Kon Tum:
Cô giáo vùng cao về nhất cuộc thi Nữ giáo viên sáng tạo
(Dân trí) - Vượt qua hàng ngàn giáo viên cả nước, cô Võ Thị Ngọc Ánh ở huyện vùng cao Đắk Tô (Kon Tum) đạt giải Nhất cuộc thi Nữ giáo viên sáng tạo. Trước đây, cô Ánh từng được tuyển thẳng vào đại học; làm nghề giáo, cô đã góp phần đào tạo nhiều lứa học sinh giỏi.
Nhiều lần suýt phải bỏ học
Là con cả trong gia đình nghèo có 4 chị em ở huyện vùng cao Đắk Tô (Kon Tum), từ nhỏ cô Võ Thị Ngọc Ánh (35 tuổi) - giáo viên Toán Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành (TP Kon Tum, Kon Tum) luôn là học sinh giỏi. Ngay từ năm lớp 9, cô Ánh đã được Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành tuyển về trường làm học sinh nguồn. Suốt 4 năm học tại trường chuyên, cô Ánh phải đi học xa nhà, hoàn cảnh gia đình rất nghèo. Nhiều lần mẹ cô Ánh khuyên con nghỉ học do không có tiền chu cấp cho con. "Hồi đó mình phải nhịn ăn sáng để đi học, hầu như không có bữa nào được ăn sáng", cô Ánh nhớ lại.
Vì quá ham học, cô Ánh đã thuyết phục được mẹ và gia đình bằng những tờ giấy khen học sinh giỏi. Không chỉ vậy, thương đứa cháu gái học giỏi có nguy cơ phải nghỉ học do nhà nghèo, hai người dì của Ánh năm nào cũng giúp cháu tiền mua quần áo và sách vở. Không phụ lòng người thân, Ánh đã tốt nghiệp THPT với tấm bằng Giỏi và kết quả thi tốt nghiệp tất cả các môn đều trên điểm 9. Cô Ánh được tuyển thẳng vào đại học và có thể tự chọn bất kì trường đại học nào ở thời điểm bấy giờ.
Thích ngành Y và mong muốn sau này trở thành bác sĩ, nhưng do hoàn cảnh gia đình nghèo, cha mẹ còn phải nuôi 3 em nhỏ ăn học nên cô Ánh đã chọn vào học khoa Toán, Trường ĐH Sư phạm - Đại học Huế. Học Sư phạm, cô Ánh được miễn tiền học phí lại có thời gian đi làm thêm tự nuôi mình ăn học. Suốt 4 năm học, cô Ánh luôn nhận được học bổng với kết quả học giỏi, một buổi đi học, một buổi đi làm gia sư nên cô không phải nhận chu cấp của cha mẹ.
Ra trường với tấm bằng Giỏi, cô Ngọc Ánh được thầy cô Trường THPT Chuyên Nguyễn Tất Thành mời về trường giảng dạy các lớp chuyên Toán của trường.
Giáo viên nghèo vùng cao và giải thưởng “hiện đại”
Ngày 15/1/2015, cô Ánh bất ngờ nhận thông tin mình là một trong 3 nữ giáo viên đạt giải thưởng Nữ giáo viên sáng tạo năm 2014 do Bộ GD-ĐT tổ chức. Đặc biệt, cô Ánh là nữ giáo viên vùng cao duy nhất đạt giải thưởng. Và điều đáng nói trong giải thưởng của cô Ánh chính là việc cô là giáo viên vùng cao nghèo, điều kiện khó khăn nhưng lại đạt giải sáng tạo về việc ứng dụng Công nghệ thông tin (CNTT) hiện đại để áp dụng vào trong công tác giảng dạy.
Cô Ánh chia sẻ, tháng 4/2014, cô nhận được thông tin về việc tổ chức cuộc thi và được Hiệu trưởng của trường đề cử tham gia cuộc thi và thời hạn nộp bài dự thi là tháng 8. Với hoàn cảnh gia đình không được khá giả, vợ chồng cô Ánh đều làm giáo viên, thu nhập cũng chỉ đủ chi tiêu cho hai vợ chồng và hai con nhỏ (lớn 8 tuổi, nhỏ 2 tuổi). Trong khi việc giảng dạy cho học sinh chuyên Toán của trường khá vất vả và mất nhiều thời gian, lại phải nuôi con mọn nên việc tham gia cuộc thi trên với cô Ánh cũng không thuận lợi gì. Nhưng vì sự đam mê CNTT và muốn cống hiến cho ngành Giáo dục, cô Ánh đồng ý tham gia cuộc thi.
Là giáo viên dạy toán nhưng cô Ánh rất đam mê CNTT. Hồi cô Ánh học đại học, vì hiểu được đam mê của con mà bố cô Ánh đã bán một mảnh đất lớn để mua cho cô con gái cưng một chiếc máy vi tính trong khi gia đình rất nghèo. Song song với việc học trên giảng đường, cô Ánh đã đi học thêm lớp kỹ thuật viên tin học nên kiến thức tin học của cô rất vững. Cô đã nhiều lần tham gia các cuộc thi về ứng dụng CNTT vào việc giảng dạy, và từng đạt giải Ba cuộc thi E-learning dạy Toán trực tuyến năm 2013 do Bộ GD-ĐT tổ chức và một số giải thưởng khác.
Với lợi thế là có sẵn một vốn kiến thức vững vàng về CNTT từ lâu, nhưng để đạt giải trong cuộc thi Nữ giáo viên sáng tạo, cô Ánh cũng gặp không ít khó khăn. Cô Ánh kể, do phải giảng dạy cho học sinh chuyên nên một buổi cô giảng dạy cho học sinh một buổi còn lại phải soạn giáo án, rồi thời gian chăm sóc 2 con nhỏ, nên cô chỉ rảnh rỗi được lúc sau 9 giờ tối khi các con đã đi ngủ. Không chỉ hạn chế về mặt thời gian mà khó khăn lớn nhất của cô Ánh chính là về điều kiện kinh tế, cô không có tiền mua phần mềm bản quyền để sử dụng mà phải sử dụng bằng phần mềm dùng thử, nên phải liên tục tải phần mềm về dùng.
“Khi phần mềm dùng thử hết hạn, mình phải tải phần mềm khác về dùng nên rất mất thời gian, cài đặt vừa lâu lại vừa khó và có những phần mềm phải mất 1 tuần mới cài đặt được, rồi mình mới tiếp tục công việc nghiên cứu”, cô Ánh kể. Và may mắn cô được một người bạn là giảng viên Trường ĐH Sư phạm Huế giúp hỗ trợ trong việc cài đặt phầm mềm.
Và vượt qua tất cả những khó khăn trên, cô Ánh đã hoàn thành sản phẩm “Bộ hình ảnh động và sơ đồ tư duy hỗ trợ giảng dạy hình học lớp 10”. Sản phẩm dành cho các giáo viên trên toàn nước có thể ứng dụng trong công tác giảng dạy.
Chia sẽ về cảm giác bất ngờ khi giành được giải thưởng: “Vì hoàn cảnh thời gian và bất cập về phần mềm nên sản phẩm vẫn chưa đạt được theo ý tưởng của mình. Trong khi đó các giáo viên trên cả nước tham gia, nhiều người có điều kiện hơn mình rất nhiều”, cô Ánh nói.
Mọi thông tin, ý kiến đóng góp về các vấn đề giáo dục, quý độc giả có thể gửi đến ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn! |