Cô giáo tâm sự: Có bao nhiêu phiên họp vì sự tiến bộ của học sinh?

(Dân trí) - Tháng 12, trường tôi họp hội đồng sư phạm như thường lệ. Sau khi khá nhiều công việc trường lớp được đánh giá và phổ biến kế hoạch sắp tới, quỹ thời gian ít ỏi còn lại dành cho phần thảo luận, ý kiến của tập thể.

Một vài cánh tay của giáo viên đưa lên kiến nghị một số công việc xoay quanh công tác chuyên môn và hoạt động ngoài giờ lên lớp. Và ý kiến của một giáo viên Thể dục làm tôi chú ý.

Chị là một giáo viên có thâm niên với chuyên môn giỏi và khá nghiêm khắc trong công tác giáo dục nề nếp học sinh. Chị băn khoăn về trường hợp một nam sinh lớp 9/1 thường xuyên vắng học khoảng một tháng nay và không hoàn thành các cột điểm kiểm tra bộ môn.

Chị nêu ý kiến nếu trong thời gian tới, em học sinh này vẫn tiếp tục không tham gia các buổi học Thể dục thì chị buộc lòng phải đánh giá “Không đạt”.

Ngay sau ý kiến đó, nhiều giáo viên cũng lên tiếng về nam sinh này thiếu điểm các bài kiểm tra. Vì là năm cuối cấp và cận kề kỳ thi học kỳ một sắp tới nên sự lo lắng, trăn trở của các giáo viên như càng thúc giục hơn.

Giáo viên chủ nhiệm lớp 9/1 đứng dậy xin được trình bày ý kiến về trường hợp nam sinh này. Phòng hội đồng lặng im nghe cô giáo gần gũi nhất và thấu hiểu em học sinh ấy nhất kể về hoàn cảnh của em mà ngậm ngùi.

Em sinh ra trong một gia đình tan vỡ, bố và mẹ đều đã có gia đình mới và con cái đủ đầy. Còn em, em sống với bà nội đã già yếu. Dù em được chu cấp vật chất từ bố mẹ nhưng sự thiếu thốn tình cảm như một vết thương sâu hoắm khi nhìn thấy bạn bè đủ đầy tình thương bên bậc sinh thành.

Ở trong lớp, em rất trầm lặng và sức học ở mức trung bình. Hồi tháng 10 vừa rồi, em đã bỏ học một tuần và phiêu dạt vào Đà Lạt theo bà con định học nghề. Rồi em trở lại, cô giáo chủ nhiệm mừng rỡ, em cũng hớn hở gặp lại cô giáo và bạn bè. Đồng nghiệp của tôi kể rằng chị nhớ mãi ánh mắt và nụ cười tươi tắn của em khi chào cô giáo trong ngày đầu trở lại lớp.

Về tình hình vắng học thời gian gần đây thì cô giáo chủ nhiệm cho biết bà nội em nằm viện. Có lẽ em bận chăm bà và tâm trạng buồn bã khi cuộc sống nhiều xáo trộn nên có phần lơ là. Cô chủ nhiệm cũng mong các giáo viên bộ môn thông cảm cho hoàn cảnh đặc biệt của em ấy và bớt khắt khe trong đánh giá, xếp loại.

Sau phần trình bày của giáo viên chủ nhiệm, nhiều thầy cô có mặt ở đó cũng nhất trí sẽ quan tâm động viên cậu học trò của mình trong giai đoạn khó khăn này.

Ý kiến của một giáo viên bộ môn hôm ấy quả thật đã gỡ khó cho nhiều người trước thực trạng trò vắng học, thiếu điểm kiểm tra. Ý kiến đó cũng đã khơi mào cho sự tranh luận về cách ứng xử tích cực với những học sinh có hoàn cảnh riêng đặc biệt. Cậu học trò ấy cũng sẽ nhận được sự quan tâm, động viên từ chính những người thầy và người bạn của mình. Tôi tin rằng sự tiến bộ của em trong tương lai là lẽ tất nhiên.

Sau cuộc họp, chắc chắn sẽ là sự thay đổi trong cái nhìn, lời nói, hành động của mỗi người thầy khi tiếp xúc và giáo dục học sinh. Tình thương, sự đồng cảm, lòng bao dung của nhà giáo phải được nuôi dưỡng và định hướng trong chính những cuộc họp hội đồng sư phạm như thế.

Khoảng thời gian ngắn ngủi cuối cuộc họp ấy quả thật hữu ích. Tuy nhiên, có bao nhiêu phiên họp vì sự tiến bộ của học sinh đã diễn ra trong học đường? Tôi nghĩ là khá ít ỏi.

Giáo dục như nhiều người đánh giá là đang “bội thực” các cuộc họp. Chúng tôi phải họp hội đồng sư phạm định kỳ hàng tháng, chưa kể các cuộc họp đột xuất toàn thể hội đồng giáo viên. Tổ chuyên môn theo quy định họp 2 lần/tháng. Rồi sinh hoạt chuyên môn, họp công đoàn, họp chi đoàn, hội ý giáo viên chủ nhiệm…

Hầu hết các cuộc họp diễn ra bắt đầu bằng phần đánh giá, nhận xét, tổng kết các hoạt động trong thời gian vừa qua và phổ biến kế hoạch trong thời gian tới. Người chủ trì cuộc họp dường như chiếm phần lớn thời gian để đọc và nói về các nội dung đã chuẩn bị.

Rồi các phiên họp tiếp theo quay lại đánh giá, phổ biến các nội dung đã có trước đó. Sự lặp lại nhàm chán chiếm phần lớn thời gian cuộc họp khiến khoảng thời gian thảo luận, nêu ý kiến của giáo viên bị cắt xén thảm thương.

Người thầy chỉ có thể nêu các ý kiến lớn liên quan đến công việc của tập thể, còn các ý kiến bị cho là vụn vặt thì cắt ngang, ‘cướp lời” vì… trễ giờ.

Trong các tình huống đó, làm sao giáo viên có cơ hội trao đổi về tình hình học tập của một vài học sinh đặc biệt hoặc tìm kiếm kinh nghiệm giáo dục đúng đắn nhất, tối ưu nhất?

Trở lại vụ việc giáo viên yêu cầu học sinh tát bạn 231 cái ấy, nếu cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy có cơ hội trình bày về áp lực trong công tác chủ nhiệm lớp thường xuyên đứng cuối bảng thi đua thì phải chăng mọi chuyện đã diễn biến khác?

Hay với tình huống của hai cô giáo trường mầm non B Trực Đại (Trực Ninh, Nam Định), nếu những khó khăn của giáo viên trong việc chăm, dạy và “giữ” một học sinh bị tăng động thường xuyên chạy nhảy, la hét, cắn bạn… được ban giám hiệu nhà trường và các cấp quản lý lắng nghe, phải chăng đã không có hình ảnh một đứa trẻ bị buộc dây vào cửa sổ?

Người thầy chỉ có thể tự xử lý những khó khăn, áp lực trong công việc của chính mình bằng kinh nghiệm và năng lực sư phạm vốn có của bản thân.

Giá như tiếng nói của mỗi người thầy được lắng nghe, chia sẻ, trao đổi và định hướng trong các buổi sinh hoạt, hội thảo, chuyên đề thì có lẽ các câu chuyện buồn trong giáo dục sẽ được “giảm tải”.

Khi người thầy không còn đơn độc trong cuộc đua thành tích và không đơn độc khi áp lực bủa vây, học sinh sẽ nhận được tình yêu thương và phương pháp giáo dục đúng đắn hơn!

Bởi vậy, thay vì mang nặng tính chất hành chính, mệnh lệnh, mong rằng các phiên họp trong nhà trường sẽ được đổi mới hướng tới mục tiêu vì sự tiến bộ của học sinh!

Nguyễn Thùy

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn .

Xin trân trọng cảm ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm