Cơ hội "ăn cơm Việt, kiếm tiền Tây”

Toàn cầu hóa như làn gió mát thổi vào làng CNTT trong những năm qua. Cùng với sự phát triển của các doanh nghiệp IT, cơ hội dành cho sinh viên ngành Lập trình cũng trở nên rộng mở hơn bao giờ hết khi vừa nâng cao chuyên môn, vừa cải thiện đáng kể thu nhập từ các dự án cho khách hàng nước ngoài ngay sau khi ra trường.

Ngồi tại Việt Nam, làm dự án toàn cầu

Vào mỗi tối thứ 3 hàng tuần, Lê Văn Công (19 tuổi) lại ‘online’ ứng dụng chat Skype để trao đổi và cập nhật kết quả công việc với khách hàng tại Ấn Độ. Công và 2 người bạn khác đang tham gia triển khai dự án phát triển phần mềm cảnh báo sớm tắc đường tại đô thị, kéo dài trong 6 tuần.

Là PM (trưởng nhóm) của dự án, Công chia sẻ: “Yêu cầu của dự án cao, đòi hỏi tất cả các thành viên trong team phải nỗ lực hết sức mình mới có thể hoàn thành. Ngoài ra, một số khó khăn khác chúng em phải vượt qua là khác biệt về ngôn ngữ (tiếng Anh) và lệch múi giờ sinh hoạt”.

Đến nay, sau 5 tuần, dự án đã gần đi đến giai đoạn cuối với nhiều kết quả tích cực theo đánh giá từ phía khách hàng. Nói về kinh nghiệm thu được khi tham gia dự án, Trần Hùng Minh (thành viên thứ 2 của team) khẳng định, làm dự án cho khách hàng nước ngoài tiến bộ rất nhanh, cả về kiến thức và kỹ năng mềm.

“Quan trọng hơn cả là họ rèn cho mình tác phong và quy trình làm việc chuyên nghiệp theo chuẩn quốc tế như không để quá ‘deadline’, xây dựng quy tắc làm việc nhóm trước khi bắt vào làm dự án...”, Minh nói thêm.

Thực tế, dự án mà nhóm Công đang thực hiện là dự án nằm trong chương trình “Thực hành làm dự án cùng chuyên gia quốc tế” – e-Project do chuyên gia nước ngoài hướng dẫn. Chương trình được Hệ thống Đào tạo Lập trình viên Aptech toàn cầu (Ấn Độ) xây dựng và áp dụng tại hơn 1.300 trung tâm thuộc 40 quốc gia. Các chuyên gia Aptech toàn cầu sẽ đưa ra các bài toán (dự án) kèm yêu cầu cho sinh viên giải quyết. Trong quá trình triển khai, họ sẽ giữ vai trò vừa là cố vấn giúp đỡ sinh viên, vừa là người tổng kết, chấm điểm khi dự án kết thúc.

Cơ hội "ăn cơm Việt, kiếm tiền Tây” - 1

Ông Rajat Adhikary, đại diện Aptech Việt Nam

Theo ông Rajat Adhikary, đại diện Aptech Việt Nam: “Chúng tôi muốn tận dụng thế mạnh liên kết chặt chẽ của trường với Aptech toàn cầu để đưa các em sinh viên vào môi trường rèn luyện mang tính quốc tế. Qua đó các em có điều kiện trưởng thành nhanh hơn và có thể làm việc cho các dự án thật của nước ngoài ngay khi ra trường”.

Nhu cầu lớn, nguồn cung… "nhỏ giọt"

Theo phát biểu mới đây của ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm Việt Nam (Vinasa) tại ICT Summit 2015, từ nay đến năm 2020, Việt Nam sẽ thiếu 400.000 nhân lực làm CNTT (mỗi năm Việt Nam thiếu 80.000 người), trong khi mỗi năm thị trường chỉ cung cấp 32.000 sinh viên tốt nghiệp CNTT và các ngành có liên quan đến CNTT. 

