét tuyển (Ảnh: Hoài Nam).

Danh mục này chia thành 3 nhóm gồm: Nhóm ước mơ, đam mê; nhóm vừa sức có khả năng đỗ bao gồm cả các nguyện vọng đã xét tuyển sớm và nhóm thứ 3 là phòng tình huống rủi ro, nhóm thứ 3 này có thể hơi thấp hẳn xuống.

PGS.TS Vũ Thị Hiền lưu ý xếp nguyện vọng nên dựa trên  nguyên tắc là sự yêu thích. Phần mềm xét nguyện vọng sẽ chạy từ trên xuống dưới và dừng lại ở nguyện vọng bạn trúng tuyển, tránh để ngành mình yêu thích ở nguyện vọng phía dưới.