“Co giò” chạy nước rút

Thi thử tới 7 lần, học thêm dồn dập… cả thầy và trò đều đang căng sức để chạy nước rút cho 2 kỳ thi lớn: Tốt nghiệp THPT và thi tuyển ĐH, CĐ.

“Co giò” chạy nước rút - 1

Thí sinh kiểm tra lại bài thi môn Văn trước khi nộp.
 
Thi thử tới... 7 lần

 

Năm học này, Trường THPT dân lập Lý Thái Tổ (Hà Nội) có 140 học sinh dự thi tốt nghiệp. Là một trường mới thành lập, đang chuẩn bị “ra lò” lứa thứ hai nên công tác ôn tập cho thi được đặc biệt chú trọng.

 

Ông Lê Thiện Thuật, hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chúng tôi bắt đầu cho các em thi thử theo đúng quy cách thi tốt nghiệp ngay từ tháng 10 năm ngoái. Khi chưa biết môn thi tốt nghiệp thì nhà trường tự chọn 6 môn cơ bản nhất để thi. Tới thời điểm này đã thi thử được 5 lần. Trung tuần tháng 5, chúng tôi sẽ tổ chức thi thử lần thứ 6 và lần chót là vào cuối tháng 5”.

 

Sau mỗi đợt thi thử, trường có khen thưởng cho học sinh đạt điểm cao. Với những em đạt dưới 30 điểm, trường mời phụ huynh đến để trao đổi. “Với cách làm này, chúng tôi đã kéo được phụ huynh vào cuộc cùng với mình trong việc giáo dục học sinh, nâng tỷ lệ 'đỗ' từ 70% của lần thi đầu tiên lên 90% ở lần thi thứ 5”, ông Thuật phấn khởi nói. Còn theo một học sinh khối 12 của trường thì “thi thử nhiều cũng mệt, áp lực, nhưng tụi em ý thức hơn trong học tập”.

 

Khác với trường Lý Thái Tổ, trường THPT Yên Hòa chỉ tổ chức thi thử một lần, áp dụng ngay trong kỳ thi cuối học kỳ hai và kết quả rất tốt cả về kết quả thi lẫn ý thức học sinh. Theo bà hiệu trưởng Nguyễn Thị Thuý Anh thì để có kết quả trên, trường đã phải có “kế hoạch dài hạn”, dạy và học theo hình thức “cuốn chiếu,” học tới đâu, chắc kiến thức tới đó đồng thời tổ chức ôn tập ngay từ sau Tết.

 

“Từ ngày 20/2, giáo viên đã cho học sinh đề cương ôn tập của 8 môn có khả năng thi tốt nghiệp. Sau khi Bộ GD-ĐT công bố môn thi chính thức thì rút lại còn 6 môn. Chuẩn bị kỹ nên tới thời điểm này, chúng tôi rất yên tâm”, bà Anh chia sẻ.

 

Học thêm... vẫn không thừa

 

Ngày nào Vũ Nguyệt Minh (Thái Bình) cũng phải đạp xe hơn 10 cây số để tới trường. Học ở trường cả ngày, 17 giờ, em lại đạp xe khoảng chục cây số nữa để ra trung tâm huyện luyện thi đại học. Tới tận 20 giờ mới là lúc Minh vượt 20km để về nhà. “Ước mơ lớn nhất của em ngay lúc này là... ngủ”, Minh cười nói sau một ngày đầy vất vả và bận rộn.

 

Còn với Hiếu, học sinh trường trung học phổ thông Trần Phú (Hà Nội) thì phải thức tới một, hai giờ sáng là chuyện thường. “Cả lớp em đều thế. Ai cũng lo thi tốt nghiệp, nhất là kỳ thi đại học. Mệt mỏi quá!”.

 

Những ngày này, học sinh khối 12 của trường dân lập Lý Thái Tổ cũng phải học ở trường cả sáng và chiều tới 8 tiết một ngày để ôn thi tốt nghiệp, buổi tối lại tăng ca ôn thi đại học. Điểm luyện thi cạnh trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn Hà Nội luôn sáng đèn tới 20 giờ. “Hết giờ ở trường là chạy tới đây. Hầu hết học sinh đều học tới ba ca một ngày. Nhìn chúng nó phờ phạc mà thương,” bác Tiến, một chủ trung tâm luyện thi nói.

 

Học sinh lo thi, còn phụ huynh thì lo con ốm. Ngày nào cũng tay xách nách mang nào trứng, sữa, bột đậu nành về cho con nhưng chị Nguyễn Thị Thuỷ (Hà Đông) vẫn không yên tâm về sức khoẻ của cậu con trai. “Còn hai tháng nữa mới thi đại học, mà mỗi ngày nó chỉ ngủ có 4 tiếng thì làm sao đảm bảo sức khoẻ. Nhiều đêm thấy con mê sảng mà xót ruột,” chị Thuỷ lo lắng.

 

Với anh Vũ Văn Bình, bố Minh, thì ngoài sức khỏe, còn một nỗi lo lớn hơn là sự an toàn của con. “Là con gái mà tối nào nó cũng đạp xe 20km, lại có rất nhiều đoạn đường đi qua cánh đồng. Cứ nhìn thấy con về tới sân thì mới thở phào nhẹ nhõm được”.

 

Còn gần một tháng để ôn thi tốt nghiệp, hai tháng cho ôn thi đại học, “cú đúp” “vượt vũ môn” thực sự là một thách thức không nhỏ với các sĩ tử đang tuổi ăn tuổi ngủ.

 

Theo Phạm Mai
Vietnam+