Cô mời vào hội phụ huynh, bố mẹ đồng loạt quay mặt, cầm điện thoại lên bấm

Hoài Nam

(Dân trí) - Khi cô giáo mời tham gia vào ban đại diện cha mẹ học sinh, phụ huynh lớp con chị Minh Anh cùng quay mặt đi hoặc cầm điện thoại lên bấm.

Bố mẹ "né" vào ban đại diện cha mẹ học sinh 

Năm học bước vào tháng thứ 2, lớp con của chị Minh Anh, ở TPHCM vẫn chưa có... ban đại diện cha mẹ học sinh (thường gọi là hội phụ huynh) chính thức.

Con gái chị học lớp 7. Trước khi vào năm học, khi kết nối với phụ huynh ở nhóm zalo, cô giáo chủ nhiệm đã mời phụ huynh tham gia vào ban đại diện cha mẹ học sinh nhưng không ai hồi đáp.

Ban đại diện cũ của năm lớp 6 chỉ còn 2 người. Trong đó một phụ huynh con đã chuyển trường, người còn lại xin rút với lý do không sắp xếp được thời gian. 

Cô mời vào hội phụ huynh, bố mẹ đồng loạt quay mặt, cầm điện thoại lên bấm - 1

Nhiều phụ huynh tránh công việc "ôm tù và hàng tổng" (Ảnh minh họa: Hoài Nam).

Chị kể, buổi họp đầu năm, khi cô giáo đề cập đến lập ban đại diện cha mẹ học sinh, gần 40 con người trong cuộc họp gần như đồng loạt quay mặt đi, nhiều người cầm điện thoại lên bấm xem như không nghe, không biết.

Tiếp đó phụ huynh đưa ra hàng loạt lý do từ chối như không có thời gian, không có khả năng tổ chức, không khéo ăn khéo nói, sợ mang tiếng...

Có phụ huynh nói thẳng: "Tôi có thể hỗ trợ lớp về tài chính không giới hạn nhưng xin phép không làm trong hội phụ huynh vì không có thời gian, cũng không muốn ôm thêm việc vào người". 

Về lý thuyết, người trong ban năm ngoái đang tạm phụ trách nhưng người này cũng đã xin nghỉ, không thể hiện bất cứ động thái nào. Không có ban đại diện, không ai đứng ra thu quỹ, tổ chức nên các con bỏ trống các hoạt động. 

Chị Minh Anh cho biết, cuối tháng 9 trường con có hoạt động góc đọc sách. Các lớp khác được sự hỗ trợ của bố mẹ thiết kế góc trang trí đọc sách rất sinh động, đẹp mắt, nhiều đầu sách hay. 

Có lớp còn tổ chức tọa đàm nhỏ về đọc sách, phụ huynh mời nhà văn đến trò chuyện với các con. Tất nhiên, các hoạt động này phải có chi phí, có đại diện phụ huynh cùng cô giáo đứng ra thực hiện.

Còn lớp con chị, không có chi phí từ phụ huynh, cũng không có ai tổ chức nên chỉ có vài cuốn sách cô giáo và học sinh tự góp với nhau để ở góc lớp.

Rồi nữa, tuần này các con tìm hiểu về Tết trung thu thông qua nhiều hoạt động như làm bánh, trò chơi dân gian, múa hát..., lớp con lại tìm hiểu chay trên sách vở là chính.

Chưa kể, theo chị Minh Anh những học sinh khó khăn, có em mồ côi cũng mất cơ hội tiếp cận sự hỗ trợ từ phụ huynh. Mọi năm, quỹ phụ huynh sẽ trích hỗ trợ các em mua sách vở, tặng thêm chút tiền mặt hỗ trợ các em đầu năm.

Chị Minh Anh nghĩ "hay mình tham gia cho rồi" nhưng khi chị nêu ý kiến này thì người thân, bạn bè đều phản đối với lý lẽ "tội gì mà làm". Chị cũng không có thời gian, không năng động khéo kéo, chưa kể việc phải vận động người khác đứng ra đóng tiền này nọ, chị không làm nổi. 

"Chỉ cần đóng tiền cho khỏe!"

Ôm bụng bầu 7 tháng, chiều nay chị T.N. phải xin nghỉ phép để lên trường nhận trang phục biểu diễn, kiểm tra lại đồ đạc cho các con tổ chức hoạt động trung thu. 

Tạm thời, chị N. đang là Trưởng ban đại diện phụ huynh của lớp tại một trường tiểu học ở Đống Đa, Hà Nội. Chị gọi là tạm vì năm rồi chị làm, năm nay chị đã từ chối không tham gia nhưng lớp chưa có ai chịu "ngồi vào ghế nóng".

Cô mời vào hội phụ huynh, bố mẹ đồng loạt quay mặt, cầm điện thoại lên bấm - 2

Hoạt động giáo dục của học sinh luôn cần sự đồng hành từ phụ huynh (Ảnh: Hồng Phong).

"Mất thời gian kinh khủng, lại mang tiếng. Trong khi những phụ huynh khác chỉ cần đóng tiền thôi", chị N. chua chát nói về việc mình đang ôm vào thân. 

Chị N. cho biết, năm rồi lớp con chị đóng quỹ phụ huynh 1 triệu đồng/người cho cả năm học. Lớp hơn 40 người, trừ trường hợp phụ huynh khó khăn quỹ phụ huynh thu được 42 triệu đồng, nhiều người tự nguyện góp cao hơn. 

Hoạt động quanh năm cho các con, cho lớp và trường ti tỉ thứ. Hàng loạt việc như đứng ra tổ chức hoạt động cho các con, thiết kế, trang trí, mua sắm, đi thăm học sinh khó khăn, ốm đau, ma chay, lễ lạt của trường, khi học sinh bị kỷ luật cũng cần ý kiến từ ban đại diện...

Gần cuối năm, chị và một số phụ huynh khác còn đóng thêm để có quỹ hoạt động. 

"Tôi rất ngại khi phải đứng ra nói ra chuyện tiền nong, rồi còn sổ sách đi hỏi từng người như thể mình đòi nợ vậy. Có người còn mỉa mai "ăn rơ với nhà trường", "việc gì có lợi nhuận người ta mới làm", chị N. cay đắng. 

Rồi có những việc hay khi mua sắm, tổ chức này nọ không đúng ý giáo viên, phụ huynh còn... "ăn chửi".

Theo chị N. là người đại diện đứng giữa phụ huynh và giáo viên, nhà trường nên họ còn phải trực tiếp đối diện với nhiều áp lực khác. Rồi thực tế tiền quỹ phụ huynh nhưng đâu chỉ chi cho học sinh cũng người trong ban đại diện chừa mặt ra chịu tiếng oan. 

Sau một năm trải nghiệm, thấy bản thân mình không đủ nhiệt tâm và nhiệt thành, lại mất quá nhiều thời gian, chị N. xin không tham gia. 

"Hết tháng này, nếu chưa ai thay thế, tôi cũng nghỉ hẳn. Cả năm chỉ cần đóng tiền thôi cho nhàn thân. Nói thật ai làm việc này phải nhiệt tình, năng nổ...", chị N. nói thẳng suy nghĩ của mình. 

Ban đại diện phụ huynh mang đủ thứ tiếng là câu chuyện đã được nhắc đến lâu nay. Họ thường bị gắn liền với hình ảnh là "cánh tay nối dài của trường", nghe rất nhiều ca thán "giải tán cho xong". 

Cô mời vào hội phụ huynh, bố mẹ đồng loạt quay mặt, cầm điện thoại lên bấm - 3

Phụ huynh cùng thảo luận với giáo viên về giải pháp phối hợp trong giáo dục con trong một buổi họp (Ảnh: Thúy Thảo).

12 năm thời con đi học đều làm Trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh lớp, Chủ tịch hội phụ huynh trường, luật sư Nguyễn Thị Cúc, ở Gò Vấp, TPHCM chia sẻ, thu tiền chỉ là một việc Ban đại điện phải làm khi phía sau đó là rất nhiều hoạt động, nhiều việc chăm lo cho các con. 

Bà khẳng định, về quỹ nếu đưa ra con số chung 200.000 đồng/người thì bà có thể đóng 500.000 đồng. Quỹ được sử dụng cho nhiều việc như là may cho học sinh thêm cái rèm để các em đỡ bị nắng, tặng thưởng cho học sinh có thành tích tốt, hỗ trợ chút quà nhỏ cho học sinh khó khăn, bệnh tật, gửi bó hoa tặng thầy cô dịp lễ... 

12 năm nhận công việc này bởi bà Cúc hiểu rõ nhà trường - gia đình - xã hội là 3 yếu tố không thể thiếu trong sự phát triển của trẻ. Nếu phụ huynh không tham gia đồng hành, đứng ngoài cuộc thì chính các con thiệt thòi nhất. 

Còn xét về được mất, liệu có phụ huynh nào muốn làm công việc "vác tù và hàng tổng" với đủ thứ việc còn gánh nhiều điều tiếng này?

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm