Cô giáo trẻ và những mảnh đời bất hạnh
(Dân trí) - Ngôi nhà nằm lẩn khuất trong khu Nhà thi đấu Thể Thao Thanh Niên, cạnh bên bờ sông Hương, nơi mà có người đùa là chốn “chuột... ngáy” của thành phố. Mười mấy năm qua, nơi đây đã cưu mang, sưởi ấm lại và thắp lên ánh sáng cho những mảnh đời bất hạnh.
Góp cho các em một nụ cười
Thấy khách đến, lũ trẻ đang chơi giở ván bi đứng dậy giũ sạch áo quần, vòng tay lễ độ chào. Cô giáo Nguyễn Mai Hương nở một nụ cười hồn hậu, cô tâm sự: “Phải khó khăn lắm mới rèn nắn cho các em có được một câu chào bởi vì các em vốn lớn lên lăn lóc với đường phố, với bụi bặm của đời sống nên tính tình cục mịch và cộc cằn”.
Cô kể tiếp: “Ngày mới đến Trung tâm, nhiều em cứ lầm lì, hỏi thì trả lời cộc lốc, bảo ban rất khó vì các em đã quen với cảnh sống không ai dạy dỗ; nhiều em đến Trung tâm cả tháng mà vẫn nói bằng thứ ngôn ngữ của trẻ em đường phố”.
Hiểu hoàn cảnh và tâm lý các em nên các cô bằng tình thương và lòng kiên nhẫn, tận tâm đã dạy dỗ, uốn nắn, đưa các em nhanh chóng hòa nhập với môi trường mới.
Cô giáo Nguyễn Mai Hương là người mẹ cả cùng với 3 mẹ khác trực tiếp nuôi dạy các em. Cô tâm sự: “Mình đến mái ấm này không phải vì đồng lương, vì thù lao không đáng mấy nhưng cái chính là vì thương các em có hoàn cảnh quá tội nghiệp, tự thấy bản thân cũng phải có một phần trách nhiệm nên tình nguyện gắn bó để mong cùng với những người hảo tâm góp thêm cho các em một nụ cười”.
Háo hức đợi chờ
Trong mái ấm này, bàn tay các chị đã chăm sóc các em từ giặt cái quần, cái áo đến bảo ban từng lời chào, câu nói với mọi người, các chị được các em gọi bằng những tiếng mẹ đầy gần gũi, thân thương. Các mẹ cũng có hoàn cảnh gia đình riêng nhưng luân phiên thay nhau ở đây với các em. “Tối này mẹ Trang sẽ ngủ cùng các con, mai đến lượt mẹ Loan...”, một cô giáo “trích dẫn” một câu dỗ ân cần lúc ru các em ngủ.
Một điều khiến các cô và nhất là các em vui nhất là mỗi chiều các anh chị sinh viên, học sinh các trường ĐH, CĐ trong TP lại đến đây sinh hoạt vui chơi với các em. Cứ 5 giờ chiều, sau khi giờ học tan thì các em lại háo hức ra sân ngóng các anh chị đến. Các anh chị có hôm thì đến tay không, lúc thì mua bao khoai, khi lại gói bim bim. Lũ trẻ hăng hái chia nhau ăn ngon lành, ăn xong lại đến kéo tay các anh ra tổ chức trò chơi “Tôn Ngộ Không đuổi bắt yêu quái, bảo vệ sư phụ”. Các anh chị đối với các em như những người anh chị ruột. Hôm nào trời mưa các anh chị không đến là các em lại ngồi một chỗ nhìn ra buồn rầu, ngóng đợi.
Đứa trẻ thoát chết trong lũ
Gọi là Trung tâm nhưng thực ra, mái nhà chung dành cho những mảnh đời kém may mắn ấy chỉ vẻn vẹn ba phòng học, một phòng ăn và ba phòng ngủ chật chội. Được thành lập từ năm 1994 dưới sự quản lý của Quỹ bảo trợ trẻ em đường phố, Nhà nuôi dạy trẻ em đường phố nơi đây đã cưu mang không biết bao nhiêu mảnh đời lay lắt khắp nơi. Hiện tại có 30 em đang sinh hoạt tại đây và gần 70 em khác có hoàn cảnh khó khăn đang theo học.
Cô Mai Hương cho biết, hầu hết các em đều có hoàn cảnh hết sức bi đát, em thì mồ côi cả cha lẫn mẹ, em thì mồ côi một nhưng cha hoặc mẹ không nuôi nổi, lại có cả trẻ em lang thang kiếm sống nơi đầu đường xó chợ được địa phương, công an và các tổ chức giới thiệu và đưa đến đây để được nuôi nấng, chăm sóc.
Năm 1999, trận lụt lịch sử đã nhấn chìm cả thành phố, mấy ngày sau đó, Công an huyện Phú Vang đưa đến một đứa trẻ khổ sở hết sức. Nhìn bộ dạng rách rưới, quần áo tả tơi, mặt mày lem luốc không ai có thể cầm được nước mắt. Hỏi “Em ở đâu, tên cha mẹ em là gì? Ở huyện nào?”... em cũng không nói. Phải mất mấy tháng trời dò hỏi, điều tra tin tức mới biết nhà em ở một xóm nghèo huyện Phú Vang, cơn lũ đã cuốn cả nhà đi, nhưng em thì may mắn thoát chết. Em lang thang vô hồn, kiếm ăn lay lắt, công an địa phương thấy liền đón em về Trung tâm. Giờ thì đứa bé xấu số ngày nào có cái tên Nguyễn Văn Hảo đã lớn khôn và hòa nhập với mái ấm chung này cùng các mẹ, các bạn.
Ngậm ngùi phận nghèo khó
Hoàn cảnh bi đát không kém Hảo là ba anh chị em Lê Văn Nhân, Lê Tuấn và Yến Nhi. Ba đứa trẻ là anh em ruột phải chịu cảnh mồ côi cha mẹ, không người thân thích bấu víu được đưa đến đây nuôi nấng, học hành. Không được may mắn như hai người anh, mới sinh ra người em út Yến Nhi đã bị tàn tật, liệt nửa người, bán thân bất động. Đau đớn hơn là Yến Nhi lại bị thiểu năng trí tuệ nên việc chăm sóc và hòa nhập rất khó khăn.
Đến mái ấm này, ban đầu các em sẽ được tập hòa nhập, làm quen với ngôi nhà mới, sau đó sẽ được học chữ, học văn hóa. Các em được dạy dỗ đến lớp 5 rồi ra trường ngoài học, học xong được hướng nghiệp đi làm ăn. Mọi khoản chi phí ăn ở, sinh hoạt được tài trợ từ những cá nhân, tổ chức hảo tâm khác quyên góp...
“Tất cả các em khi học xong phổ thông đều không thi đại học vì không thể có điều kiện, nhiều em học rất giỏi nhưng cũng đành ngậm ngùi nhìn các em lao vào mưu sinh. Hiện tại, số lượng các em ngày càng đông nên nhà sinh hoạt ăn ở, nghỉ ngơi đang rất thiếu thốn, tiền tài trợ chỉ đủ nuôi các em ăn học còn nơi ở mới thì... chưa tính đến”, cô Hương buồn bã tâm sự.
Bá Dũng