“Việt Nam có hàng nghìn doanh nghiệp CNTT, nhưng chỉ riêng FPT đã có nhu cầu tuyển cạn kiệt nguồn cung. Để đáp ứng quy mô phát triển 30.000 người vào năm 2020, FPT Software đã phải sang Philippines, Myanmar… để tuyển nhân lực. Điều này thật phi lý”, ông Bình bày tỏ.

Mới đây, vào ngày 28/9, Công ty Xuất khẩu Phần mềm Tinh Vân (Tinhvan Outsourcing) cũng đã mở Văn phòng đại diện tại Đà Nẵng, đánh dấu sự hiện diện tại 3 thành phố lớn nhất cả nước (Hà Nội, Tp.HCM, Đà Nẵng). Theo ông Nguyễn Ích Vinh – Tổng Giám đốc Tinhvan Outsourcing: “Đà Nẵng là 1 thành phố có môi trường sống tốt nhất Việt Nam, có đội ngũ nhân lực chuyên nghiệp và nền tảng ngoại ngữ tốt, cũng như được hỗ trợ nhiều chính sách phát triển tốt từ chính quyền. Tôi hy vọng trong những năm tới, chúng tôi có thể xây dựng được đội ngũ hàng ngàn lập trình viên tại đây”.


Sinh viên Aptech được tham gia triển khai các dự án phần mềm quốc tế từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường

Sinh viên Aptech được tham gia triển khai các dự án phần mềm quốc tế từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường

Khan hiếm nguồn lực chất lượng cao còn bị đẩy lên cao khi các tập đoàn công nghệ lớn tầm cỡ thế giới ‘nhảy’ vào Việt Nam để mở công ty con hoặc chi nhánh, đơn cử như Harvey Nash Việt Nam - công ty con của tập đoàn Harvey Nash (Anh). Thành lập từ năm 1998, Harvey Nash Việt Nam hiện có khoảng 2.500 nhân viên hoạt động trong lĩnh vực gia công - xuất khẩu phần mềm.

Ông Nguyễn Hùng Cường - Giám đốc điều hành Harvey Nash Vietnam cho hay, chiến lược của Harvey Nash trong năm 2015 là tập trung phát triển một cách toàn diện trên toàn cầu thông qua các trung tâm công nghệ tại Việt Nam và mở rộng thị trường châu Á - Thái Bình Dương. “Do vậy, công ty đang có nhu cầu tuyển dụng hơn 800 nhân lực có kinh nghiệm, đồng thời đào tạo hơn 400 sinh viên mới ra trường trong năm nay”, ông Cường nói.

Nhu cầu cao, nhưng thực tế, số lượng sinh viên ra trường có thể đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp không nhiều, nhất là những người có khả năng làm việc trực tiếp với khách hàng nước ngoài hoặc ra nước ngoài làm việc (ngoại ngữ yếu).

Qua khảo sát, đa số người phụ trách tuyển dụng của các doanh nghiệp IT cho biết, bản chất sinh viên là không có kinh nghiệm nên doanh nghiệp ít khi phàn nàn về kinh nghiệm làm việc. Song hai điểm yếu cơ bản của sinh viên mới ra trường chính là ngoại ngữ và kỹ năng mềm (khả năng phối hợp nhóm thuyết trình...). Đây là một bất lợi lớn bởi càng ngày công việc trong ngành CNTT càng mang tính toàn cầu như hiện nay.

Như vậy, sinh viên ngành Lập trình tại Việt Nam đang đứng trước ‘ngưỡng cửa’ cơ hội rất tốt nếu biết tận dụng tối đa kiến thức, kỹ năng mềm từ việc học tại nhà trường. Trong đó, e-Project chỉ một trong những mô hình giáo dục kiểu mới, giúp sinh viên tiếp cận và trực tiếp trải nghiệm dự án với khách hàng nước ngoài gần với thực tế nhất.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm