Có nên kết hợp hai kỳ thi?

Đề án đổi mới thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh Đại học, Cao đẳng nếu được Chính phủ phê duyệt, thì ngay trong năm 2009, cả nước sẽ chỉ còn một kỳ thi Quốc gia với trọng trách "Hai trong một".

Một kỳ thi chung có những ưu điểm như, hạn chế việc dạy dồn hoặc cắt xén chương trình đối với những môn không thi như trước đây; khách quan bởi áp dụng thi trắc nghiệm ở hầu hết các môn; tiết kiệm và giảm sức ép cho xã hội.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về khả năng điều hành, tổ chức một kỳ thi đồng loạt trên toàn quốc, với khối lượng rất lớn thí sinh. Đặc biệt là, làm sao để có một đề thi thoả mãn được cả 2 mục tiêu: Đánh giá đúng chất lượng giáo dục phổ thông và đảm bảo đầu vào cho các trường ĐH, CĐ.

Theo GS.Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường PTDL Lương Thế Vinh, Hà Nội: "Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2007, câu hỏi chứng minh 2 đường thẳng vuông góc với nhau. Chỉ bằng một phép toán đơn giản, học sinh nào cũng có thể lấy trọn 1 điểm. Nhưng với câu hỏi chứng minh 2 đường thẳng chéo nhau, đề thi Đại học khối A, độ khó gấp đến 3 lần. Như vậy, rất khó kết hợp thành một đề thi, bởi mục tiêu của 2 kỳ thi này là khác nhau".

Cũng theo GS.Văn Như Cương, một kỳ thi lấy chứng nhận tốt nghiệp, đã qua được mức tối thiểu của chương trình; còn một kỳ thi là chọn những người giỏi nhất, có tài năng nhất vào Đại học để sau này đóng góp trí tuệ xây dựng đất nước, hai kỳ thi ấy không thể kết hợp với nhau.

Chất lượng đầu vào của các trường ĐH, CĐ có ảnh hưởng lớn đến chất lượng nguồn nhân lực. Theo đề án mới, sẽ có thể được quyết định bởi khoảng 40% câu hỏi trong đề thi, tương đương với thời gian làm bài 36 phút cho môn Toán và 24 phút cho các môn khác. Nhiều ý kiến cho rằng, thời gian đó chưa đủ để phân loại thí sinh, nhất là với những trường có yêu cầu cao về chất lượng đầu vào.

Theo PGS.TS.Nguyễn Cảnh Lương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa HN: "Với một số trường nghệ thuật có đặc thù riêng. Những trường đào tạo chất lượng cao như ĐH Bách Khoa thì chúng tôi sẽ xin phép Bộ GD-ĐT tổ chức một kỳ kiểm tra tại trường, có thể 3 môn, 2 môn hoặc 1 môn tuỳ theo tình hình".

Như vậy, một kỳ thi thứ 2 để phân loại thí sinh có thể được đề ra bởi các trường đại học. Nhưng cách mà Bộ GD-ĐT lựa chọn Hội đồng ra đề thi mới là điều dư luận đặc biệt quan tâm, nếu đề án một kỳ thi quốc gia được phê duyệt. Đó là chưa kể sự băn khoăn bởi tính phức tạp trong tổ chức, điều hành một kỳ thi đồng loạt trên toàn quốc. Với số lượng rất lớn thí sinh, liệu tiêu cực có được hạn chế?

GS.Bành Tiến Long, Thứ trưởng Thường trực Bộ GD-ĐT khẳng định: "Vấn đề đề thi, Bộ GD- ĐT sẽ tiếp tục hoàn chỉnh. Về cơ bản, Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng đã chuẩn bị phương án này. Tất nhiên, trong đề thi chúng ta có phần phân loại cho học sinh tốt nghiệp THPT và một phần có thể để tuyển chọn những em xứng đáng vào các trường ĐH-CĐ; còn những em khác có thể học Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề... Phải khẳng định rằng, còn hơn 1 năm nữa, nếu được phê duyệt, tất cả những khó khăn đó chúng ta có thể hoá giải được".

Tiết kiệm và giảm bớt căng thẳng cho học sinh, phụ huynh và cả xã hội là điều mà nhiều người sẽ nghĩ đến đầu tiên khi có một kỳ thi chung. Tuy nhiên, mục đích cuối cùng ở kỳ thi lại là chất lượng. Ở đây sẽ là đánh giá đúng giáo dục phổ thông và cung cấp đầu vào tốt cho các trường ĐH và CĐ. Hóa giải được cả 2 mục tiêu này trong một đề thi, kỳ thi chung quốc gia sẽ thực sự đáp ứng những yêu cầu của giáo dục đào tạo và mong đợi của xã hội.

Theo Diệp Anh
VTV

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm