Cô giáo tiếng Anh của những người “đặc biệt”

(Dân trí) - Cô giáo là một người khiếm thị dạy tiếng Anh cho những người khiếm thị lớn tuổi không thể đến trường với mong muốn đưa “ánh sáng” văn hóa đến với họ. Chị là Lê Thị Diệu Châu (29 tuổi), hiện là Ủy viên Ban thường vụ Hội người mù TP Đà Nẵng.

Tốt nghiệp ngành cử nhân ngoại ngữ (Đại học Duy Tân), Diệu Châu bị “kéo” về Ban Thường vụ Hội Người mù TP Đà Nẵng phụ trách công tác tuyên truyền, văn hóa văn nghệ và giáo dục. Cũng ở đây, những lớp học tiếng Anh cho người khiếm thị lớn tuổi do chị đảm nhận được hình thành.

 

Cô cử nhân ngoại ngữ khiếm thị đầu tiên

 

Cất tiếng khóc chào đời, cô bé Diệu Châu đã không được nhìn thấy ánh nắng mặt trời. 29 năm qua trong mắt cô chỉ là một gam màu tối, chỉ có gam màu sáng trong tâm hồn, nghị lực của cô.

 

Là chị cả trong một gia đình có 3 chị em. Bố mẹ Diệu Châu và hai bình thường, chỉ có mình Diệu Châu phải gánh chịu thiệt thòi.

 

Ngay từ nhỏ, cô bé khiếm thị này đã sớm bộc lộ tính ham học. Đến tuổi đến trường, nghĩ con gái tật nguyền đi học phải xa nhà vất vả nên bố mẹ Diệu Châu không cho con đi học. Thế nhưng Diệu Châu không chịu, một mực nằng nặc đòi bố mẹ đi học cho bằng được.

Thấy con gái ham học, bố mẹ Diệu Châu đành đưa con đến trường mù Nguyễn Đình Chiểu xin học. Những năm theo học tại đây, Diệu Châu luôn đạt học sinh giỏi.

 

Lên cấp 2 và cấp 3, Diệu Châu phải chuyển qua theo học lớp hòa nhập cùng những bạn bình thường. Vì thế, việc học trở nên khó khăn và vất vả hơn nhiều.

 

Với những người bình thường vừa nhìn vừa nghe thì ghi chép đơn giản hơn nhiều, còn với Diệu Châu chỉ nghe thầy cô giảng bài rồi chép lại nên câu được câu mất, vì thế nghiên cứu bài vở cũng khó khăn hơn. “Tuy nhiên, khó nhất vẫn là học môn hình học đặc biệt là hình học không gian vì mình không thể hình dung được”, Diệu Châu cho biết.

 

Khó khăn là thế nhưng Diệu Châu luôn đạt học sinh giỏi. Cô bé khiếm thị cũng “không quên” nhận giải nhất cuộc thi viết thư UPU toàn quốc năm lớp 8. Bức thư mà Diệu Châu tham gia cuộc thi Diệu Châu viết về tình cảm thương yêu của đứa cháu đối với bà nội mình.

 

Chưa hết, lên lớp 10, Diệu Châu “ẵm” giải 3 học sinh giỏi thành phố môn địa lý trước sự ngỡ ngàng và thán phục của bạn bè.

 

Cũng trong những năm học phổ thông, năng khiếu ngoại ngữ của Diệu Châu sớm bộc lộ. Diệu Châu rất ham học và thích học môn tiếng Anh.

 

Tuy nhiên, việc học tiếng Anh đối với người bình thường đã khó vì thế đối với người khiếm thị lại càng khó hơn bởi sách giáo khoa cũng như từ điển tiếng Anh cho người khiếm thị chưa có. Vì thế muốn học được Diệu Châu phải chuyển qua chữ Braille. “Khó nhất là tra từ mới, vì không nhìn được mặt chữ nên không biết phiên âm như thế nào để đọc cho đúng”, Diệu Châu cho biết.

 

Có những đêm, Diệu Châu phải thức trắng đêm đánh vật với từng con chữ. Vất vả là thế nhưng Diệu Châu không nản. “Chỉ có tiếng Anh mới giúp mình tiếp cận với thế giới bên ngoài”, Diệu Châu nghĩ. Đó cũng là động lực giúp cô vượt qua những lúc khó khăn, những lúc cô thấy chán nản.

 

Rồi cũng như bao nhiêu người khác, ước mơ cháy bỏng của Diệu Châu là được bước chân vào giảng đường đại học. Thế nhưng lúc, bấy giờ, việc đăng ký dự thi đại học của một người khiếm thị không dễ dàng chút nào vì khi đó chưa có chính sách thi đại học cho người khiếm thị.

 

Thấu hiểu khát khao cháy bỏng của cô học trò chăm ngoan, học giỏi, các thầy cô giáo trong trường Nguyễn Đình Chiểu đã viết thư gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại học Đà Nẵng để Diệu Châu được dự thi đại học. Niềm vui hòa lẫn nước mắt của cô trò, gia đình, bạn bè khi trường đại học sư phạm Đà Nẵng đồng ý tổ chức cho em dự thi.

 

Niềm vui một lần nữa như vỡ òa trong Diệu Châu, trong niềm tự hào của thầy cô bạn bè và gia đình khi Diệu Châu đậu nguyện vọng 2, đại học Duy Tân. Tuy kết quả không như ý muốn nhưng đó cũng là một kỳ tích đối với một người khiếm thị.

 

4 năm học đại học là 4 năm trời Diệu Châu “chiến đấu” với bản thân, “đánh vật” với từng con chữ, bài học. “Học càng lên càng đi vào nghiên cứu những chủ đề sâu chứ không đơn giản như học phổ thông. Vì thế muốn học tốt phải cần rất nhiều thời gian và cả một sự quyết tâm”, Diệu Châu bộc bạch. Và bốn năm học Diệu Châu cũng không bỏ lỡ cơ hội nhận học bổng và lấy tấm bằng khá khi tốt nghiệp. Diệu Châu là cử nhân ngoại ngữ khiếm thị đầu tiên của Đà Nẵng.

 

Ước mơ của cô giáo khiếm thị

 

Tốt nghiệp cử nhân ngoại ngữ, Diệu Châu được bầu vào Ban Thường vụ Hội Người mù thành phố. Để những người khiếm thị được tiếp cận với tiếng Anh, hội người mù thành phố Đà Nẵng đã cho mở lớp dạy tiếng Anh do Diệu Châu đảm nhận. “Học sinh” của Diệu Châu là những người đã lớn tuổi không thể đến trường học đều được “cô giáo” Diệu Châu dạy rất tận tình.

 

Từ khi về thành Hội (đã được 1 năm), Diệu Châu đã hoàn thành 2 khóa học cho người khiếm thị, mỗi khóa học khoảng 10 người. Ngoài ra, Diệu Châu còn đi về các quận Hội dạy cho các hội viên tại đây. Các hội viên trong hội người mù chủ yếu làm nghề massge nên rất cần vốn tiếng Anh để giao tiếp với người nước ngoài. Cũng vì thế từ khi được học tiếng Anh, một số cơ sở massge của Hội người mù càng đông khách nước ngoài hơn.

 

“Nhiều hội viên sau khi tốt nghiệp khóa học đã có thể giao tiếp bằng tiếng Anh, rất thuận lợi cho công việc của các hội viên”, ông Võ Văn Ngọ, chủ tịch Hội Người mù TP Đà Nẵng.

 

Tuy dạy cho những người khiếm thị nhưng không bao giờ Diệu Châu có suy nghĩ “kiến thức như thế là đủ rồi”.

 

Để nâng cao kiến thức, Diệu Châu còn tham gia lớp học tin học. Những lúc rảnh rổi, Diệu Châu lại lên mạng tìm kiếm tài liệu phục vụ cho việc dạy cũng như nâng cao kiến thức cho mình.

 

Nói về ước mơ, Diệu Châu cho biết: “Mình muốn dạy tiếng Anh cho thật nhiều người khiếm thị để những người khiếm thị cũng có thể làm những việc như người bình thường”.

 

Khánh Hồng