Có nên bỏ Ban đại diện Cha mẹ học sinh khỏi Luật Giáo dục?
(Dân trí) - Sáng ngày 16/1, tại hội thảo Góp ý các quy định về tự chủ và quản lý nhà nước trong dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi) do Trường ĐH Luật TPHCM chủ trì, các chuyên gia đã tranh luận sôi nổi xung quanh vấn đề có đưa điều lệ Ban đại diện Cha mẹ học sinh vào dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) hay không.
TS Thái Thị Tuyết Dung, Trưởng bộ môn Luật hành chính, khoa Luật hành chính nhà nước Trường ĐH Luật TPHCM cho rằng nên bỏ quy định về việc "ban hành điều lệ Ban đại diện Cha mẹ học sinh" tại khoản 2 Điều 102. “Tôi ủng hộ quan điểm không cần thiết phải tồn tại Ban đại diện Cha mẹ học sinh (BĐD CMHS) trong trường hợp, nếu cần thì tất cả các cơ sở giáo dục đều bắt buộc phải có chứ không chỉ với trường công lập”, bà Dung nói.
Bà Dung cho biết các con mình đều học trường tư và các trường đều không có ban này. Thậm chí trường tư không họp phụ huynh mà giáo viên gặp trực tiếp từng phụ huynh học sinh để trao đổi.
Trong bối cảnh xã hội phát triển về công nghệ thông tin hiện nay, sự liên lạc giữa gia đình và nhà trường rất thuận lợi nên bà Dung cho rằng vai trò của ban này là gì khi những tin nhắn thông báo tình hình học tập có rất nhanh chóng. Bà cũng lo ngại, thông thường ban này có những hỗ trợ tài chính và hoạt động khác rất lớn cho trường. Nhưng có bất cập xảy ra khi ban này lợi dụng tạo ra các đặc quyền dẫn đến lạm thu. “Ví dụ lớp 30 học sinh nhưng chỉ 15 phụ huynh đồng ý đóng góp thì nửa còn lại phải làm theo, nhất là các đóng góp về cơ sở vật chất”, bà Dung chia sẻ.
Nhìn nhận thực tế BĐD CMHS có mặt tốt và mặt không tốt, nên bà Dung đề xuất: “nếu có sự tồn tại của ban này thì cần trên cơ sở tự nguyện chứ không bắt buộc”.
Tuy nhiên, PGS.TS Phan Nhật Thanh, Phó trưởng khoa Luật hành chính nhà nước Trường ĐH Luật TPHCM phản bác quan điểm trên. Ông Thanh cho biết bản thân mình là người nằm trong BĐD CMHS nhiều năm và không đồng ý quan điểm cho rằng ban đại diện lợi dụng chức vụ quyền hạn để lạm thu.
“Bản thân tôi đi họp với trường đã có những đề xuất về chương trình đào tạo, cách thức giảng dạy để các cháu học tốt hơn. Đúng là hàng năm chúng ta có cuộc họp bàn về các khoản thu, nhưng nếu không có Ban đại diện đứng ra làm việc này thì ai sẽ là người tham gia hỗ trợ các hoạt động xã hội hóa giáo dục?”, ông Thanh chia sẻ quan điểm.
Trước những ý kiến khác nhau về vấn đề trên, Thạc sĩ Trịnh Anh Nguyên người có kinh nghiệm hơn 10 năm làm trong BĐD CMHS cho rằng: “Câu trả lời tùy thuộc vào trường tư hay công. Tôi cũng thừa nhận một số nơi ban đại diện chỉ xuất hiện khi cần huy động tiền thôi”.
Thạc sĩ Trịnh Anh Nguyên cho rằng sự có mặt của Ban đại diện Cha mẹ học sinh là cần thiết
Theo bà Nguyên, Ban đại diện này cần được huấn luyện về kỹ năng trong ứng xử, giải quyết các tình huống. Bà chia sẻ một câu chuyện trong thực tế về việc thu tiền phụ huynh ủng hộ nhà trường và cho rằng: “Chúng ta không nên chặn cửa thu tiền phụ huynh khi phụ huynh đã đồng tình đóng góp. Tôi lo lắng nhất là phát ngôn Ban đại diện ra bên ngoài như thế nào”.
Và kết lại bà khẳng định, sự có mặt của Ban đại diện là cần thiết, đặc biệt với hệ thống trường công. Nhưng nếu có thì nên là quy định bắt buộc vì nếu trường này có mà trường kia không thì tạo ra sự ganh đua. Có hay không không quan trọng mà quan trọng làm như thế nào, phụ huynh chung tay tạo môi trường học tập tốt nhất cho học sinh.
Trong khi đó, ở góc độ quản lý trường phổ thông, ông Nguyễn Hùng Khương, Phó hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân đánh giá cao vai trò của BĐD CMHS trong nhà trường. “Tôi đề nghị vẫn giữ nguyên điều lệ về Ban đại diện này trong dự thảo luật vì nếu bỏ thì còn khó quản lý hơn nữa. Cần có những văn bản chính thức thì việc hoạt động của ban này tránh sai sót”, ông Khương chia sẻ.
Ông Nguyễn Hùng Khương, Phó hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân
Cũng từ góc nhìn trường học, ông Khương cho biết kinh phí hoạt động của ban này trong trường chủ yếu chi hỗ trợ hoạt động học sinh, hoàn toàn không được phép chi mua sắm cơ sở vật chất hay khen thưởng giáo viên. Thu kinh phí cũng hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện.
Tuy nhiên theo ông Khương, để BĐD CMHS hoạt động hiệu quả cần có sự phối hợp trao đổi giữa Ban đại diện và nhà trường, có những kế hoạch và tổng kết giữa năm cũ và mới, dự toán thu chi thích hợp.
Hội thảo Góp ý các quy định về tự chủ và quản lý nhà nước trong dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi) do Trường ĐH Luật TPHCM tổ chức sáng nay thu hút đông đại biểu tham dự
Tại hội thảo sáng nay, các đại biểu tập trung thảo luận về quy định tự chủ và quản lý nhà nước. Bên cạnh ý kiến đề xuất cần làm rõ khái niệm tự chủ trong giáo dục thì nhiều đại biểu cũng góp ý cần bổ sung quy định để khẳng định Bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan khác phải chịu trách nhiệm giải trình về hoạt động và chất lượng giáo dục tại các cơ sở trực thuộc trong phạm vi được giao. Trên thực tế, các cơ sở giáo dục không thuộc Bộ GD-ĐT thì Bộ không kiểm soát được những nội dung như tổ chức, nhân sự, chất lượng giáo dục.
Một số đại biểu lại đề xuất cần thêm nội dung của UBND cấp tỉnh, huyện để cụ thể vai trò quản lý với các cơ sở giáo dục, phân cấp và chịu trách nhiệm cụ thể với đối tượng quản lý.
Lê Phương